Dạy cho trẻ về Ngày Tết: Bài học giáo dục đầy tính nhân văn

Dạy cho trẻ về Ngày Tết: Bài học giáo dục đầy tính nhân văn

Trong cuốn Tự nhiên xã hội của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, ngày Tết được thể hiện qua những hình ảnh minh họa sinh động là hoa đào hoa mai cây quất, gia đình vui sum họp, là hình ảnh ngồi gói bánh chưng, lau dọn nhà cửa.

Tết Nguyên đán hiện lên qua những thắc mắc của trẻ như: “Ông ơi, sao ngày Tết lại có bánh chưng ạ”, hay “Bố ơi, Tết năm nay bắt đầu từ ngày nào ạ?”. Những sự tích, câu chuyện sẽ được các thầy cô giáo kể cho học sinh và cùng các em chia sẻ những điều quan sát được trong ngày Tết.

Còn đối với sách giáo khoa Tiếng Việt, ngày Tết được lồng ghép vào trong các bài đọc, sự nhận biết thời tiết và phong tục. “Tết đến thật gần. Cái rét vẫn đậm. Mấy cây đào đã chi chít lộc non. Vài nụ tròn đỏ thắm vừa hé nở. Rồi trời ấm dần, đàn én nhỏ lại ríu rít bay về, náo nức đón chào năm mới”.

TS Vũ Thị Lan- Tác giả SGK Tiếng Việt 1 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết: Khi thống nhất cần phải đưa nội dung ngày lễ tết vào trong SGK, tất cả các tác giả của các môn học đã có sự bàn bạc với nhau, để mỗi môn học sẽ nói về nội dung về Tết, nhưng đều đảm bảo sao cho các sách giáo khoa của môn học không bị trùng lặp.

Bộ sách Chân trời sáng tạo
Bộ sách Chân trời sáng tạo

Ví dụ sách giáo khoa tiếng Việt của bộ sách Kết nối tri thức đã chọn nội dung nói về thời tiết của ngày Tết. Còn sách khác chọn hoạt động diễn ra trong ngày Tết, có sách lại giải thích về tên gọi của ngày Tết và những nội dung này được trình bày một cách dung dị, dễ hiểu, phù hợp với tâm lí nhận thức của học sinh lớp 1.

Ở các sách giáo khoa khác như Âm nhạc, Mĩ thuật..., hình ảnh Tết nguyên đán cũng được lồng ghép một cách phù hợp với bài học và độ tuổi của các em học sinh, trùng hợp với thời gian lễ tết, qua đó tạo hứng thú cho các em khi vừa được học từ sách, vừa ứng dụng, kết nối với cuộc sống.

ThS Hồ Ngọc Khải- Tác giả sách âm nhạc của bộ sách Chân trời sáng tạo chia sẻ: Trong sách âm nhạc có chủ đề riêng về ngày tết. Trong chủ đề đó, có bức tranh sinh động về không khí ngày tết, những trang phục trong ngày tết, những cây đào, cây mai, cảnh nhộn nhịp đón tết. Các em được học bài hát Sắp đến Tết rồi của nhạc sĩ Hoàng Vân để cảm nhận được không khí Tết.

Bất cứ sách giáo khoa nào khi viết cho trẻ em học cũng phải mang đậm bản sắc của dân tộc. Việc đưa nội dung những ngày lễ tết vào sách giáo khoa của chương trình mới là điều rất cần thiết. Trong quá trình biên soạn, các tác giả có thể tiếp cận những phương pháp hiện đại của thế giới nhưng phải đặt những dữ liệu đó trong bối cảnh phù hợp với Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ