Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên: Thiết thực hay hình thức?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, việc quy định viên chức phải có các chứng chỉ để được bổ nhiệm hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp gây ra những phiền toái và nhiều hệ lụy.

Giáo viên hiện nay cần có kỹ năng thực chất hơn các loại chứng chỉ trên giấy. Ảnh minh họa
Giáo viên hiện nay cần có kỹ năng thực chất hơn các loại chứng chỉ trên giấy. Ảnh minh họa

Theo đó, các chuyên gia tán thành với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, đề xuất hướng xử lý phù hợp hơn trong quy định chứng chỉ với đội ngũ viên chức.

Mỗi nghề một giá

Anh T.T.K – phóng viên từ Tuyên Quang xuống Hà Nội học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp với phóng viên hạng III cho biết: Học phí gần 6 triệu, nhưng tổng chi phí để có được chứng chỉ phải trên 10 triệu. Đấy là chưa kể viên chức (trừ GV muốn thăng hạng) phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. “Nếu viên chức cả nước nhân với chi phí bồi dưỡng, chắc chắn là “con số khủng”. Song vấn đề là, hầu hết các chuyên đề bồi dưỡng, chúng tôi đã được học ở trường báo chí, không có gì mới và cập nhật – anh T.T.K nói.

Thầy Nguyễn Trọng Ngoạn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (Chư Păh, Gia Lai) thông tin: 100% giáo viên của trường đã học bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III và hạng II, có giáo viên có chứng chỉ hạng I. Thực tế cho thấy, việc dạy - học các lớp bồi dưỡng trên không thực chất, thậm chí còn hình thức. Các chuyên đề bồi dưỡng của giáo viên hạng III và hạng II  na ná như nhau, không bổ trợ được nhiều cho giáo viên trong chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao năng lực sư phạm. Bởi các nội dung này họ được học trong trường sư phạm.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững - nguyên Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), hiện nay, để được bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp với viên chức nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng, yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (tương ứng với từng hạng chức danh nghề nghiệp). Ngoài ra, viên chức khác (trừ giáo viên) phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Những quy định này không hợp lòng người, đôi khi trái với chuyên môn.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững phân tích: Viên chức như giáo viên và phóng viên, biên tập viên đều được đào tạo bài bản. Sau 4 năm học đại học, có những người làm việc đúng chuyên môn 10 - 20 năm, thậm chí có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành và đang giữ chức vụ trưởng/phó phòng nhưng lại bắt buộc phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Điều này rất phi lý, thậm chí coi thường các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ, bỏ qua kiến thức và kinh nghiệm làm việc của viên chức.

Trực tiếp tham gia giảng dạy, bồi dưỡng một số lớp bồi dưỡng chứng chỉ, PGS.TS Nguyễn Văn Dững nêu lên một số bất cập: Người học bỏ ra số tiền không nhỏ (chứng chỉ đối với giáo viên hạng III là 2,5 triệu đồng; phóng viên là 5,9 triệu đồng), nhưng thực chất chỉ đi học vài ngày, với những kiến thức không đâu vào đâu và mang tính hình thức.

“Yêu cầu về chứng chỉ để viên chức được bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp còn mệt mỏi hơn cả “giấy phép con” - PGS.TS Nguyễn Văn Dững nói, đồng thời viện dẫn: Những lớp tôi tham gia dạy, học viên kêu ca, buồn lòng vì chịu nhiều áp lực từ những chứng chỉ này.

Nên tổ chức thi nâng ngạch, với quy định rõ ràng, có tham vấn của chuyên gia. Ảnh minh họa
Nên tổ chức thi nâng ngạch, với quy định rõ ràng, có tham vấn của chuyên gia. Ảnh minh họa 

Không nên bắt buộc

Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, giáo viên không bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để được bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Nhưng với các viên chức ở lĩnh vực khác, đây vẫn là vấn đề nan giải, gây ra nhiều hệ lụy và phiền toái.

“Vấn đề đặt ra là, học chứng chỉ này có giúp ích cho công việc chuyên môn hay không. Nếu học chỉ để “làm đẹp” hồ sơ nên bỏ” - PGS.TS Vũ Trọng Rỹ thẳng thắn nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh: Suy cho cùng, các loại chứng chỉ này chỉ nên áp dụng với cán bộ quản lý thay vì áp dụng với đội ngũ làm chuyên môn.

Cũng theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, xét riêng về tiêu chí bằng cấp, nếu viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn trình độ theo yêu cầu; chẳng hạn: Giáo viên THCS phải có bằng cử nhân sư phạm, hay phóng viên phải bằng cử nhân báo chí, nghiễm nhiên họ đủ điều kiện về văn bằng để được xếp hạng viên chức hạng III (hạng thấp nhất). Việc học thêm các lớp bồi dưỡng để có chứng chỉ là do nhu cầu cá nhân, chứ không nên bắt buộc theo kiểu đại trà, hoặc chỉ áp dụng với những viên chức có nhu cầu thăng hạng.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững đề nghị: Nên bỏ quy định bắt buộc phải có chứng chỉ để được bổ nhiệm hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp với viên chức nói chung, giáo viên nói riêng. Thay vào đó, nên tổ chức thi nâng ngạch, với quy định rõ ràng, có tham vấn của chuyên gia. Giáo viên hoặc các viên chức khác, nếu có nhu cầu thi nâng ngạch, cần đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn và các tiêu chí tiêu chuẩn khác để được tham gia kỳ thi này. “Có thể áp dụng phương án: Công nhận bằng cấp cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ...). Việc này do hội đồng chuyên môn đánh giá, hoặc do chính tập thể, đồng nghiệp ở cơ quan đánh giá, bình chọn trên cơ sở chất lượng công việc hàng ngày” - PGS.TS Nguyễn Văn Dững trao đổi.

Từ thực tiễn, thầy Nguyễn Trọng Ngoạn đề xuất, nên bỏ hẳn các loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Để xét thăng hạng giáo viên, cần minh chứng bằng năng lực, chuyên môn, thành tích trong dạy – học. Theo đó, giáo viên tiểu học chỉ cần có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên là đủ tiêu chuẩn về trình độ để được xếp giáo viên hạng III. Còn để được thăng hạng cần yêu cầu thêm về thành tích trong dạy – học, cũng như các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Tức là dựa trên năng lực chuyên môn, những đóng góp và thành tích trong dạy – học.

Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, bất kỳ viên chức nào, kể cả giáo viên, trước khi được làm việc chính thức, đều phải trải qua các kỳ thực tập, thực tế và được đào tạo bài bản ở các trường chuyên nghiệp. Đấy là chưa kể, hằng năm họ vẫn được bồi dưỡng thường xuyên để cập nhật quy định, kiến thức mới, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Do đó, việc bồi dưỡng chuyên môn qua các lớp học ngắn hạn để được cấp chứng chỉ là không cần thiết, thậm chí gây lãng phí tiền bạc, công sức, thời gian của mọi người. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ