Hỗ trợ miền Trung: Giáo dục về lòng nhân ái cho học sinh

GD&TĐ - Mưa lũ lịch sử trong những ngày vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các trường học, cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) và học sinh, sinh viên các tỉnh miền Trung.

Công đoàn ngành Giáo dục hỗ trợ máy xịt nước cho các trường tỉnh Quảng Trị vệ sinh trường lớp, sớm ổn định việc dạy – học. Ảnh: Công đoàn cung cấp
Công đoàn ngành Giáo dục hỗ trợ máy xịt nước cho các trường tỉnh Quảng Trị vệ sinh trường lớp, sớm ổn định việc dạy – học. Ảnh: Công đoàn cung cấp

Mưa lũ lịch sử trong những ngày vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các trường học, cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) và học sinh, sinh viên các tỉnh miền Trung. Ngành Giáo dục đã và đang có những chương trình thiết thực, nhằm hỗ trợ thầy - trò vùng lũ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Những hành động đẹp

Từ ngày 20/10 đến 22/10/2020, Trường Đại học Mở Hà Nội đã quyên góp được hơn 200 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ nhân dân miền Trung. PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cho hay, nhà trường sẽ tiếp tục chung tay, hướng về miền Trung ruột thịt, giúp người dân nơi đây luôn vững niềm tin, sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Với truyền thống nhiều năm trong các hoạt động chung sức vì cộng đồng, Trường Đại học Mở Hà Nội kêu gọi các cán bộ, giảng viên, người lao động và sinh viên trong trường, chung tay hỗ trợ tối đa những gì có thể, qua đó từng bước người dân vùng lũ ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho hay, nhà trường đang cập nhật thông tin từ sinh viên (quê miền Trung) của trường về thiệt hại của gia đình do mưa lũ gây ra. Sau đó, tùy vào mức độ khó khăn của từng sinh viên, nhà trường sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, các khoa, viện đã chủ động gặp gỡ sinh viên thuộc các gia đình bị thiệt hại để có hỗ trợ ban đầu. Những sinh viên ở ký túc xá thuộc con em gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, Ban lãnh đạo Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo đã hỗ trợ các em 1 tháng tiền ăn tại nhà ăn của Trung tâm. 

Ngoài ra, nhà trường đã làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức, trong đó có mạng lưới cựu sinh viên để hỗ trợ tài chính cho các sinh viên khu vực miền Trung bị thiệt hại. Quan điểm của nhà trường là không để sinh viên nào bị dừng học do không bảo đảm về tài chính.

Bà Hứa Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) cho biết, cùng với nhân dân cả nước, thầy - trò Trường Tiểu học Giang Biên luôn theo dõi và cập nhật tin tức, đồng thời có chương trình, hành động hỗ trợ, thiết thực và hiệu quả. “Có em đã “mổ lợn” tiết kiệm ủng hộ các bạn vùng lũ toàn bộ số tiền tiết kiệm được. Có em gửi tặng các bạn những bộ quần áo, đồ dùng, sách vở của mình, có em gửi tặng các bạn những hộp sữa học đường, có em tự mình đi quyên góp hàng xóm quần áo và tiền để ủng hộ cho các bạn khó khăn…”, bà Huyền chia sẻ. 

Học sinh Trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) tích cực hưởng ứng hỗ trợ miền Trung. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Học sinh Trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) tích cực hưởng ứng hỗ trợ miền Trung. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Giúp học sinh sống có trách nhiệm với cộng đồng

Nhấn mạnh, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” nhưng “của cho không bằng cách cho”; cô Huyền trao đổi, làm thiện nguyện cần xuất phát từ cái tâm, từ lòng nhân hậu; nhất là trong các nhà trường - mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó giáo dục đạo đức, lòng nhân ái luôn được quan tâm chú trọng. 

“Trường Tiểu học Giang Biên thường tổ chức các hoạt động quyên góp, ủng hộ giúp đỡ cho chính những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại nhà trường và tại địa phương; đồng thời kêu gọi, vận động các lực lượng xã hội cùng đồng hành, tài trợ cho các chương trình thiện nguyện, để hỗ trợ cho các thầy cô giáo và các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn... Đây cũng là cách giáo dục học sinh biết yêu thương, chia sẻ, sống có trách nhiệm với cộng đồng” – cô Huyền chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Hà cho rằng, các hoạt động hướng về cộng đồng, thiện nguyện có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của mỗi người học. Thực tế cho thấy, các tổ chức chính trị, xã hội như: Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên đã có nhiều phong trào, cuộc vận động giúp sinh viên nâng cao kỹ năng, nhận thức, bản lĩnh của sinh viên thời đại mới. 

Ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, ngày 16/10, Công đoàn ngành đã có lời kêu gọi CBNGNLĐ trong ngành hỗ trợ đồng bào, đồng nghiệp các địa phương bị mưa lũ. Đến nay, 100% công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố, công đoàn các đại học, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm thuộc Bộ GD&ĐT đã hưởng ứng tham gia. 

“Công đoàn Giáo dục Việt Nam không quy định mỗi người lao động 1 ngày lương mà tùy theo khả năng của mình để các hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và ý nghĩa. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi CBNGNLĐ trong ngành quyên góp vật dụng như: Đồ dùng học tập, sách giáo khoa, sách truyện, áo ấm, giầy dép… để hỗ trợ học sinh trở lại trường sau mưa lũ” – ông Đức nói.

Ông Vũ Minh Đức cho biết, tính đến ngày 22/10, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã nhận được kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng ủng hộ trường học và thầy – trò vùng lũ. Số tiền này được thực hiện theo 2 cách: Các đơn vị trực tiếp chuyển đến các địa phương vùng lũ; hoặc chuyển về Công đoàn Giáo dục Việt Nam để phân bổ, nhằm  bảo đảm việc hỗ trợ đúng địa chỉ cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ