Kết quả giáo dục năm 2017 với 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp

GD&TĐ - Năm 2017, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về GD-ĐT. Các nhiệm vụ đặt ra cho ngành được cụ thể hóa theo từng năm, từng giai đoạn với 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong từng năm, từng giai đoạn.

Kết quả giáo dục năm 2017 với 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp

Những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm 2017 đã có tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo nên những bước chuyển biến tích cực.

KẾT QUẢ THỰ HIỆN 9 NHÓM NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GD-ĐT

Hoàn thành xây dựng bộ chuẩn quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cấp tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ và công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương.

Đồng thời, rà soát, xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Hoàn thành dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GD&ĐT đã đưa nội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục để phù hợp với Luật quy hoạch và thực tiễn phát triển giáo dục thời gian qua vào dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục các cấp

Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, CBQL các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2018-2025, định hướng 2030.

Thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục; tích cực triển khai Chương trình phát triển các trường sư phạm; rà soát, sửa đổi các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới; xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm; tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên và CBQL giáo dục phổ thông cốt cán, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo và CBQL giáo dục.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm viên chức ngành Giáo dục; quy định điều kiện để các cơ sở giáo dục được tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục công lập; quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục ĐH công lập; chỉ đạo thực hiện chủ trương không điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư sang dạy mầm non khi chưa qua đào tạo.

Chỉ đạo Trường ĐHSP Hà Nội và Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh nghiên cứu dự báo nhu cầu giáo viên giai đoạn 2017-2025; yêu cầu đào tạo sư phạm phải gắn kết với nhu cầu sử dụng và đảm bảo chất lượng để phục vụ đổi mới chương trình, SGK phổ thông.

Kiểm tra, rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đang đào tạo, kiên quyết dừng tuyển sinh các ngành nhu cầu nhân lực đã bão hòa, các ngành không đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng.

Với những ngành đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, các địa phương còn nhu cầu tuyển dụng, phải ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, xây dựng khung chương trình đào tạo sư phạm thống nhất trong toàn quốc, đáp ứng chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia của Việt Nam và có tính liên thông giữa các trình độ đào tạo.

3. Phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Một số địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhiều cơ sở GD-ĐT đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan sử dụng lao động, các nghệ nhân, doanh nhân cung cấp thông tin về thị trường lao động, tư vấn hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh; việc học nghề phổ thông đã chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển kỹ năng lao động.

4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh

Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025.

Ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam; tiếp tục triển khai dạy học chương trình tiếng Anh 10 năm và tiếng Anh tăng cường; giao 10 đơn vị nòng cốt về đào tạo giáo viên ngoại ngữ phối hợp với các Sở GD&ĐT triển khai bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông.

Một số cơ sở đào tạo đã xây dựng và ban hành được công cụ đánh giá năng lực ngoại ngữ tiệm cận với chuẩn quốc tế, quy định rõ việc miễn hoặc công nhận mức độ tương đương khi sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để công nhận trong chương trình đào tạo chính khoá.

Ngoài 35 chương trình tiên tiến, một số trường ĐH đã thực hiện các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, chương trình chất lượng cao dạy hoàn toàn hoặc một số môn học bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác.

5. Ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy - học đến năm 2020. Ký kết và triển khai chương trình phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel giai đoạn 2017-2020 về việc triển khai ứng dụng CNTT; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách của 63 sở GD&ĐT.

Việc ứng dụng CNTT trong tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục trong trường phổ thông có chuyển biến tích cực; ứng dụng CNTT trong tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên được đẩy mạnh...

Một số sở đã triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý trực tuyến, tuyển sinh đầu cấp, triển khai quản lý hồ sơ, sổ điểm điện tử, kho dữ liệu điện tử. Nhiều cơ sở đào tạo đã đầu tư chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, thư viện điện tử, cổng thông tin đào tạo, hệ thống phần mềm quản lý đào tạo, thiết bị giảng dạy đa phương tiện; xây dựng hệ thống học liệu phong phú, đa dạng.

6. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục

Triển khai Nghị quyết số 77 của Chính phủ, đến nay, đã có 23 cơ sở giáo dục ĐH công lập được thí điểm tự chủ. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP và triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, Bộ đang hoàn thiện để trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Các địa phương tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục theo khung kế hoạch thời gian năm học gắn với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường của đội ngũ CBQL.

7. Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT

Trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; trình Thủ tướng Chính phủ đề án quốc tế hóa giáo dục ĐH; ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2017-2020 thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025; thúc đẩy phát triển giáo dục theo hướng tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác, học hỏi các mô hình tiên tiến trên thế giới để vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ký kết 50 thỏa thuận, biên bản ghi nhớ cấp Chính phủ và cấp Bộ; các trường ĐH, trung học và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam đã ký nhiều bản ghi nhớ hợp tác, tăng cường trao đổi với các đối tác có nền giáo dục phát triển.

Đặc biệt, trong chuyến công tác 3 nước Bắc Âu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đã ký kết hơn 40 biên bản ghi nhớ giữa các trường ĐH, trung học và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam với các đối tác Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển.

8. Tăng cường nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất

Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông. Ban hành văn bản hướng dẫn địa phương tăng cường cơ sở vật chất cho trường học; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục phổ thông.

Các địa phương đánh giá thực trạng và nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, rà soát và xây dựng danh mục các phòng học cần kiên cố hóa sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu trên cơ sở rà soát của các trường phổ thông. Nhiều địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và từng bước hiện đại, xóa bỏ các phòng học 3 ca, xuống cấp, học tạm, học nhờ.

Tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng một số trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc danh mục 48 trường tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg; nhiều địa phương đã quan tâm đến việc quy hoạch đất đai để xây dựng mới và mở rộng khuôn viên các cơ sở giáo dục.

9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao

Dã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế giai đoạn 2017 - 2025; ban hành một số văn bản để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH; triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Từng bước điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Các chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao; chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến được nhiều trường ĐH quan tâm phát triển. Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được tăng cường.

Trên cơ sở khảo sát, dự báo về nhu cầu đào tạo, các trường đã có sự điều chỉnh về cơ cấu ngành nghề; nhiều trường tập trung mở mới, nâng cao chất lượng các ngành thuộc lĩnh vực CNTT, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe và du lịch...

KẾT QUẢ THỰC HIỆN 5 NHÓM GIẢI PHÁP CƠ BẢN

1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giáo dục

Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 69 văn bản thuộc lĩnh vực GD&ĐT. Tập trung triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.

Tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác phối hợp chỉ đạo điều hành, chủ động nắm bắt tình hình địa phương, cơ sở đào tạo và tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo kịp thời. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; trong dạy học và nghiên cứu khoa học; triển khai các hệ thống quản lý văn bản đi, đến, số hóa quy trình xử lý văn bản nhanh chóng, hiệu quả; triển khai các dịch vụ công trực tuyến.

Đã tiến hành thanh tra hành chính tại một số đơn vị thuộc bộ, trực thuộc Bộ. Qua thanh tra, phát hiện, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với một số cơ sở giáo dục vi phạm về lạm thu, dạy thêm học thêm, chế độ chính sách với nhà giáo, người lao động.

2. Nâng cao năng lực đội ngũ của CBQL giáo dục các cấp

Năm 2017 đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý gắn với hoạt động đổi mới giáo dục cho hơn 11.116 CBQL giáo dục. Đồng thời, triển khai hoàn thiện chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và các chuẩn/khung năng lực hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường ĐH, CBQL sở, phòng GD&ĐT;

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chương trình bồi dưỡng nhà giáo, CBQL; tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Các địa phương đã thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy, nhân sự của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Tổng mức thu sự nghiệp của cơ sở GD&ĐT địa phương năm 2017 dự kiến là 30.380 tỷ đồng, tăng khoảng 1,6% so với thực hiện năm 2016. Ước nguồn thu sự nghiệp GD&ĐT năm 2017 của các Bộ, ngành giảm 4% so với thực hiện năm 2016.

Việc cho phép mức thu học phí cao hơn so với mức quy định chung đối với các trường ĐH đã tạo điều kiện cho các trường tăng thêm nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Công tác phân bổ ngân sách đã được chỉ đạo quyết liệt. Bộ GDĐT đã thành lập tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án của Bộ; đã ban hành quyết định giao cho một đơn vị đầu mối quản lý các dự án ODA, đảm bảo tinh giản bộ máy quản lý, đồng thời phân cấp cho các đơn vị có chuyên môn và chuyên nghiệp thực hiện quản lý.

4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục

Chỉ đạo các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được địa phương, các cơ sở giáo dục ĐH phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức thành công. Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2017 cũng đạt được tiêu chí là thuận lợi, nhẹ nhàng, tiết kiệm, nghiêm túc, hiệu quả.

Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH và chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tiếp cận xu hướng mới của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường ĐH ASEAN (AUN-QA). Chỉ đạo các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục triển khai việc thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH một cách độc lập và công bố thông tin cho toàn xã hội.

5. Công tác truyền thông về giáo dục

Công tác truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh. Các chủ trương, chính sách, hoạt động của ngành đã được truyền thông đầy đủ, hiệu quả cả trong nội bộ và tới toàn xã hội, góp phần tạo nên sự kết nối, chia sẻ, đồng thuận của xã hội với những đổi mới của ngành.

Các địa phương, cơ sở giáo dục quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho công tác truyền thông giáo dục. Tất cả các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục ĐH đã thành lập bộ phận truyền thông hoặc cử cán bộ chuyên trách.

Đẩy mạnh truyền thông về các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, đổi mới, sáng tạo nhằm lan tỏa, khích lệ, động viên các thầy cô giáo, các em học sinh thi đua dạy tốt, học tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.