Giáo dục STEM góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Ngày 19/6, tại Đà Nẵng Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo “Giáo dục STEM trong giáo dục trung học”, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo

Đây là một trong số những hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá kết quả 3 năm thí điểm giáo dục STEM trong trường trung học giai đoạn 2017 – 2020 và đưa ra phương hướng triển khai trong thời gian tới,.

Giúp học sinh tổng hoà, tích hợp kiến thức của nhiều môn học

Đánh giá kết quả 3 năm triển khai các hoạt động thí điểm giáo dục STEM tại cơ sở giáo dục trung học, Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết; “Hoạt động này đã được nhiều cơ sở thực hiện hiệu quả, đảm bảo mục tiêu, phù hợp điều kiện thực tế nhà trường. Việc đưa giáo dục STEM vào trường trung học mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”.

Để kết nối nghiên cứu giáo dục STEM theo Kế hoạch số 333/KH-BGDĐT của Bộ GD&ĐT với việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các địa phương; thống nhất về nhận thức và hành động về xây dựng mô hình giáo dục STEM phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Vụ Giáo dục Trung học và Chương trình đã thực hiện tập huấn cốt cán 5 đợt với sự tham gia của 1.481 giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán ở 48 tỉnh, thành phố.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Chính vì vậy, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó có nội dung "thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017-2018".

Thực hiện Chỉ thị số 16, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai giáo dục STEM trong trường học. Từ năm 2017, Bộ đã giao Ban Quản lý chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 trực tiếp tham gia Đề án thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố với 60 trường để thực hiện mô hình này. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quán triệt tinh thần giáo dục STEM trong tất cả các môn học và hoạt động giáo dục.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, giáo dục STEM đem lại nhiều tác động tích cực cho công tác dạy và học trong các trường phổ thông suốt 3 năm qua. Cụ thể, điểm mạnh thứ nhất đó là “giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay dạy đa môn rời rạc. Đây là cách tiếp cận mới, rất thiết thực, cần thiết. Bởi lẽ để giải quyết các vấn đề của thực tiễn thì không chỉ cần đến kiến thức của một môn học mà phải tổng hoà, tích hợp kiến thức của nhiều môn học”, Thứ trưởng cho biết.

Học sinh Hà Nội thí nghiệm làm giấm táo và siro hoa quả
Học sinh Hà Nội thí nghiệm làm giấm táo và siro hoa quả

“Đặc biệt, giáo dục STEM là dạy học gắn với thực tiễn, “học đi đôi với hành”. Khi đó, “Toán học không chỉ phục vụ cho môn Toán mà là phục vụ cuộc sống”. Giáo dục STEM đồng thời thay đổi phương thức học tập là học qua làm, học qua nghiên cứu, giúp học sinh tìm tòi khám phá tri thức, từ đó hình thành phẩm chất năng lực. Chương trình GDPT mới có mục đích cốt lõi cũng là hình thành phẩm chất năng lực thông qua việc học sinh đổi mới cách học, cách nghĩ. Do đó, giáo dục STEM cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường. Đây thực sự là một phương pháp giáo dục hiện đại”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Kiến nghị, đề xuất

Giờ học STEM của học sinh
Giờ học STEM của học sinh

Mặc dù đem lại hiệu quả cao trong hoạt động dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng việc triển khai giáo dục STEM cũng còn một số khó khăn, hạn chế, trong đó có hạn chế về nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và cộng đồng. Khái niệm giáo dục STEM còn được hiểu khác nhau. Hoạt động giáo dục STEM là vấn đề còn mới mẻ đối với nhiều trường học và nhiều giáo viên. Một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của hoạt động giáo dục STEM. Tâm lý nhiều học sinh và phụ huynh học sinh vẫn chỉ quan tâm đến các môn văn hóa để chuẩn bị cho các kỳ thi. Vì vậy, có những em có năng lực khoa học nhưng không được cha mẹ học sinh ủng hộ tham gia hoạt động STEM.

PGS.TS Lê Huy Hoàng - Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật, ĐHSP Hà Nội, Chủ biên Chương trình môn Công nghệ trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng nhấn mạnh vai trò của nhận thức đúng, đủ về STEM: “Khi phỏng vấn giáo viên, phục vụ đề tài nghiên cứu về giáo dục STEM, tôi thấy thầy cô có góc nhìn khác nhau, quan niệm chưa thống nhất về giáo dục STEM, mặc dù Bộ GD&ĐT đã có nhiều tài liệu trình bày môt cách tương đối tổng quát, dễ hiểu liên quan đến nội dung này. Do đó, để triển khai giáo dục STEM được hiệu quả, việc đầu tiên cần thực hiện là giúp giáo viên, học sinh, hiểu đúng, đủ, sâu về hoạt động này”.

Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết, 100% các trường trong tỉnh có tổ chức ngày hội STEM, trong đó nhiều trường đã tổ chức giao lưu về dạy học STEM với các trường trên địa bàn tỉnh và với các trường kết nghĩa ngoài tỉnh. Nhiều trường đã xây dựng được ngày truyền thống hàng năm làm ngày hội STEM: THPT Chuyên Hưng Yên, THPT Mỹ Hào, THPT Tiên Lữ, THPT Đức Hợp…

Ứng dụng STEM trong NCKH tại Đà Nẵng
Ứng dụng STEM trong NCKH tại Đà Nẵng

Thời gian tới Sở GD&ĐT Hưng Yên mong muốn tiếp tục được hỗ trợ đào tạo giáo viên về xây dựng nội dung giáo dục STEM, cách khai thác các chủ đề STEM trong chương trình hiện hành, phương pháp tiếp cận giáo dục STEM. Đồng thời. hỗ trợ nguồn sách khoa học về STEM cho cả giáo viên và học sinh. Xây dựng bộ giáo án STEM Làm tài liệu chung cho các trường THCS tham khảo, học hỏi và triển khai.

Được tổ chức thành công 3 năm liên tục, ngày Hội STEAM của học sinh trường Olympopia (Hà Nội) đã thu hút sự tham gia của hơn 1.700 học sinh từ khối 1 đến khối 12 cùng với các bạn học sinh các trường khác trên địa bàn Hà Nội. Ngày hội đã để lại ấn tượng đặc biệt đối với học sinh, phụ huynh, giáo viên, khách mời cùng sức lan tỏa tinh thần STEM lớn. Các hoạt động giáo dục STEM tại cơ sở trải nghiệm cũng nhận được sự ủng hộ và phản hồi tích cực từ phía phụ huynh cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức, cơ sở sản xuất, nhà máy, doanh nghiệp tại địa phương và các vùng lân cận. Quan trọng hơn, sau mỗi chuyến đi thực tế, với tâm thế chủ động, học sinh đã thu nhận được nhiều trải nghiệm giá trị và có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn về mỗi chuyên đề học.

Nhìn chung, các đại biểu tham gia hội thảo đều kiến nghị tiếp tục được hỗ trợ đào tạo giáo viên về xây dựng nội dung giáo dục STEM, cách khai thác các chủ đề, phương pháp tiếp cận giáo dục STEM, tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các cấp và cơ sở vật chất cho các trường học. …

 Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện giáo dục STEM; xây dựng tài liệu tập huấn, tổ chức tốt khâu bồi dưỡng, tập huấn giáo viên. Các trường phổ thông cần phối hợp với cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục khác để thúc đẩy và thực hiện giáo dục STEM hiệu quả. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên phục vụ giáo dục STEM; lựa chọn quận, huyện, trường tham gia thí điểm giáo dục STEM, từng bước nhân rộng mô hình này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.