Gặt “vàng” tại đất nước Kim cương

GD&TĐ - Với sự nỗ lực cao nhất, đội tuyển Khoa học trẻ quốc tế Việt Nam năm 2018 đã đạt thành tích xuất sắc, cao nhất sau 9 năm tham gia kỳ thi: cả 6/6 học sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó có 4 Huy chương Vàng.  

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chúc mừng thành tích xuất sắc của các học sinh đội tuyển IJSO 2018
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chúc mừng thành tích xuất sắc của các học sinh đội tuyển IJSO 2018

Đứng thứ 3 thế giới

Toàn bộ 6 học sinh Việt Nam tham gia Kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế (IJSO) được tổ chức tại Botswana (châu Phi) từ ngày 2 - 10/12 đều đã đoạt giải, trong đó bốn em giành Huy chương Vàng và hai em giành Huy chương Bạc. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam tại cuộc thi này từ trước đến nay.

Thành tích trên đã giúp đội tuyển IJSO Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 sau Đài Loan và Thái Lan trên tổng số 44 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia kỳ thi. Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn đoạt 1 Huy chương Bạc giải cá nhân xuất sắc nhất trong phần thi lý thuyết và 1 Huy chương Vàng giải Nhóm thực hành xuất sắc nhất.

Thầy Hồ Quốc Việt - Trưởng đoàn Việt Nam dự IJSO 2018 cho biết: IJSO là một cuộc tranh tài mang tính quốc tế rất có uy tín và bổ ích dành cho các học sinh lứa tuổi 15. Tham gia kỳ thi này, các thí sinh phải trải qua ba bài thi bao gồm trắc nghiệm, lý thuyết và thực hành. Mỗi bài thi kéo dài 180 phút với các câu hỏi thuộc về 3 lĩnh vực chính: Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Bộ đề IJSO do đội ngũ giáo sư và nhà khoa học hàng đầu trên thế giới soạn thảo với các nội dung đòi hỏi cao về suy luận, phân tích và kỹ năng khoa học. Đặc biệt, các câu hỏi trong bài thi IJSO năm 2018 tập trung vào các vấn đề thực tiễn về sinh thái và môi trường của Botswana nói riêng và thế giới nói chung.

Lần đầu tiên tổ chức vào năm 2004 tại Jakarta, Indonesia, IJSO sau đó lần lượt được tổ chức tại các nước khác nhau với mục đích nhằm tạo ra một cuộc tranh tài tri thức, khuyến khích học sinh sớm tiếp cận với tri thức khoa học thực tiễn trên thế giới nhằm ươm mầm những tài năng khoa học.

Đây cũng là điểm hẹn hằng năm để các nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm giáo dục nhằm phát triển chất lượng giáo dục nói riêng cũng như tạo đà cho hợp tác giáo dục toàn cầu nói chung. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội giao lưu văn hóa giữa học sinh và giáo viên trong cộng đồng khoa học các nước trên thế giới.

Cô Lương Thị Thùy Dương - giáo viên phụ trách đội tuyển IJSO 2018 cho hay: 6 học sinh dự kì thi năm nay đều là học sinh trường Ams. Các em đã gắn bó với nhau từ những năm học cấp 2. Các em có tố chất, tiếp thu kiến thức khá nhanh và có lực học khá đồng đều.

Tuy mới học lớp 10 và phải tiếp thu một lượng lớn kiến thức khổng lồ về Toán học- Vật lý - Hóa học - Sinh học của cả cấp 3 nhưng các em đã rất cố gắng học và luôn có thái độ cầu tiến, hăng say trong quá trình ôn luyện. Trong tương lai, nhất định các em sẽ đạt được những thành tích cao hơn nữa, xuất sắc hơn nữa.

Trắng đêm dịch đề cho học trò

“Học sinh của chúng ta đã tạo ra kì tích, làm được điều tuyệt vời ngoài sự mong đợi. Khoa học kĩ thuật, đặc biệt lĩnh vực khoa học trẻ là khu vực tri thức mà các em không học ở trường phổ thông. Chỉ được tiếp cận khoảng 11 tuần trong quá trình ôn luyện nhưng các em đã tiếp thu nhanh các kiến thức và đạt được thành tích rất đáng tự hào” . Thầy Hồ Quốc Việt

Kể về những ngày dự thi ở đất nước Botswana xa xôi, thầy trưởng đoàn Hồ Quốc Việt cho biết: Botswana được biết đến là một đất nước có sản lượng kim cương lớn nhất thế giới và được gọi là đất nước của kim cương.

Đoàn xuất phát từ thủ đô Hà Nội vào 2 giờ chiều ngày 30/11. Sau khi đến Botswana, thầy trò bắt đầu ngay việc ôn tập trong 2 ngày. Ngày thứ 3, sau lễ khai mạc, học sinh được cách li với các thầy cô cho đến khi kết thúc kì thi.

Trong 6 ngày cách xa thầy cô, các em đã biết bảo ban nhau, cùng giúp đỡ nhau học tập và làm bài thi. Cả 6 học sinh nhỏ tuổi đều rất mạnh khỏe sau 6 ngày sống tự lập và đã hoàn thành xuất sắc các bài thi.

Các cán bộ giáo viên theo đoàn cũng thực sự đã có những ngày làm việc rất căng thẳng. Theo đó, trong các ngày 4, 6 và 8/12, bắt đầu từ 8 giờ sáng, các thầy cô bắt đầu thảo luận đề, khi xong đề thậm chí đến 12 giờ đêm. Khi đề chốt xong, cả 5 thầy cô lo dịch đề thật sát nghĩa để học sinh hiểu được trọng tâm của bài và khi dịch xong là đến 2 -3 giờ sáng.

Trong quá trình từ 2 giờ đến 5 giờ sáng, cả 5 thầy cô ngồi thảo luận xem trong bài dịch của mình đã chuẩn chưa và tiếp tục sửa đến giờ phút in. Đến 6 giờ, đề thi được in xong và bài thi sẽ được chuyển đến học sinh vào lúc 9 giờ. Có nghĩa là các thầy cô trong đoàn đã là việc liên tục trong suốt gần 24 giờ đồng hồ không nghỉ trong suốt 3 ngày.

Ngoài việc thảo luận đề, dịch đề... các thầy cô còn thảo luận về kết quả thi để bảo vệ điểm số cho học sinh. Trường hợp của Nguyễn Trần Mai Phương, các thầy cô đã phản biện để nâng điểm cho em từ 6,63 lên 9,09, từ mốc đạt HCB để trở thành HCV.

Các thầy cô ngoài giỏi chuyên môn còn giỏi cả tiếng Anh chuyên ngành nên chỉ trong 20 phút đã trình bày những lời giải của học sinh của mình để thuyết phục được ban giám khảo.

Lần đầu tiên, đứng thứ 3 tại kì thi IJSO có uy tín rất cao trên thế giới đã chứng tỏ nỗ lực tuyệt vời của đoàn học sinh Việt Nam. Thành tích đoàn Việt Nam đã vượt cả Nga (1 HCV) lẫn Trung Quốc (1 HCV), những nước rất mạnh tại kì thi này và được bạn bè quốc tế hết sức ngưỡng mộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.