Hút nhân tài có khó?

GD&TĐ - Nhiều địa phương có chính sách thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục thông qua tuyển dụng đặc cách, có cơ chế đãi ngộ và tạo môi trường làm việc thuận lợi.

Cần có chính sách để thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục. Ảnh minh họa: TG
Cần có chính sách để thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục. Ảnh minh họa: TG

“Chiêu hiền đãi sĩ”

Từng tốt nghiệp xuất sắc tại Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Mai Thị Lệ Huyền được Sở GD&ĐT Quảng Nam tuyển dụng theo diện “thu hút nhân tài” vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm làm giáo viên Địa lý.

Cô Lệ Huyền cho biết: Ở thời điểm mới tuyển dụng, thu nhập của tôi gần 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh mức thu nhập ổn định, tôi còn được tạo điều kiện để phát triển nghề nghiệp như: Tham gia vào các chuyền đề, phát huy sáng kiến, sáng tạo… “Với giáo viên trẻ, ngoài thu nhập rất cần môi trường làm việc để phát huy năng lực, sở trường và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục” – cô Huyền bày tỏ.

Theo ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, từ năm 2018, sở  có chính sách thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục. Theo đó, sở liên hệ với các trường sư phạm để tìm hiểu, nắm bắt hồ sơ, nguyện vọng của các sinh viên sư phạm giỏi. Sau đó, đặt vấn đề tuyển dụng và bổ nhiệm theo nhu cầu của địa phương. Kết quả, năm 2019, sở thu hút được 21 sinh viên sư phạm tốt nghiệp xuất sắc về làm giáo viên. Năm 2020, con số này là 8 sinh viên.

Mới đây, Sở GD&ĐT Quảng Nam gửi danh sách gồm 8 thí sinh trúng tuyển diện “thu hút nhân tài” để UBND tỉnh phê duyệt. Đây là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại các Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh nên được xét tuyển theo chính sách Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”. Trong số 8 thí sinh trúng tuyển lần này, có 3 thí sinh là người ngoại tỉnh.

Tỉnh Tuyên Quang cũng có chính sách “chiêu mộ” cử nhân sư phạm giỏi về làm giáo viên. Ông Nguyễn Minh Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Tỉnh có nhu cầu tuyển dụng cử nhân sư phạm loại giỏi, xuất sắc về công tác tại trường THPT chuyên và các trường THPT trọng điểm theo chế độ ưu đãi.

Giám đốc Sở GD&ĐT đã có Thư ngỏ gửi sinh viên thuộc các trường sư phạm trên toàn quốc về địa phương công tác với chế độ ưu đãi hấp dẫn. Theo đó, các ứng viên sẽ được tuyển dụng thông qua phương thức xét tuyển và hưởng chính sách hỗ trợ bằng tiền sau khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định tuyển dụng với mức hỗ trợ như sau: Tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi trở lên được hỗ trợ 55 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại xuất sắc được hỗ trợ 50 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại giỏi được hỗ trợ 45 lần mức lương cơ sở.

“Chúng tôi có cơ chế ưu đãi và tạo điều kiện tốt nhất để những giáo viên này phát huy năng lực nghề nghiệp” – ông Nguyễn Minh Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cô giáo Mai Thị Lệ Huyền được Sở GD&ĐT Quảng Nam tuyển dụng theo chính sách “thu hút nhân tài”. Ảnh: NVCC
Cô giáo Mai Thị Lệ Huyền được Sở GD&ĐT Quảng Nam tuyển dụng theo chính sách “thu hút nhân tài”. Ảnh: NVCC

Cần đất dụng võ

Ông Hà Thanh Quốc khẳng định: Ngành Giáo dục Quảng Nam luôn “trải thảm đỏ” để đón những sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại xuất sắc, có kỹ năng và đạo đức tốt về dạy học. “Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên trẻ sau khi được tuyển dụng sẽ phát huy năng lực, sở trường cống hiến cho ngành Giáo dục địa phương” – ông Hà Thanh Quốc nói, đồng thời minh chứng: Những giáo viên này sẽ được ưu tiên phân công về giảng dạy tại các trường THPT chuyên trên địa bàn tỉnh gồm: Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường chuyên Lê Thánh Tông.

“Chúng tôi không phân công các em về các trường vùng khó khăn như một số địa phương vẫn làm, mà ưu tiên, tạo điều kiện được cống hiến tâm sức của mình tại những trường THPT trọng điểm của tỉnh, để thấy rằng: Ngành Giáo dục Quảng Nam rất trân trọng nhân tài và nâng niu, trân quý thực sự” – ông Quốc nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Nam, việc thu hút nhân tài, không chỉ nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của địa phương. Điều quan trọng là góp phần nâng cao vị thế của người thầy. Đây cũng là giải pháp trực quan để thu hút những học sinh giỏi, xuất sắc vào học ngành sư phạm; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Sở GD&ĐT và trường THPT luôn theo dõi các em học sinh đạt thành tích xuất sắc, đặc biệt nổi bật trong học tập, rèn luyện có nguyện vọng vào các trường sư phạm. Sau khi các em tốt nghiệp, địa phương sẽ có chính sách đãi ngộ, mời gọi các em làm giáo viên, cống hiến cho địa phương.

Dù thành công trong việc “chiêu hiền đãi sĩ”, song ông Hà Thanh Quốc vẫn trăn trở: Ngành Giáo dục địa phương mới giải quyết được hai vấn đề mấu chốt của việc thu hút và trọng dụng nhân tài là: Cơ chế tuyển dụng và môi trường làm việc. Chế độ đãi ngộ theo diện đặc biệt vẫn còn khó khăn và hạn chế. Rất mong các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn này cho Quảng Nam nói riêng và các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.

Theo ông Đặng Ngọc Nghĩa – đại biểu Quốc hội khóa XIV (Đoàn Thừa Thiên – Huế), muốn thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, phải tạo điều kiện cho họ vào những vị trí việc làm, ngành nghề phù hợp. Người tài, có trình độ chuyên môn cao rất muốn được cống hiến, phát huy sở trường. Muốn vậy phải có “đất dụng võ” để họ có môi trường làm việc thuận lợi, hiệu quả và chứng tỏ được bản thân. Do đó, Đảng và Nhà nước cần có chính sách và chiến lược cụ thể hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài.

PGS.TS Lê Anh Phương – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế đánh giá cao cách làm của ngành Giáo dục Quảng Nam. Đây là cách làm hay nhằm tuyển dụng được những giáo viên giỏi. Hiện một số địa phương có liên hệ với nhà trường để tuyển chọn những sinh viên sư phạm giỏi. Hy vọng sẽ có nhiều địa phương “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài bằng những việc làm thiết thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ