Điểm chuẩn ngành Sư phạm: Cần nhìn nhận công bằng và chính xác

GD&TĐ - Chỉ nhìn vào một số trường tuyển sinh với số điểm đầu vào thấp mà đánh giá chất lượng ngành sư phạm tụt dốc là không công bằng đối với giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong chuyến thăm Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong chuyến thăm Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Theo tôi, quan điểm của một số người cho rằng điểm đầu vào sư phạm tụt dốc thảm hại là không hoàn toàn chính xác, bởi:

Chỉ nhìn vào một số trường tuyển sinh với số điểm đầu vào thấp mà đánh giá chất lượng ngành sư phạm tụt dốc là không công bằng đối với giáo dục.

Điểm đầu vào và kể cả đầu ra không hoàn toàn quyết định chất lượng giáo dục. Đối với ngành sư phạm điểm đầu vào không phải là thứ duy nhất, giáo viên không chỉ cần kiến thức mà còn cần tài năng, kỹ năng, phẩm chất mà các thí sinh điểm đầu vào điểm cao chưa chắc đã có.

Qua thực tế cho thấy khi sinh viên tốt nghiệp ra trường muốn đi dạy phải thi tuyển, có quá trình tập sự và điều quan trọng hơn được tập thể nhà trường, phụ huynh và học sinh thẩm định chất lượng nghề nghiệp… Nếu không có năng lực, lòng yêu nghề thì hai năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xã hội đào thải.

Rõ ràng, không chỉ dựa vào điểm đầu vào là có thể khẳng định chất lượng giáo dục, nó còn là cả một quá trình tự học tự bồi dưỡng, là trách nhiệm của toàn xã hội đối với ngành giáo dục.

Một số nước tiến bộ trên thế giới, ví dụ như ở Mỹ trong nhiều trường hợp, bạn có thể bắt đầu khóa học sư phạm khi ghi danh vào một cơ sở đại học. Ở Australia điểm trúng tuyển ngành sư phạm ở các trường không giống nhau. Mỗi trường đại học có điểm trúng tuyển chuyên ngành chênh lệch, phụ thuộc mức độ cạnh tranh.

Ngành Giáo dục thành phố Cần Thơ trong những năm gần đây, ngoài công tác tuyển dụng người tài, có phẩm chất năng lực vào ngành.

Lãnh đạo ngành hết sức quan tâm đến công tác tự bồi dưỡng của giáo viên. Đã mở nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho giáo viên trong toàn ngành. Tổ chức mời chuyên gia nước ngoài đến trao đổi những nét mới của các nước để cán bộ quản lý nắm bắt, học tập và vận dụng trong công đáp ứng tình hình mới và nhu cầu của xã hội đối với ngành giáo dục.

Bên cạnh đó luôn luôn lắng nghe phản ánh của quần chúng nhân dân, kịp thởi chấn chỉnh những vướng mắc, kiện toàn đội ngũ. Chính vì vậy lĩnh lực Giáo dục và Đào tạo ở Cần Thơ những năm qua có những bước khởi sắc đi lên mạnh mẽ và bền vững.

Cũng phải nhìn nhận một thực tế các trường cao đẳng sư phạm có mức tuyển đầu vào thấp đã “dấy lên” sự lo lắng, quan tâm của xã hội về tương lai giáo dục đào tạo nước nhà. Ngành sư phạm không tuyển được những học sinh giỏi (ngoại trừ những học sinh thực sự yêu thích nghề giáo) không phải là vấn đề mới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trước vấn đề xã hội đang quan tâm thay vì làm “anh hùng bàn phím”, mỗi người hãy cùng nhau tìm giải pháp, đề xuất việc mà ngành cần phải làm để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ Giáo dục - Đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Theo tôi: Tuyển được học sinh có điểm đầu vào cao là mong muốn của tất cả các trường, nhưng điểm đầu vào cũng không phản ánh được các tố chất cơ bản của học sinh ấy có phù hợp với nghề nghiệp mà các em lựa chọn hay không.

Hoạt động giáo dục là một hoạt động nghề nghiệp đặc biệt vì đối tượng lao động của người thầy chính là con người. Công cụ lao động cơ bản của người thầy chính là nhân cách của bản thân. Bằng nhân cách của mình, người thầy có sức ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển nhân cách của học sinh. Sự phát triển nhân cách người thầy không chỉ diễn ra trong trường sư phạm mà còn trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.

Theo UNESCO “thầy giáo phải được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục nhiều hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức”. Để đáp ứng đổi mới giáo dục, người giáo viên phải bảo đảm các vai trò:

- Có trách nhiệm nặng hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học và giáo dục.

- Phương pháp dạy học chuyển mạnh từ chỗ truyền thụ kiến thức sang tổ chức việc học của học sinh, biết sử dụng những phương tiện dạy học hiện đại và những nguồn tri thức khác; coi trọng hơn việc cá biệt hóa học tập

- Mối quan hệ thầy trò thân thiện; quan hệ với đồng nghiệp và phụ huynh hợp tác.

Để giải quyết mâu thuẫn “đầu vào thấp” mà “yêu cầu nhiệm vụ cao” theo tôi cần thực hiện một số nhiệm vụ:

- Với trường sư phạm: Việc thay đổi chương trình đào tạo cần lưu ý cả hai yếu tố: xây dựng những phẩm chất, năng lực của người giáo viên đáp ứng được những yêu cầu mới đối với giáo viên; điểm đầu vào không cao.

Phải làm cho sinh viên nhận thức được những năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cơ bản để các em chủ động, tích cực trong học tập. Kiên quyết không cho ra trường những sinh viên thiếu tích cực trong quá trình đào tạo.

- Cần có sự thống nhất chủ trương điều tiết chỉ tiêu, cách thức tuyển sinh cho các trường sư phạm, phù hợp với nguồn nhân lực cần có của từng địa phương.

- Cần có chế độ chính sách thu hút nhân tài tài cho ngành giáo dục, phải làm cho mỗi giáo viên, sinh viên luôn cảm thấy tự hào về ngành nghề mà mình đã chọn.

- Tôi thực sự có niềm tin ở Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ được ưu tiên làm ngay, sẽ có những trường trung tâm, trọng điểm, những trường phân hiệu vệ tinh.

Tin rằng các trường sư phạm trọng điểm sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nên “cỗ máy cái” nòng cốt trong việc thực hiện các chủ trương đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, đáp ứng yêu cầu, đổi mới giáo dục phổ thông.

Như lời của Bộ trưởng: Giáo dục là lâu dài nên không thể nóng vội, các vấn đề đặt ra cho giáo dục cũng không thể giải quyết ngay trong ngày một, ngày hai, có những vấn đề sẽ không bao giờ kết thúc, bởi hoàn thành ở mức độ này sẽ đặt ra đòi hỏi ở mức độ cao hơn.

Vì thế, ngành Giáo dục cần sự đồng hành kiên trì và niềm tin vững vàng của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và của toàn xã hội. Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm lắng nghe, đổi mới và hành động của toàn ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ