Lấy trách nhiệm với xã hội làm mục tiêu phát triển

GD&TĐ - Phải lấy sự phát triển bền vững, trách nhiệm cộng đồng xã hội làm mục tiêu phát triển. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ như vậy tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sáng 17/7.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Thực hiện tự chủ: Các trường không ngồi chờ

Đối với mảng ĐH, Bộ GD&ĐT sẽ quan tâm chỉ đạo quyết liệt là chất lượng. Các cơ sở giáo dục ĐH phải minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và thực hiện nghiêm kiểm định chất lượng, chú trọng kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định trường, để ngành đào tạo nào kém chất lượng, sau thời gian không cải thiện được thì đóng cửa. Các trường ĐH phải bình đẳng trong cạnh tranh về chất lượng, tránh có tình trạng góc khuất, điểm tối để các trường có thể lợi dụng.

“Tôi đề nghị chúng ta cùng nhau thống nhất nâng cao nhận thức và quyết tâm từng bước thực hiện một nền giáo dục ĐH đích thực, chất lượng. Chúng ta không sợ thiếu nguồn đầu vào mà là sợ chất lượng không đáp ứng được và đặc biệt là không trung thực trong công bố chất lượng” – Bộ trưởng chia sẻ.

Nhấn mạnh tự chủ đại học là trục xuyên suốt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, một đại học phát triển bền vững là phải nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gắn kết với người sử dụng lao động, cộng đồng. Phải quan niệm lấy người sử dụng lao động làm trung tâm để tạo ra “sản phẩm”. Đã đến lúc các trường cần thể hiện trách nhiệm xã hội, chứ không thuần túy đào tạo được bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ. Phải lấy sự phát triển bền vững, trách nhiệm cộng đồng xã hội làm mục tiêu phát triển.

 

Hội nghị đã đạt được các mục tiêu, tâm thế của các nhà trường đã sẵn sàng. Tôi tin tưởng rằng tới đây giáo dục đại học sẽ có bước tiến nhanh, vững chắc, nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín của từng nhà trường góp phần vào uy tín của giáo dục đại học. Giáo dục đại học cũng sẽ đi tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cao cho đất nước.

 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Theo Bộ trưởng, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục được ban hành, tới đây sẽ có một loạt văn bản được ban hành để tạo điều kiện cho tự chủ, nhưng quan trọng là các trường cần nâng cao hiểu biết về pháp lý. Dường như đến nay, các trường vẫn chưa thực sự ngấm quy định, nếu không rõ, không ngấm trong quá trình thực hiện khi vướng vào quy định sẽ khó thực hiện.

Bộ trưởng cũng lưu ý, thực hiện tự chủ, các trường phải chủ động, có kế hoạch, đề án lộ trình thực hiện cụ thể, theo đó có kế hoạch đầu tư, kêu gọi đầu tư. Phải dành thời gian chuẩn chỉnh chiến lược 5 năm, 10 năm. Một yếu tố cần quan tâm khi xây dựng kế hoạch, đề án là về Hội đồng trường, các trường cần dành thời gian nghiên cứu kỹ vấn đề này.

Theo Bộ trưởng, quan trọng là các trường cần cùng chia sẻ, trong 23 trường thí điểm tự chủ, có nhiều trường tốt, cần chia sẻ kinh nhiệm, rút kinh nghiệm cùng phát triển.

Bộ trưởng đề nghị các vụ, cục của Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về tự chủ đại học, làm việc với các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho tự chủ. “Quan điểm là Bộ GD&ĐT chỉ kiến tạo, giám sát và trọng tài, còn tự cuộc sống, tự xã hội tôn vinh chất lượng của các trường. Bộ sẵn sàng cùng các trường bảo vệ cái đúng, gỡ những chỗ vướng. Cố gắng hóa giải đảm bảo sự đoàn kết” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, các hiệu trưởng, lãnh đạo nhà trường, các cán bộ giảng viên phải cùng ngấm về tự chủ, tạo ra môi trường dân chủ thực hiện tự chủ mới là tự chủ. Bộ sẽ có khung hướng dẫn chung nhưng quan điểm là các trường không ngồi chờ, mà chủ động phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề.

Thi THPTQG nhằm nâng cao chất lượng GD phổ thông

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa kết thúc. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và cùng phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương, các Sở GD&ĐT, các ĐH, trường ĐH, tổ chức chính trị xã hội, có thể nói toàn hệ thống chính trị cùng tham gia vào kỳ thi. Cho đến thời điểm này, kỳ thi được đánh giá thành công.

Chia sẻ điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GD&ĐT đã phân tích rất kĩ phổ điểm các môn thi và từng địa phương; trong Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT tới đây sẽ bàn kĩ tại sao môn học này, địa phương kia lại có kết quả thấp - để mổ xẻ, rút kinh nghiệm. Kết quả kỳ thi không phải chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, làm cơ sở trường ĐH xét tuyển, mà quan trọng hơn là giúp ngành Giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông.

Gửi lời cảm ơn đến các trường ĐH, CĐ đã tham gia tích cực vào công tác tổ chức kỳ thi, Bộ trưởng cho rằng, đây vừa là quyền lợi, đồng thời là trách nhiệm xã hội của các trường ĐH; các trường cần coi đây là nhiệm vụ tự thân, vì sự nghiệp chung.

Trao đổi về công tác tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh đã có, hướng dẫn đầy đủ, các trường cũng đã xây dựng đề án tuyển sinh, phương thức xét tuyển, điều kiện kèm theo. Nhắc đến điều này, Bộ trưởng cũng lưu ý: Đảm bảo chất lượng được chú trọng ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào, nhưng nay chúng ta tiếp cận theo khung trình độ quốc gia, chuẩn chất lượng không chỉ ở đầu vào mà cần chú trọng quá trình tổ chức đào tạo và chất lượng đầu ra. Vấn đề không chỉ chọn được những học sinh tốt để đủ đầu vào mà trường đại học còn phải trách nhiệm với người học, cam kết với họ để khi ra trường có kết quả tốt.

Tin tưởng các trường sẽ thực hiện có trách nhiệm các quy định tuyển sinh, thực hiện tốt đề án tuyển sinh, Bộ trưởng nhấn mạnh: Thực hiện tự chủ là một quá trình minh bạch, thực chất, công khai. Trường đã công bố đề án tuyển sinh thì cần thực hiện đúng tuyên bố trong đề án, tránh trường hợp có trường làm tốt, nhưng có trường chưa tốt ảnh hưởng tới cả hệ thống. “Yêu cầu thanh tra Bộ, các vụ, cục chức năng phải tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra” – Bộ trưởng nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ