Cân nhắc chọn nghề theo... xu thế

GD&TĐ - Bên cạnh áp dụng một số phương thức mới, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng dự kiến tuyển sinh ngành nghề đào tạo mới năm học 2021 - 2022.

Tư vấn, hướng dẫn học sinh Yên Bái kết nối vào hệ sinh thái công nghệ của Trường Đại học Mở Hà Nội.
Tư vấn, hướng dẫn học sinh Yên Bái kết nối vào hệ sinh thái công nghệ của Trường Đại học Mở Hà Nội.

Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh nên nghiên cứu thật kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào những ngành nghề này.

Nhiều điểm mới

Theo TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), về cơ bản công tác tuyển sinh năm nay sẽ ổn định, có thể có một số cải tiến như thay vì bài thi tổ hợp gồm 2 môn riêng biệt sẽ tích hợp kiến thức giữa các môn. Khi đó, các trường sẽ phải điều chỉnh để thích nghi và không thể lấy các tổ hợp truyền thống như Toán, Lý, Hóa. Vì lúc này, trong Lý có Hóa hoặc ngược lại.

“Đó chỉ là đề xuất dự kiến của một số chuyên gia và cơ sở giáo dục đào tạo đại học; còn quyết định cuối cùng vẫn là Bộ GD&ĐT. Trước khi “chốt” phương án, Bộ sẽ lấy góp ý rộng rãi các chuyên gia và  trường để đạt hiệu quả tối ưu nhất” - TS Lê Xuân Thành nói, đồng thời cho rằng: Điểm nhấn và mới trong công tác tuyển sinh năm nay là tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu làm tốt có thể tiến tới tổ chức cho thí sinh thi trực tuyến trong thời gian tới.

Cũng theo TS Lê Xuân Thành, năm nay, có một số trường áp dụng phương thức tuyển sinh bằng phỏng vấn. Hình thức này được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng với Việt Nam vẫn là mới. Tuy nhiên, các trường nên áp dụng thí điểm để đánh giá tác động và rút kinh nghiệm, chưa nên áp dụng đại trà.

Trước việc một số trường công bố mở thêm ngành mới, TS Lê Xuân Thành nêu ý kiến: Việc mở ngành mới bắt buộc phải có sự tham chiếu với thế giới. Có những ngành trên thế giới rất “hot”. VD: Ngành bác sĩ tâm lý, nhưng ở Việt Nam lại đang sơ khởi và chưa có chỗ đứng. Do vậy, những ngành mới mở phải có công bố về cam kết đào tạo, kiểm định chương trình. Lo ngại nhất là chương trình đào tạo chưa được kiểm định, dẫn đến người học sau khi học xong, bằng cấp không được công nhận. Đó là điểm mà thí sinh cần lưu ý đầu tiên.

Ngoài ra, thí sinh cũng nên chọn các cơ sở giáo dục có uy tín, chất lượng, trước tiên là cơ sở được kiểm định; tuyệt đối không nên chạy theo phong trào – ngành hot, cần có sự sàng lọc.

Thí sinh cũng nên nghiên cứu, tìm hiểu để trả lời các câu hỏi: Nếu học ngành này, yêu cầu đầu vào, đầu ra là gì? Năng lực của người học sau khi tốt nghiệp ra sao. Những thông tin này phải được công bố công khai. Nếu chương trình đào tạo nào không có thông tin công khai có thể coi là không đạt chuẩn và không nên lựa chọn. Còn với chương trình được công bố công khai, thí sinh cần tham chiếu với năng lực của cá nhân, xem xét các yếu tố của bản thân, truyền thống gia đình và nhu cầu của thị trường lao động, nhất là ở địa phương nơi mình dự kiến sẽ làm việc sau khi ra trường.

Cân nhắc yếu tố phù hợp

Theo ThS Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Thường trực Ban Tư vấn tuyển sinh (Trường Đại học Mở Hà Nội), hiện  có một số ngành học mới với tên gọi khá “thời thượng” nhận được sự quan tâm của số đông thí sinh và phụ huynh. Đây cũng là những ngành học gắn với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,  liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data)…

Có thể nhận thấy, các ngành mới ra đời theo xu thế của xã hội, song nó vừa là cơ hội vừa là thách thức bởi không phải thí sinh nào cũng phù hợp và có thể theo học. Do vậy, thí sinh và phụ huynh cần cái nhìn toàn diện, không nên chọn nghề vì nghe tên “kêu” hoặc truyền thông nhắc đến nhiều. Lưu ý lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và gia đình. Sự phù hợp được xét trên nhiều khía cạnh. Đầu tiên, cũng quan trọng nhất là phải phù hợp với lực học của thí sinh. Với lực học trung bình, trung bình khá dù có trúng tuyển cũng khó có thể theo học những ngành kỹ thuật công nghệ cao liên quan đến trí tuệ nhân tạo hay dữ liệu lớn.

“Các em cần nghiêm túc nhận định đam mê của mình là gì? Ngành học định chọn có liên quan gì đến đam mê đó không? Không nên lựa chọn một ngành học mà bản thân còn chưa hiểu gì về nó” - ThS Đỗ Ngọc Anh chia sẻ, đồng thời cho rằng: Vấn đề then chốt là cần lựa chọn ngành học phù hợp với điều kiện của gia đình. Ngoài học phí, chi phí ăn ở, thí sinh và phụ huynh cần có nhận định về các chi phí sau khi tốt nghiệp.

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho rằng: Trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ, việc mở ngành mới để đào tạo đón đầu là phù hợp. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ, tổng hợp các dự báo nhu cầu của thị trường lao động về ngành đó để cân nhắc đăng ký xét tuyển. Đặc biệt cần chú ý năng lực, sở thích của bản thân. “Theo kinh nghiệm về chọn ngành, nghề, nên ưu tiên chọn theo sở thích, năng lực, sở trường của mình…” - ThS Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ.

Ngành trí tuệ nhân tạo đòi hỏi cần có kiến thức nền tảng máy tính, lập trình cũng như tự động hóa. Nếu người học có khiếm khuyết, hạn chế về mặt tư duy logic và không dùng được máy tính đó sẽ là trở ngại, thậm chí là rào cản lớn nếu lựa chọn theo học. Tóm lại, muốn học ngành mới không nên “chạy” theo xu thế số đông và đừng bị huyễn hoặc bởi những cái tên mà phải phân tích cụ thể, chi tiết. - TS Lê Xuân Thành 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ