Giải pháp nào cho hiện trạng tỉ lệ nghịch sĩ số - chất lượng

GD&TĐ - Đối với các thành phố lớn, giải pháp giảm sĩ số - tăng chất lượng luôn được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó với nhiều cơ sở giáo dục bởi hạ tầng không theo kịp tốc độ gia tăng dân số cơ học. Tùy đặc thù, mỗi trường có phương pháp khác nhau để khắc phục và giữ vững chất lượng giáo dục.

Sĩ số lý tưởng sẽ tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục. (Ảnh minh họa)
Sĩ số lý tưởng sẽ tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục. (Ảnh minh họa)

"Ba tăng ba giảm" và những rào cản

Mỗi mùa tuyển sinh, chuẩn bị cho năm học mới, UBND Thành phố Hà Nội lại yêu cầu Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương “Ba tăng, ba giảm”: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cơ sở vật chất cho các trường học; Giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn. Đặc biệt, tránh tình trạng quá tải ở một số trường.

Mục đích của chủ trương thì đã rõ nhưng đối với nhiều trường học tại Hà Nội và một số thành phố lớn, đây vẫn là ước mơ khó thực hiện bởi nhiều nguyên nhân khách quan.

Theo quy định sĩ số học sinh đối với các trường tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; đối với các trường THCS và THPT không quá 45 học sinh/lớp. Nhưng thực tế, sĩ số học sinh của nhiều trường công lập trên địa bàn hầu như vượt quá quy định: Có trường sĩ số bình quân khoảng 40-50 học sinh/lớp. Thậm chí có trường sĩ số lên đến 60-70 học sinh/lớp; cao gấp đôi so với sĩ số quy định.

Nguyên nhân là do các khu chung cư mọc lên như nấm, phá vỡ quy hoạch đô thị, dẫn đến tình trạng tăng dân số cơ học; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà trường không đáp ứng đủ, còn thiếu nhiều phòng học.

Nhiều trường có số lớp quá đông (từ 30 - 60 lớp) nhưng địa phương không có quỹ đất để tách trường; do thiếu biên chế giáo viên...

Sĩ số quá đông sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. (Ảnh minh họa)
Sĩ số quá đông sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. (Ảnh minh họa) 

Sĩ số và chất lượng - bài toán về tỷ lệ nghịch

Theo bà Trần Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng trường THCS Thanh Am (quận Long Biên - Hà Nội), việc quá tải sĩ số học sinh, sĩ số học sinh/lớp quá đông như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục.

Ngoài việc soạn bài, hoàn thiện các loại hồ sơ, sổ sách; nhận xét, đánh giá học sinh; giáo viên còn phải đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT trong dạy học; phải tổ chức các hoạt động dạy và học “phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh”...

Với khối lượng công việc như vậy, sĩ số lý tưởng - theo quy định chắc chắn sẽ là điều kiện tốt để giáo viên hoàn thành các phần việc trên lớp cũng như giảm tải các khâu soạn bài, chấm bài hay quản lý và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.

Mỗi tiết học đối với học sinh THCS chỉ từ 40 - 45 phút; giáo viên vừa phải ổn định tổ chức, vừa phải giảng bài, chấm, chữa bài, vừa phải quan tâm, uốn nắn học sinh; Từ dạy phân hóa đối tượng đến quan tâm, hỗ trợ học sinh hòa nhập...

Còn theo bà Phạm Hương Giang, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội), cụ thể đối với những trường trên địa bàn dân cư đông, dân số cơ học tăng nhanh thì vấn đề sĩ số học sinh luôn là vấn đề nan giải...

Bên cạnh đó, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, với những lớp có sĩ số trên 50 học sinh, khối lượng công việc của giáo viên sẽ tăng gấp rưỡi, gấp đôi và việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy trong điều kiện sĩ số quá đông càng trở nên khó khăn hơn nhiều.  

Giải pháp trước mắt

Trong tình trạng sĩ số quá tải hiện nay, nhiều hiệu trưởng cho biết, gánh nặng hiện đặt trên vai các giáo viên đứng lớp. Mỗi nhà trường có phương pháp khắc phục khác nhau song nhìn chung hiện trạng này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục.

Với các hoạt động nhóm hay thảo luận chung, lớp có sĩ số đông sẽ phải áp dụng hình thức luân phiên, các nhóm sẽ thay nhau hoạt động tích cực hơn ở các tiết học khác nhau. 

Thay vì cùng nhau giải quyết các hoạt động chiếm lĩnh kiến thức trên lớp, giáo viên luôn phải tìm cách để chia các đơn vị kiến thức cho phù hợp và yêu cầu học sinh tìm hiểu thêm trong thời gian tự học tại nhà; tăng cường các bài kiểm tra kiến thức dưới dạng bài tập cuối tuần để giáo viên nắm được khả năng tiếp thu của học sinh,...

Các lớp có lượng học sinh quá tải, nhà trường sẽ tăng cường thêm giáo viên để hỗ trợ, quản lý và tổ chức trong các hoạt động ngoại khóa. 

Với đòi hỏi, yêu cầu ở giáo viên sự nhiệt huyết; đổi mới, sáng tạo; nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng đến phát triển năng lực của mỗi học sinh… - thiết nghĩ, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền trong việc phát triển quy mô trường lớp, tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo. Khi đó, bài toán tỷ lệ nghịch hiện nay sẽ có lời giải: "Giảm sĩ số - tăng chất lượng".

Trong buổi làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục TP. HCM, ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Mục đích của thông tư 30 là làm giảm áp lực thi cử, điểm số của thầy cô lẫn các em học sinh. Nếu trong quá trình thực hiện phát sinh các vấn đề khác thì cần điều chỉnh. Cụ thể, nếu sĩ số lớp quá lớn, lên đến 50 học sinh/lớp thì sẽ gây khó khăn cho giáo viên khi nhận xét từng học sinh. Vì vậy, ưu tiên giảm sĩ số để tăng chất lượng, đảm bảo các em được quan tâm, dạy dỗ và nhận xét thấu đáo hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ