Đưa giáo dục STEM vào trường trung học: Không khó nếu được tập huấn tốt

GD&TĐ - “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quán triệt tinh thần giáo dục STEM trong tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo đưa giáo dục STEM vào trường học mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”, ông Đỗ Hoàng Sơn - thành viên Ban tổ chức các Ngày hội STEM cấp quốc gia 2015 - 2019 - nhận định khi trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại về chủ trương đưa giáo dục STEM vào trường học từ năm học 2020 - 2021 của Bộ GD&ĐT.

Học sinh Thủ đô hào hứng tham gia Ngày hội STEM.
Học sinh Thủ đô hào hứng tham gia Ngày hội STEM.

Quyết định kịp thời và đúng lúc

Ông Đỗ Hoàng Sơn.
Ông Đỗ Hoàng Sơn.

- Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn chỉ đạo việc triển khai giáo dục STEM trong trường trung học trên cả nước. Từ nay giáo dục STEM trở thành nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện ở trong trường học và ngành Giáo dục của các địa phương. Nhận định của ông về vấn đề này?

- Tôi đã rất vui mừng khi đọc Công văn chỉ đạo số 3089 về việc triển khai giáo dục STEM do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký. Theo tôi, đây là một chỉ đạo cần thiết, đúng lúc và rất bài bản.

Từ nhiều năm nay, giáo dục STEM chưa phải là nhiệm vụ chính của các trường trung học, hiệu trưởng có thể thích thì làm, không thấy cần thiết thì thôi nhưng từ nay trở đi thì việc triển khai giáo dục STEM là một trong những việc chính của trường học.

Sự chỉ đạo này là cần thiết để các địa phương có thể chủ động lên kế hoạch cho kịp với nhịp độ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó khối lớp 6 sẽ học theo SGK mới từ năm học 2021 - 2022. Chúng ta cần chuẩn bị trước một năm để tổ chức tập huấn giáo dục STEM cho tất cả giáo viên nên quyết định này rất kịp thời và đúng lúc.

- Theo ông, các địa phương và nhà trường cần làm gì để triển khai giáo dục STEM đạt hiệu quả, bám sát chủ trương đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

- Giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) là một phần mới mẻ của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước hết chúng ta cần xác định, đây không phải là việc khó với đa số trường học ở nước ta. Thực tế cho thấy ở những nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn vùng núi cao, biên giới, dân tộc thiểu số như các huyện Thanh Chương (Nghệ An), Bảo Thắng (Lào Cai) đã đưa được giáo dục STEM vào 100% trường học trong toàn huyện từ mấy năm gần đây dù chưa có ngân sách Nhà nước và phải làm từ đầu.

Thanh Chương và Bảo Thắng làm được tức là tất cả gần 700 quận huyện có điều kiện tốt hơn sẽ làm được nếu thực sự vào cuộc.

Để triển khai được giáo dục STEM thì trước hết cần tập huấn phổ cập giáo dục STEM cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục  trong toàn huyện (quận) giúp họ có đủ kiến thức cơ bản để lập kế hoạch triển khai STEM. Việc này thực tế chỉ cần 5 tiết học.

Tiếp theo là cần tập huấn phổ cập giáo dục STEM cho 100% giáo viên của toàn trường vì giáo dục STEM là một khái niệm mang tính phổ thông nên tất cả giáo viên đều cần có kiến thức cơ bản về STEM ở mức tối thiểu, đủ để giao tiếp với học sinh và cha mẹ học sinh.

Sau đó cần tập huấn nâng cao cho đội ngũ các giáo viên dạy các môn học liên quan trực tiếp tới STEM như Toán – Lý – Hoá – Sinh – Tin - Công nghệ trong khoảng 10 - 20 tiết học. Sau khi đã tập huấn nâng cao thì cần tổ chức câu lạc bộ STEM để cho các thầy cô dạy thử nghiệm và tổ chức đúc rút kinh nghiệm, đây là một điểm cực kỳ quan trọng cần nhấn mạnh trong khâu đào tạo giáo viên vì STEM là vấn đề mới, đa số giáo viên chưa có kinh nghiệm nên cần có câu lạc bộ để cùng nhau dạy thử trước khi đưa vào thử ở tiết học chính khóa theo thời khóa biểu.

Khi giáo viên được tập huấn tốt thì việc triển khai giáo dục STEM trở nên đơn giản ngay cả khi chưa có ngân sách Nhà nước vì các giải pháp dạy STEM sử dụng vật liệu rẻ hoặc vật liệu tái chế cho thấy chi phí không đáng kể. Ngay cả việc dùng robot giáo dục để dạy STEM thì cũng không tốn kém vì mỗi con robot giá chỉ khoảng 2 triệu đồng là dùng được, mỗi trường chỉ cần 2 - 3 con robot là lập được câu lạc bộ robot…

Xóa mù lập trình cho giáo viên và học sinh

- Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào xóa mù code (lập trình) cho hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên khi mà giáo dục STEM không đơn thuần là dạy lý thuyết?

- Xóa mù lập trình cho 100% học sinh và sinh viên là mục tiêu lớn mà tất cả các nước phát triển đang theo đuổi. Đây không chỉ là vấn đề thuần tuý giáo dục bởi lợi ích của việc xóa mù lập trình này rất lớn với nền kinh tế và khoa học kỹ thuật trong thời đại công nghiệp 4.0 này.

Hiện nay, việc xóa mù lập trình đã được tiến hành thành công ở khoảng 200 trường học vùng nông thôn và miền núi với hàng trăm giáo viên trường làng tự đứng lớp dạy được lập trình. Việt Nam đã làm tương đối tốt việc phổ cập tin học và đưa được Internet tới đa số các trường học, hơn nữa chúng ta có đội ngũ giáo viên tin học và thích tin học khá đông ở trường phổ thông.

Các giáo viên tin học hiện có đa số đã được học lập trình bài bản ở các trường sư phạm nhưng khi ra thực tế họ chưa được giao nhiệm vụ chính thức để xóa mù lập trình vì nhiệm vụ chính hiện nay chỉ là xóa mù sử dụng máy tính.

Tuy xóa mù lập trình chưa phải là nhiệm vụ chính nhưng từ lâu công nghệ mở SCRATCH (miễn phí bản quyền) của Đại học MIT (Mỹ) đã được hàng nghìn giáo viên mê tin học dùng để dạy học sinh lập trình trên máy tính và lập trình cho robot.

Việc tập huấn cho các thầy cô môn Tin học để dạy được SCRATCH có nơi chỉ làm trong một hôm là xong vì rất đơn giản so với vốn đã có sẵn của giáo viên tin học, hơn nữa kinh nghiệm và bài giảng cũng như sách vở về SCRATCH thì cũng đã có nhiều.

Vấn đề là nhiệm vụ cần phải được xác định từ các trưởng phòng GD&ĐT và hiệu trưởng còn việc thực hiện khá thuận lợi, không khó khăn, phức tạp.

Khi trường học nào cũng tiến hành xóa mù lập trình (code) thì việc xóa mù lập trình cho 20 triệu học sinh, sinh viên sẽ nhanh gọn nếu dùng thêm công nghệ dạy học trực tuyến.

Ví dụ: Hiện nay, STEAM FOR VIETNAM do TS Trần Việt Hùng sáng lập đang triển khai việc dạy xóa mù lập trình cho 5 triệu học sinh và họ đã bước đầu thử nghiệm thành công việc dùng công nghệ trực tuyến để dạy SCRATCH miễn phí cùng một lúc trong mỗi buổi học cho 5 nghìn học sinh Việt Nam ở 63 tỉnh, thành và Việt kiều ở 42 nước.

- Việc tập huấn STEM cho giáo viên cần theo hướng nào để đạt yêu cầu và hiệu quả khi triển khai dạy trong nhà trường, thưa ông?

- Đây là việc không khó về giải pháp nếu chúng ta sử dụng kinh nghiệm từng tập huấn STEM cho hàng vạn giáo viên của các nhóm chuyên gia nhiều kinh nghiêm thực tế, ví dụ như các nhóm của TS Đặng Văn Sơn (ĐHQG HN), ThS Hoàng Vân Đông (Trường ĐH Điện lực), nhóm của các cựu du học sinh học bổng VEF (Mỹ) do TS Dương Tuấn Hưng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phụ trách. Các nhóm chuyên gia của các trường: ĐHSP HN, ĐHSP TPHCM, ĐHGD (ĐHQG HN), ĐH VinUni, Viện KHGD Việt Nam cũng đã tích cực tham gia xóa mù STEM hiệu quả và có nhiều kinh nghiệm.

Hôm 21/8/2020 vừa qua, TS Đặng Văn Sơn và các cộng sự đã thành công khi thử nghiệm dạy phổ cập giáo dục STEM trực tuyến qua Internet cùng lúc cho 1.500 giáo viên của 70 trường học của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Thử nghiệm này chứng minh thực tế có thể tập huấn STEM nhanh gọn cho 1 triệu giáo viên ngay trong năm học 2020 - 2021 nếu chúng ta chú trọng.

Giáo viên tham gia tập huấn giáo dục STEM.
Giáo viên tham gia tập huấn giáo dục STEM.

Hướng mở trong xuất khẩu giáo dục STEM

- Chúng ta đã đặt vấn đề về xuất khẩu giáo dục STEM. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch khá mới mẻ này?

- Cách đây 12 năm, chúng tôi tự đặt mục tiêu phải xuất khẩu được bản quyền sách toán của Việt Nam sang các nước và chúng tôi đã làm được, bản quyền sách toán mẫu giáo và tiểu học của chúng tôi đã được các nhà xuất bản của Nga và ASEAN mua và xuất bản. Việc này tuy có doanh thu không lớn nhưng lại cho thấy Việt Nam ta nếu cố gắng và quyết tâm thì có thể xuất khẩu được văn hóa và giáo dục, bao gồm cả giáo dục STEM nếu như ta làm đúng chuẩn quốc tế.

Từ trước khi có dịch Covid-19 các thử nghiệm bài bản để xuất khẩu giáo dục STEM đã diễn ra thành công và có thể kể đến việc TS Đặng Văn Sơn ngồi tại Hà Nội đã dạy bài “STEM đèn kéo quân” cho học sinh Hàn Quốc thông qua Internet với sự trợ giảng của giáo viên nước bạn bên phía đầu cầu Hàn Quốc. Thú vị hơn nữa là các học sinh trung học của Hàn Quốc còn sang Việt Nam để vui học trong trại hè STEM ở Vườn ươm Talinpa (Hạ Long, Quảng Ninh) theo chương trình STEM của TS Đặng Văn Sơn.

Hiện nay, giáo dục STEM theo mô hình “STEM 1$/học sinh” của Việt Nam bước đầu thành công ở trường làng đang có cơ hội lớn để xuất khẩu. Hiện nay, hàng nghìn các tiết học chuyên đề STEM của TS Đặng Văn Sơn và ThS Hoàng Vân Đông đang bắt đầu được dịch sang tiếng Anh sau khi bản tiếng Việt đã được Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam phê duyệt.

Việc hoàn thiện các mẫu sản phẩm, sách hướng dẫn dạy học STEM bằng tiếng Anh và nền tảng công nghệ thông tin để dạy học, kiểm tra đánh giá STEM với mục tiêu xuất khẩu giáo dục STEM cũng đang được tiến hành. Chúng ta còn cần có thêm thời gian để chờ kết quả nhưng theo tôi, mọi việc cho xuất khẩu giáo dục STEM của Việt Nam đang được khởi động bài bản.

- Một số địa phương đã áp dụng và triển khai thành công giáo dục STEM trong nhà trường. Theo ông, đâu là yếu tố làm nên kết quả này?

- Nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo ngành GD-ĐT các cấp là yếu tố quan trọng nhất để thành công trên thực tế triển khai giáo dục STEM trong trường học ở các địa phương. Bởi vì về giải pháp triển khai thì không phức tạp nhưng thay đổi nhận thức để thấy STEM là cần thiết thì không phải ai cũng làm được.

Hiện nay, tỉnh Nam Định đã tập huấn STEM xong cho toàn bộ 100% hiệu trưởng trường phổ thông từ cuối năm học 2017 - 2018. Hàng nghìn giáo viên cũng đã được tập huấn phổ cập và nâng cao STEM, trong đó huyện Nam Trực đã tập huấn STEM xong cho 100% giáo viên từ 2018, tổ chức được nhiều ngày hội STEM và thi robot ở các cấp ngay từ 2018.

Vai trò của lãnh đạo phòng GD&ĐT và các hiệu trưởng là điểm nhấn rất quan trọng trên thực tế triển khai giáo dục STEM ở cấp quận, huyện, ví dụ như ở Thái Thụy, Thanh Chương, Nam Trực, Kiến An, An Dương, Đông Triều, Bảo Thắng, Lào Cai, Hạ Long, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm.

Ở những địa phương kể trên, toàn bộ giáo viên và cán bộ quản lý đều đã được tập huấn giáo dục STEM từ những năm 2016 - 2017 - 2018, sau đó hàng trăm câu lạc bộ STEM đã được thành lập.

Tôi muốn kể thêm ví dụ về Hà Nội, nơi có nhiều mô hình giáo dục STEM ở tầm hàng đầu khu vực và quốc tế.

Cách đây 10 năm, thời còn là Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, TS Nguyễn Hữu Độ đã quan tâm thúc đẩy việc thí điểm triển khai mô hình giáo dục STEM ở các trường THPT theo hệ thống Intel ISEF, cuộc thi STEM lớn nhất thế giới ở Mỹ. Vào thời điểm đó, các học sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội -               Amsterdam đã mang về cho Việt Nam những giải Intel ISEF đầu tiên trong ba năm liên tiếp 2012, 2013, 2014.

Nhiều đơn vị thuộc ngành GD-ĐT Hà Nội đã tích cực triển khai các ngày hội STEM và tổ chức nhiều hội thảo để tổng kết các mô hình STEM thí điểm.

Hiện nay, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có các câu lạc bộ STEM như Thiên Văn, Robotics ở tầm cao quốc tế, ngoài ra các mô hình phổ cập giáo dục STEM cho số đông học sinh ở các quận Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm cũng đã được khởi động khá bài bản từ nhiều năm nay.

Đặc biệt là nhiều thầy cô giáo Hà Nội rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm dạy STEM cho các địa phương khác một cách tự nguyện, góp phần tạo cảm hứng thúc đẩy giáo dục STEM ở vùng cao và nông thôn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Giáo dục STEM có nhiều lợi ích tích cực. Một trong những điểm mạnh của hoạt động này là giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay dạy đa môn rời rạc. Đây là cách tiếp cận mới, rất thiết thực, cần thiết.
Bởi lẽ để giải quyết các vấn đề của thực tiễn thì không chỉ cần đến kiến thức của một môn học mà phải tổng hòa, tích hợp kiến thức của nhiều môn học. Điểm mạnh tiếp theo của giáo dục STEM là dạy học gắn với thực tiễn, “học đi đôi với hành”. Khi đó, “Toán học không chỉ phục vụ cho môn Toán mà là phục vụ cuộc sống”.
Giáo dục STEM đồng thời thay đổi phương thức học tập là học qua làm, học qua nghiên cứu, giúp học sinh tìm tòi khám phá tri thức, từ đó hình thành phẩm chất năng lực. Chương trình giáo dục phổ thông mới có mục đích cốt lõi cũng là hình thành phẩm chất năng lực thông qua việc học sinh đổi mới cách học, cách nghĩ. Do đó, giáo dục STEM cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường. Đây thực sự là một phương pháp giáo dục hiện đại” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.