Cuộc cách mạng 4.0 với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, là nền tảng tốt cho ĐTTX, tuy nhiên có biết tận dụng thời cơ và có cách làm hay không lại phụ thuộc nhu cầu người học và cách thức triển khai của các nhà trường.
Thấy gì ÐTTX ở Việt Nam
Hiện nay, trên cả nước với 21 trường đại học được cấp phép triển khai các chương trình ÐTTX nhưng chỉ có 17 trường tuyển sinh được, quy mô tuyển sinh ÐTTX ngày càng giảm, cho dù hình thức đào tạo này được coi là tiên tiến, thuận lợi, tiết kiệm. Lý giải về điều này, PGS. TS Lê Văn Thanh, Trưởng nhóm nghiên cứu về ÐTTX - Bộ GD&ĐT: Trong số các nhà trường được giao trách nhiệm thực hiện ĐTTX, có trường nỗ lực rất lớn trong việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị học tập, thư viện giáo trình điện tử… Nhưng cũng có trường chưa thật sự đầu tư công sức, tài chính để biên soạn học liệu và phát triển công nghệ dẫn đến tổ chức ÐTTX, nhưng lại dạy tập trung ở các địa phương. Việc đơn giản hóa quy trình và điều kiện học tập dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu, đây là một trong những căn nguyên làm giảm lòng tin của người học.
Tuy nhiên, cần phải thấy là lợi thế của ÐTTX là rất lớn, do không bị hạn chế về thời gian, địa điểm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người học tự học vì không bị ràng buộc bởi thời gian do bận công tác hoặc hoàn cảnh gia đình. Chính vì lợi thế đó, trong những năm qua, hình thức ÐTTX đã phần nào nhận được sự quan tâm của người dân vì những điều kiện học tập thuận lợi như trên, đã mở ra cơ hội học tập cho nhiều người.
Đối tượng theo học hình ĐTTX khá đa dạng và phong phú, là những học sinh tốt nghiệp phổ thông, những công nhân, người lao động có nhu cầu nâng cao kiến thức, những cán bộ, viên chức, công chức có nhu cầu chuyển đổi bằng cấp, ngành nghề đào tạo…. Hết sức đa dạng và linh hoạt, ĐTTX đã thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân là: Cần gì học nấy.
Theo đánh giá của nhiều học viên theo học các chương trình ĐTTX, họ là những lao động ở các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, nhưng do nhu cầu công việc cần phải được đào tạo nâng cao trình độ, cập nhật kỹ năng nghề nghiệp, nhưng không có nhiều thời gian nên lựa chọn cách thức theo học ÐTTX là hợp lý.
Thực tế đã minh chứng theo học ÐTTX, người học không chỉ xóa đi áp lực thời gian mà còn giảm khá nhiều chi phí bởi người dạy và người học không nhất thiết phải lên lớp trong suốt thời gian đào tạo. Qua hình thức ÐTTX, người học sẽ tự học bằng học liệu như: Giáo trình, băng hình, phần mềm vi tính, truyền thông, đa phương tiện… dưới sự tổ chức, trợ giúp của nhà trường. Đây chính là lợi thế vô cùng lớn của ĐTTX, hay nói cách khác là hình thức giáo dục mặt không đối mặt.
Làm gì để ĐTTX có sức hút
Trong những năm qua, hệ thống ĐTTX đã góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương. Nhiều người ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa đã qua hình thức đào tạo này để nâng cao trình độ, trang bị kiến thức đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc. Còn ở các tỉnh, thành phố lớn, đã có không ít công chức, viên chức đã có 1 bằng đại học chính quy, thông qua ĐTTX đã học thêm văn bằng 2 để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công việc hiện tại của mình.
Trong số 17 cơ sở đào tạo được cấp phép triển khai hình thức ĐTTX, Viện Đại học Mở Hà Nội là một trong những địa chỉ được đánh giá dẫn đầu trong nhóm này. Với 2 hình thức ÐTTX là đào tạo theo cách thức truyền thống, người học tự học tập, nghiên cứu qua giáo trình, tài liệu, sau đó có sự hướng dẫn trực tiếp giải đáp một số buổi trên lớp; và đào tạo trực tuyến (E- Learning). Cả 2 hình thức đào tạo này, Viện Đại học Mở Hà nội đều tiên phong trong đổi mới và đào tạo. Đặc biệt hình thức đào tạo trực tuyến E-learning được đầu tư bài bản đã và đang thể hiện vai trò, chất lượng và ý nghĩa thời cuộc của cách thức này.
Theo PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Viện Đại học Mở Hà Nội, cần thực hiện các phương thức sau để ĐTTX đạt được hiệu quả như mong muốn: Cần có định hướng phát triển, tăng cường quy mô đào tạo đào tạo từ xa góp phần giải quyết bài toán nâng cao dân trí và đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội; Cần lưu tâm đến vấn đề chất lượng, đây cầu được coi là quan tâm hàng đầu nhằm phát triển bền vững một hình thức đào tạo;
Cần xây dựng hệ thống học liệu phù hợp với từng phương thức đào tạo từ xa nhằm trang bị cho người học những công cụ hữu ích, đầy đủ nhất phục vụ việc tự học tập và nghiên cứu; Cần phát triển công nghệ hiện đại trong đào tạo từ xa, với 3 yếu tố cơ bản, đó là: cơ sở hạ tầng, hệ thống học liệu và hệ thống công cụ đánh giá; Cần phát triển đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập góp phần nâng cao chất lượng trong đào tạo từ xa. Đội ngũ giảng viên tham gia có vai trò chủ yếu là hướng dẫn người học.
Có thể nói, phương thức ĐTTX qua công nghệ trực tuyến (E-Learning) là phương thức đào tạo tiên tiến và có rất nhiều lợi ích, nhất là trong điều kiện về hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ thông tin lên ngôi.
Tuy nhiên, phương thức ĐTTX này hiện đang gặp những khó khăn, có thể thấy qua số lượng tuyển sinh của các trường có đào tạo từ xa trên cả nước giảm rất mạnh nhiều năm liền. Thiết nghĩ, để ĐTTX – giáo dục mặt không đối mặt thực sự phát huy tính ưu việt, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các nhà trường, đặc biệt trong đó là việc quảng bá để người dân và xã hội hiểu về nó nhiều hơn.