Đồng bộ chính sách quan tâm đến nhà giáo

GD&TĐ - Chính sách với nhà giáo luôn được xã hội quan tâm, đặc biệt vấn đề lương giáo viên (GV), trong đó có GV mầm non; chế độ chính sách cho GV khi chuyển sang làm CBQL; chính sách với nhà giáo, CBQL giáo dục công tác tại trường chuyên biệt, ở vùng đặc biệt khó khăn... Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại nhằm làm rõ những chính sách, cũng như giải pháp trong thời gian tới.

Cần chính sách đồng bộ về chế độ để nhà giáo yên tâm cống hiến cho công việc
Cần chính sách đồng bộ về chế độ để nhà giáo yên tâm cống hiến cho công việc

Giải pháp về thu nhập cho GV mầm non

* Hiện nay cả nước có khoảng 120.000 GV mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ, tập trung ở 31 tỉnh/thành phố từ Quảng Bình trở ra phía Bắc. Đời sống của hầu hết GV này gặp rất nhiều khó khăn: Không có lương hưu, không có chế độ BHXH, thu nhập để duy trì cuộc sống chủ yếu nhờ vào ngày công lao động phổ thông, buôn bán nhỏ lẻ. Ông có thể cho biết Bộ GD&ĐT đã có giải pháp nào để giải quyết những khó khăn này?

Đúng là hiện nay có một lực lượng GV mầm non sau khi nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ. Các GV này có quá trình công tác, làm việc tương đối lâu trong những năm gian khó của đất nước. Nhiều GV vào ngành từ những năm 70 của thế kỷ trước, có thời gian công tác từ 20 đến 30 năm.

Ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT)

Đa số giáo viên mầm non thời kỳ này, do yêu cầu cấp thiết của nhân dân, được nhân dân phát hiện, tiến cử làm GV mầm non, không được đào tạo bài bản, không được biên chế, dạy ở các nhà kho hoặc nhờ nhà dân, được trả công bằng thóc hoặc thù lao do cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp, trong đó các cô giáo phải tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Các GV này không được tuyển dụng vào biên chế theo các văn bản đã ban hành và đã nghỉ công tác nhưng không được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.

Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì nghiên cứu tổng thể, đề xuất, báo cáo về chế độ cho GV mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Hội Cựu Giáo chức Việt Nam tổ chức nghiên cứu và đang hoàn thiện văn bản báo cáo đề xuất với Thủ tướng có chế độ, chính sách cho đối tượng này để ghi nhận những đóng góp của những nhà giáo đã hi sinh tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người, xây dựng và phát triển giáo dục mầm non trong những năm tháng đất nước rất khó khăn và cũng là bảo đảm an sinh xã hội đối với đối tượng này trong chính sách chung của Nhà nước.

Chế độ đối với giáo viên mầm non vẫn còn bất cập khiến nhiều người nghỉ hưu không có chế độ
  • Chế độ đối với giáo viên mầm non vẫn còn bất cập khiến nhiều người nghỉ hưu không có chế độ

* Vậy còn một bộ phận GV mầm non đã nghỉ công tác nhưng hưởng lương hưu thấp, chỉ bằng mức lương cơ sở thì sao, thưa ông?

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ước tính, có khoảng hơn 6.000 GV mầm non khi nghỉ hưu có mức lương hưu thấp (chỉ bằng mức lương cơ sở).

Nguyên nhân là giai đoạn trước khi có Quyết định 60/2011/QĐ-TTg ban hành một số chính sách phát triển giáo dục mầm non 2011 - 2015, GV mầm non cơ bản không được tuyển dụng vào biên chế nên không được hưởng lương theo thang bảng lương, không được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc tham gia BHXH không đủ thời gian nên không có lương hưu. Một số địa phương hợp đồng GV mầm non nhưng lại không trả lương theo thang bảng lương hiện hành mà chỉ trả trọn gói (1 - 2 triệu/tháng) và không đóng BHXH cho họ.

Bên cạnh đó, do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của GV mầm non thấp (do thang bảng lương của GV mầm non thấp), thời gian đóng BHXH ngắn, khiến tỷ lệ hưởng lương hưu thấp.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, trong đó có GV mầm non đã nghỉ hưu.

Đề xuất chính sách cho đối tượng GV chuyển sang làm CBQL

* Theo quy định hiện nay, GV khi chuyển sang làm CBQL không được hưởng phụ cấp thâm niên mà chỉ được hưởng phụ cấp công vụ (25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nếu có…). Rất nhiều ý kiến cho rằng quy định này sẽ không thu hút được quản lý giáo dục giỏi, ông nghĩ sao?

Từ tháng 9/2010 đến hết tháng 5/2015, đối với GV được điều động sang làm CBQL mà không hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì được bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đang được hưởng tối đa là 36 tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại văn bản này đã hết hiệu lực.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng đang rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến đội ngũ nhà giáo (trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi) để có chính sách phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đối mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đổi mớii giao dục phổ thông. Đồng thời, đang khẩn trương nghiên cứu xây dựng đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành Giáo dục gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với CBQL giáo dục đang công tác tại các Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT sẽ có chính sách lương mới theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27 đối với hệ thống công chức.

* Còn chính sách với nhà giáo, CBQL giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hiện nay như thế nào, mong được ông làm rõ?

Hiện tại, GV và CBQL cơ sở giáo dục được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg; phụ cấp thâm niên theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP; phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo Thông tư số 33/2005/TT-BGD&ĐT hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Đối với nhà giáo và CBQL giáo dục công tác tại các trường chuyên biệt được hưởng chế độ chính sách theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ (gồm: Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi; hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương tối thiểu).

Đối với nhà giáo và CBQL giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các chế độ chung như GV khác còn được hưởng thêm các chế độ chính sách theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP; Nghị định số 116/2010/NĐ-CP và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP (gồm: Phụ cấp ưu đãi; phụ cấp thu hút; trợ cấp lần đầu; phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; phụ cấp lưu động; phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;

GV dạy lớp ghép ở tiểu học được hưởng phụ cấp từ 50% - 75%; GV dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung), GV mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hàng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng với thời gian hưởng hỗ trợ là 9 tháng/năm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau).

Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể, một số địa phương cũng có chính sách riêng đối với nhà giáo và CBQL giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Giáo viên là nghề đặc thù nên các chính sách cần được điều chỉnh phù hợp
Giáo viên là nghề đặc thù nên các chính sách cần được điều chỉnh phù hợp

Cải cách chính sách tiền lương đối với viên chức giáo dục

* Vấn đề lương, thu nhập với GV mầm non nói riêng, đội ngũ GV các cấp học trên cả nước nói chung luôn được dư luận xã hội quan tâm. Ông có thể chia sẻ thực trạng về lương, thu nhập của GV hiện nay cũng như giải pháp để cải thiện thu nhập cho thầy cô trong giai đoạn tới?

Hiện nay, hệ số lương cao nhất trong đơn vị hành chính sự nghiệp là chuyên viên/giảng viên/nghiên cứu viên… cao cấp; thang bảng lương của nhà giáo đã được xếp theo thang bảng lương chung tại Bảng lương số 3 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Theo đó, nhà giáo là giáo sư, giảng viên cao cấp, hệ số lương xuất phát điểm là 6,2 và cao nhất là 8. Đối với phó giáo sư nay được nâng lên là hạng I theo như Nghị định 141, hệ số lương xuất phát điểm là 6,2 và cao nhất là 8.

Như đối với công chức là chuyên viên, GV trung học có mức lương xuất phát điểm là 2,34 và cao nhất là 4,98; công chức loại B, GV tiểu học, mầm non có thang bậc lương từ 1,86 đến 4,06.

Tuy nhiên, GV tiểu học, mầm non cũng như tất cả các nhà giáo vẫn có những cơ hội, điều kiện để thăng hạng, nâng ngạch nên bảng lương sẽ tiếp tục được cải thiện theo quy định hiện nay.

Như vậy, thang bảng lương đối với nhà giáo được đặt ở vị trí thống nhất tùy từng ngành nghề, trình độ đào tạo.

Ngoài ra, trong những năm vừa qua, Chính phủ cũng rất quan tâm đến phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo với nhiều mức từ 25% - 70%; phụ cấp thâm niên đã được thực hiện từ năm 2011 cho đến nay; nhà giáo công tác ở các địa phương, vùng, miền khác nhau thì có phụ cấp, trợ cấp khác nhau.

Tuy nhiên, cùng với tình hình chung và so với cuộc sống hiện tại, thu nhập bằng lương của một bộ phận cán bộ, GV còn thấp, đặc biệt là GV mới, nhà giáo đang công tác ở những vùng, miền có điều kiện khó khăn.

Nguyên nhân, do quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa và chính sách lương hiện hành vừa bình quân trong từng khu vực nhưng lại chênh lệch bất hợp lý giữa khu vực hành chính - sự nghiệp - lực lượng vũ trang - doanh nghiệp Nhà nước và đang bị phá vỡ bởi việc bổ sung các chế độ phụ, trợ cấp khác về tiền lương cho các ngành, các khu vực. Hệ thống thang lương, bảng lương chưa thật sự theo vị trí việc làm, trình độ, chất lượng công việc yêu cầu hoặc chức vụ đảm nhận cũng như mức độ phức tạp của công việc.

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4332/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW nhằm triển khai nhiệm vụ đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm đối với viên chức ngành GD-ĐT (hoàn thành vào quý III/2019).

* Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.