Kỳ 1: Chọn SGK nhìn từ sự kiện “Công nghệ Giáo dục”

GD&TĐ - Sau sự kiện SGK Công nghệ Giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại bị loại từ vòng thẩm định thì vấn đề làm sao chọn được bộ SGK tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu và nhận được sự đồng thuận từ người dân được đặt ra.

Sách giáo khoa phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh: Hữu Cường
Sách giáo khoa phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh: Hữu Cường
Lời tòa soạn: Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội về đổi mới Chương trình (CT), Sách giáo khoa (SGK) GDPT cho phép tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều SGK trên cơ sở CT GDPT và lộ trình thực hiện từ năm học 2020 – 2021. Thời gian qua đã có 5 bản thảo bộ SGK lớp 1 từ các NXB gửi đến Bộ GD&ĐT để thẩm định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chất lượng những bộ SGK theo tinh thần XHH đó phải được bảo đảm. Vấn đề SGK cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. 

Dưới góc nhìn của mình, TS Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã bày tỏ quan điểm, ý kiến xung quanh vấn đề trên.

SGK phải được viết đúng tiêu chí đổi mới giáo dục

Nhìn nhận về lý do để 15 thành viên trong Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) đánh giá bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại không đạt bởi không đáp ứng được 13 tiêu chí quy định tại Thông tư 33 năm 2017 do Bộ GD&ĐT ban hành; những nội dung trong sách “Toán và Tiếng Việt lớp 1” vượt chương trình, khó với học sinh lớp 1, TS Phạm Tất Thắng cho biết, khi nghe thông tin này ông khá ngạc nhiên bởi 2 cuốn sách là công trình nghiên cứu cả một đời của một nhà khoa học có uy tín, của Trung tâm Nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam. Sách đã có quá trình vận hành trong thực tiễn ở các mức độ và giai đoạn khác nhau hơn 40 năm. Hiện nay, SGK được áp dụng ở 48 tỉnh, thành và có khoảng 930.000 HS lớp 1 theo học.

Tuy nhiên, ông cũng tôn trọng quyết định của HĐTĐ SGK quốc gia. Đây là mâu thuẫn tất yếu vì HĐTĐ SGK quốc gia hiện nay làm việc theo Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT, tức là thẩm định SGK đáp ứng CT GDPT mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. CT mới này khác cơ bản về cách tiếp cận, cách thức thể hiện CT cũng như nội dung kiến thức trong CT GDPT so với CT SGK cũ.

Vì vậy, mặc dù bộ SGK CNGD được thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh các địa phương đánh giá tốt nhưng không được HĐTĐ SGK quốc gia thông qua cũng không khó hiểu.

 Bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại được biên soạn theo một quan điểm giáo dục riêng, thực hiện trên 40 năm và có một số lượng GV và HS hướng tới, đã đạt kết quả tốt… mà HĐTĐ SGK quốc gia không thông qua thì có nghĩa HĐTĐ đã chọn được một giải pháp SGK thích hợp hơn. Trong dòng chảy của lịch sử chúng ta cần coi đó là chuyện bình thường.  
PGS.TS Phạm Văn Tình nói.  

PGS.TS Phạm Văn Tình lại đón nhận thông tin đó một cách bình thường như bất kỳ một thông tin nào trong xã hội, khi đưa ra dư luận đều có những phản ứng khác nhau.

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tình: Kết luận của HĐTĐ là khách quan (nếu hội đồng đó không vi phạm những nguyên tắc). Với tư cách là người đã từng thẩm định SGK, giáo trình, ông khẳng định: Những bộ SGK khi thẩm định không hề được biết thông tin về tác giả (giống như rọc phách trong bài thi)… Như vậy, nếu ai đó cho rằng HĐTĐ có định kiến với một bộ SGK nào đó thì hoàn toàn không đúng.

Ông Tình nhấn mạnh, cần quay lại vấn đề cốt lõi là các bộ SGK đưa vào CT GDPT mới có phù hợp với quan điểm giáo dục và các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn hay không? Vì vậy chúng ta cần bình tĩnh để đánh giá vấn đề.

Không thể chủ quan thẩm định một bộ SGK phục vụ nhiều thế hệ HS. Ảnh: Đức Chiêm
Không thể chủ quan thẩm định một bộ SGK phục vụ nhiều thế hệ HS. Ảnh: Đức Chiêm 

Không bỏ sót những bộ SGK tốt

Trong khi HĐTĐ khẳng định đã làm việc công tâm, khách quan; còn GS Hồ Ngọc Đại và không ít ý kiến khác cho rằng HĐTĐ chưa đánh giá đúng, đầy đủ điểm tốt, ưu việt của bộ sách, câu hỏi đặt ra là: Vai trò của Bộ GD&ĐT ra sao để có thể lựa chọn và không bỏ sót những bộ SGK tốt?

Về vấn đề trên, TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết: Việc thẩm định SGK cần bắt đầu từ thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết 88 của Quốc hội xuất phát từ chỉ đạo cao nhất là Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư. Từ Nghị quyết 88, Chính phủ đã ban hành Quyết định 404 về CT SGK phổ thông. Gần đây nhất các chỉ đạo được hiện thực hóa bằng Luật Giáo dục năm 2019. Các văn bản nói trên đã khẳng định SGK theo CT GDPT mới phải đáp ứng những yêu cầu ra sao một cách rõ ràng. SGK phải là sự cụ thể hóa CT GDPT...

Như vậy, mọi quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối với SGK đang được thực hiện theo đúng luật. Và có thể khẳng định, khi thực hiện các nội dung trên Bộ GD&ĐT đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình: Năm 2017 đã ban hành Thông tư 33 năm 2017; Năm 2018 ban hành Thông tư 32 về CT GDPT.

Chúng ta cứ xoáy vào Thông tư 33 để nói rằng các tiêu chí để áp dụng đánh giá một bộ SGK nào đó là chưa đầy đủ. Thông tư 33 đưa ra những quy định, cấu trúc và những điều kiện của bộ SGK khi được ban hành.

Như vậy, muốn viết SGK thì việc đầu tiên phải tìm hiểu Thông tư 33 để hiểu quy định về cấu trúc, nội dung, điều kiện tiên quyết của bộ SGK. Và người viết phải đi theo quy định ấy. Và nội dung của SGK phải đi theo Thông tư 32 tức là bám vào nội dung CT GDPT... Nội dung phải áp vào chuẩn mạch kiến thức và chuẩn đầu ra của CT.

Cho đến thời điểm Bộ GD&ĐT thông báo thì đã có 3 NXB gửi lên bản thảo 5 bộ SGK. Đây là thành công bước đầu của việc hiện thực hóa các chỉ đạo của Đảng về đổi mới giáo dục và XHH trong làm SGK và luật đang từng bước đi vào cuộc sống. Sự đổi mới CT, SGK cho một giai đoạn mới đang bắt đầu hiện thực từ khâu đầu tiên.

Bộ GD&ĐT rất trân trọng kết quả thẩm định của HĐTĐ.

---------------------

Kỳ 2: Hội đồng thẩm định SGK

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ