Đà Nẵng: "Chạy thử" để triển khai kiểm tra trực tuyến cuối học kỳ II

GD&TĐ - Các trường THCS, THPT đang rà soát khâu kỹ thuật, xây dựng phương án cho cả 2 hình thức kiểm tra. HS làm thử trên máy tính để tập dượt trước khi thực hiện kiểm tra cuối kỳ II bằng hình thức trực tuyến.

Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) tổ chức kiểm tra thử đề rà soát thiết bị, chất lượng đường truyền...
Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) tổ chức kiểm tra thử đề rà soát thiết bị, chất lượng đường truyền...

Linh hoạt xử lý các tình huống

Theo đăng ký, Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) có 6 trên tổng số 1074 HS không có phương tiện để tham gia kiểm tra trực tuyến. Cô Lê Thị Hoàng Chinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi GV chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh, nhà trường và gia đình thống nhất chọn phương án 6 em này sẽ đến trường làm bài kiểm tra tại phòng Tin học theo đúng lịch kiểm tra chung của toàn trường.   

Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) có 20 HS rải rác ở các khối lớp không thể tham gia làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Theo thầy Trình Quang Long, Hiệu trưởng nhà trường, những HS này sẽ đến trường làm bài kiểm tra trực tiếp cùng thời gian với các bạn kiểm tra trực tuyến. Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, HS phải thực hiện khai báo y tế, chấp hành đúng nguyên tắc 5K. Nhà trường sẽ bố trí tối đa 5 HS/phòng thi.

Trường THCS Chu Văn An tổ chức cho HS kiểm tra thử vào ngày 13/5 để làm quen với quy trình làm bài kiểm tra trực tuyến.
Trường THCS Chu Văn An tổ chức cho HS kiểm tra thử vào ngày 13/5 để làm quen với quy trình làm bài kiểm tra trực tuyến.

Trường THCS Lê Hồng Phong có một số HS sinh sống trong vùng cách ly y tế hoặc gia đình thuộc diện cách ly. Tuy nhiên, theo thầy Long, những HS này vẫn đăng ký tham gia kiểm tra theo hình thức trực tuyến được.

Trường THCS Sào Nam (quận Hải Châu) có tỉ lệ HS đăng ký kiểm tra trực tiếp đông nhất trong toàn quận với 225 em, chiếm khoảng 50%. Nhà trường sẽ bố trí 6 HS/phòng thi để đảm bảo giãn cách.

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết: Theo lịch, từ ngày 17/5, các trường THCS trong toàn quận bắt đầu tổ chức kiểm tra cuối kỳ II cho HS khối 6, 7, 8. Tùy vào điều kiện hạ tầng kỹ thuật, số lượng HS đăng ký tham gia của mỗi hình thức, các trường có thể tổ chức song song cả trực tuyến và trực tiếp trong cùng thời gian hoặc tổ chức kiểm tra độc lập. Các trường có thể xây dựng 2 đề khác nhau cho 2 hình thức kiểm tra hoặc dùng chung một đề. Điều này tùy thuộc vào đề xuất của tổ chuyên môn, Phòng cũng trao quyền chủ động cho các trường trong lựa chọn và quyết định.

Trong khi đó, ông Võ Trung Minh – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà cho biết, thời gian kiểm tra trực tiếp sẽ được quyết định sau khi các trường đã hoàn thành kiểm tra theo hình thức trực tuyến. “Việc kiểm tra trực tuyến phụ thuộc nhiều vào chất lượng đường truyền. Do vậy, trong quá trình làm bài kiểm tra, sẽ có những HS bị rớt mạng, rồi sự cố mất điện… Nếu HS gặp những trục trặc về mặt kỹ thuật vẫn còn cơ hội tham gia kiểm tra trực tiếp” – ông Minh chia sẻ. Quận Sơn Trà có khoảng 60% HS đăng ký tham gia kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

 Giám sát quá trình làm bài của HS

Thầy Trình Quang Long cho biết, nhà trường đã mua phần mềm Zoom bản quyền để sử dụng trong quá trình tổ chức kiểm tra cuối kỳ II. Nhà trường sẽ gửi link và yêu cầu HS tắt mic, bật camera trong suốt thời gian làm bài thi. Các em sẽ làm bài thi vào giấy sau khi nhận đề. Kết thúc thời gian làm bài, HS chụp lại bài làm và gửi vào hệ thống, có xác nhận đã nhận bài để các em yên tâm. Đây là cách làm được nhiều trường áp dụng. Theo đó, ứng dụng phần mềm kiểm tra trực tuyến sẽ gần như chỉ để giao đề, nhận bài làm và ghi hình quá trình làm bài của HS.

“Từ thực tế của quá trình dạy – học trực tuyến cho thấy rằng, vẫn có một số trục trặc về mặt kỹ thuật trong quá trình sử dụng như rớt mạng, nghẽn mạng. Lần đầu tiên tổ chức kiểm tra trực tuyến trên diện rộng nên sẽ có những tình huống chưa có trong thực tiễn. Trong khi đó, kiểm tra đánh giá cuối kỳ còn liên quan đến quyền lợi của HS nên nhà trường phải lựa chọn giải pháp an toàn nhất có thể” – thầy Long chia sẻ.

Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) chạy thử phần mềm ứng dụng kiểm tra trực tuyến.
Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) chạy thử phần mềm ứng dụng kiểm tra trực tuyến.

Bà Trần Thúy Hà cho biết: HS làm bài trực tiếp trên phần mềm hay làm bài bằng giấy rồi chụp ảnh nộp lại trên ứng dụng phần mềm là tùy vào hình thức đề thi mà các trường lựa chọn. Như Trường THCS Lý Thường Kiệt ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm 100%, học sinh sẽ làm bài, nộp bài trực tiếp trên ứng dụng rất thuận tiện. Trường THCS Nguyễn Huệ sử dụng đề 100% tự luận, các em làm bài trên giấy sẽ rồi chụp lại bài làm sẽ thuận tiện hơn. Miễn sao quá trình làm bài của HS được giám sát để có một kỳ kiểm tra với kết quả đủ để tin cậy..

Trường THCS Chu Văn An đã tổ chức cho HS kiểm tra thử trong toàn trường vào ngày 14/5 để rà soát toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của trường cũng như chất lượng thiết bị đầu cuối của HS. Cô Chinh cho hay: Các đợt dịch trước, nhà trường sử dụng ổn định phần mềm Microsoft Teams để dạy học. Giáo viên đã gửi các bài tập nhỏ cho HS để củng cố kiến thức sau mỗi bài dạy, nhất là tiết ôn tập. Trong quá trình dạy học trong điều kiện bình thường, nhà trường vẫn tổ chức một số tiết dạy trực tuyến nên HS khá thành thạo.

Trường THCS Chu Văn An cũng phổ biến các quy định để đảm bảo giám sát quá trình HS làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Theo đó, dù là thi trực tuyến nhưng mỗi phòng kiểm tra sẽ bố trí từ 3-4 giám thị.

“Ngoài bật camera trong suốt quá trình làm bài, giám thị có thể yêu cầu bất kì học sinh nào bật chế độ micro để kiểm tra có ai nhắc bài hay không? HS chỉ được phép sử dụng duy nhất một thiết bị điện tử để làm bài kiểm tra. Trong trường hợp đặc biệt, cần xin ý kiến của giám thị để giải quyết. Tuy nhiên, cái gì cũng có sự tương đối. Trong tình hình dịch hiện nay, không có hình thức nào khác là thi trực tuyến. Tất cả mọi người cùng có gắng, trong đó có sự hỗ trợ của phụ huynh”, cô Chinh nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ