Giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế 4.0

GD&TĐ - Mới đây, trong lễ khai giảng năm học mới tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển giáo dục đại học theo hướng đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư... 

Sinh viên Công nghệ Hóa và Thực phẩm Đại học Nguyễn Tất Thành nghiên cứu mô hình sản xuất rau sạch trên dây chuyền hiện đại
Sinh viên Công nghệ Hóa và Thực phẩm Đại học Nguyễn Tất Thành nghiên cứu mô hình sản xuất rau sạch trên dây chuyền hiện đại

Trên thực tế, giáo dục đại học đã và đang từng bước nâng cao năng lực, gắn đào tạo với thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tăng quyền tự chủ

Theo GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, giáo dục đại học giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực làm nòng cốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội nhập quốc tế, giáo dục đại học càng giữ vai trò quan trọng. Chất lượng giáo dục đại học không chỉ quyết định chất lượng nguồn nhân lực mà sẽ kéo theo sự thăng hoa của chất lượng giáo dục ở cấp trung học, tiểu học và mẫu giáo đặc biệt đối với hệ thống các trường đại học sư phạm.

Đại học công lập cần có hội đồng trường đủ mạnh và người đứng đầu phải có chuyên môn tài chính giỏi để quản trị đại học như một doanh nghiệp lớn. Tự chủ đại học là từng đại học phải đổi theo hướng quản trị hiệu quả mọi nguồn lực của mình để cạnh tranh và phát triển.

 
GS Nguyễn Đình Hương

Trên cơ sở đó, GS Nguyễn Đình Hương đề xuất, để nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học cần quy hoạch lại mạng lưới. “Hiện tại chúng ta đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Hy vọng sửa đổi Luật sẽ cải thiện một phần giáo dục đại học. Sửa đổi Luật là cần, nhưng cái quan trọng, cần thiết và cấp bách hiện nay là phải xây dựng được chiến lược phát triển giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 mà quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học là nội dung thiết yếu” – GS.TS Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Hương, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải gắn với việc tăng cường quyền tự chủ đại học để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học phải có đội ngũ giáo viên giỏi, sinh viên giỏi. Các cơ sở giáo dục đại học phải có năng lực quản trị giỏi theo hướng tự chủ. Ngân sách cho giáo dục đại học từ nguồn của Nhà nước, nguồn tài chính của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phải đủ mạnh.

Cùng với đó, cơ sở đại học ứng dụng phải tạo ra nguồn tài chính mạnh do nhiều hoạt động mang lại. Tài chính của cơ sở đại học tự chủ không phải từ nguồn học phí trong đào tạo mà còn từ nguồn nghiên cứu khoa học, dịch vụ và nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, nhất là tài trợ của cựu sinh viên. Bộ máy quản trị tài chính của đại học phải chuyên nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn tài chính có được.

Phát triển giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Sỹ Điền
  • Phát triển giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Sỹ Điền

Đổi mới quản lý Nhà nước về GD ĐH

Cũng theo GS.TS Nguyễn Đình Hương, hiện tại quản lý Nhà nước đối với GD-ĐT ở nước ta theo mô hình kiểm soát, các cơ sở đại học và dạy nghề có quá nhiều bộ, ngành quản lý. Hầu như bộ, ngành và các địa phương đều có cơ sở đại học. “Một quốc gia có quá nhiều bộ, ngành quản lý Nhà nước về đại học, làm sao để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, khi cả thế giới đã bỏ mô hình quản lý kiểm soát chuyển sang mô hình giám sát và mở quyền tự chủ cho các cơ sở đại học đào tạo theo kỹ năng và sáng tạo” - GS.TS Nguyễn Đình Hương trao đổi, đồng thời đề xuất, để quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, công việc trước hết là phải thay đổi cách thức quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học. Bỏ các bộ chủ quản và giao quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo cho một bộ chủ trì, đó là Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT phải làm đúng chức năng quản lý Nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, giám sát và đặc biệt phân loại, đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở đại học, trên cơ sở mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở đại học.

Cho rằng, cần sát nhập các trường nhỏ thành các đại học lớn đa ngành, đa lĩnh vực, GS.TS Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học quy mô lớn cần sát nhập các trường nhỏ đơn ngành vào các trường lớn để tạo ra các cơ sở đại học đa ngành, đa lĩnh vực và không còn cơ sở đào tạo đơn ngành.

Đào tạo đại học trong thời đại 4.0 không thể tách rời khỏi yêu cầu thực tiễn với trình độ lực lượng lao động
  • Đào tạo đại học trong thời đại 4.0 không thể tách rời khỏi yêu cầu thực tiễn với trình độ lực lượng lao động

Mô hình tổ chức của đại học công lập tự chủ, cần có Hội đồng trường. Hội đồng trường là đại diện chủ sở hữu ở các cơ sở đại học công lập. Do đó, chức năng chủ yếu của Hội đồng trường là quản trị tài chính và nhân lực của đại học. Như vậy, Hội đồng trường cần có ở đại học, còn các viện trong đại học không cần có Hội đồng trường. Hạt nhận cơ bản của các cơ sở đại học là bộ môn, còn Hội đồng trường chỉ là những người tham gia quản lý cùng với Ban giám hiệu dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy. Các trường tư thục đơn ngành có thể sát nhập vào các trường lớn công lập hoặc tư thục để có các cơ sở đại học đa ngành, đa lĩnh vực quy mô lớn.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Hương, các trường đại học công lập trong điều kiện cụ thể cũng cần có thêm các cơ sở tư thục để xã hội hóa một phần tài chính. Đại học đa ngành, đa lĩnh vực có thể theo mô hình đa cấp từ mầm non, phổ thông, giáo dục nghề và đại học để liên thông dễ dàng giữa các cấp, các trình độ đào tạo: Trung cấp, cao đẳng, đại học. Các đại học công lập ở địa phương nên là đa cấp theo mô hình đại học cộng đồng mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện rất thành công. Đồng thời phát triển, nâng cao chất lượng đại học tư thục cần được Nhà nước quan tâm khuyến khích. Đa phần các đại học ở Mỹ và nhiều nước là tư thục và nhiều đại học đứng hàng đầu thế giới về chất lượng cũng là tư thục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ