Chào mừng Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII: Góp phần đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục - Đào tạo

GD&TĐ - Phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục giai đoạn 2016 – 2020 được triển khai sâu rộng không những góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bước sang giai đoạn 2020 - 2025, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh phong trào với những yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Toàn ngành sẵn sàng bước vào phong trào thi đua mới hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Toàn ngành sẵn sàng bước vào phong trào thi đua mới hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Hài hòa giữa khen thưởng vật chất và động viên tinh thần

- Xin bà cho biết 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước được triển khai ra sao trong ngành Giáo dục?

- 5 năm qua, ngành Giáo dục đã tích cực triển khai 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở”, lồng ghép với phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020 của ngành Giáo dục do Bộ trưởng phát động.

Nội dung phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của cả giai đoạn, từng năm học và được cụ thể hóa cho phù hợp với chuyên môn mỗi cấp học, bậc học và ngành học; đồng thời gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động của ngành.

Bộ GD&ĐT đã chia các đơn vị thành 3 khối thi đua để hoạt động. Đồng thời đổi mới cơ bản trong việc xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua theo hướng sát thực tế, hướng về nhà giáo và người trực tiếp giảng dạy. Bộ tiêu chí thi đua đã định lượng, rõ ràng, công khai, có minh chứng, sản phẩm khi đánh giá; đánh giá sự tiến bộ của chính cá nhân, tập thể, không áp đặt chỉ tiêu thi đua quá cao so với năng lực thực tế của mỗi đơn vị, cá nhân và không chạy theo thành tích.

Công tác khen thưởng trong ngành Giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khen thưởng được nâng lên. Việc khen thưởng kịp thời, công khai, minh bạch; chú trọng khen thưởng trường hợp có thành tích xuất sắc đột xuất, người trực tiếp lao động, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, dũng cảm cứu người, tài sản trong thiên tai, dịch bệnh… Qua đó nêu gương, động viên cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng, bám sát nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của cả giai đoạn, từng năm học... Vậy kinh nghiệm và bài học chúng ta rút ra cho giai đoạn tới là gì?

- Căn cứ kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò công tác thi đua, khen thưởng, coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay.

Công tác thi đua, khen thưởng chỉ mang lại hiệu quả khi tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chủ động, tích cực tham gia lãnh đạo, chỉ đạo phong trào.

Phong trào thi đua phải có mục tiêu, nội dung rõ ràng, thiết thực, khả thi nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, chống chạy theo thành tích. Trong thi đua cần coi trọng công tác tuyên truyền, gắn với biểu dương gương người tốt, việc tốt; coi trọng việc phát hiện, xây dựng các điển hình tiên tiến, phát hiện những nhân tố mới để bồi dưỡng và nhân rộng.

Việc khen thưởng phải chính xác, kịp thời, công khai, dân chủ; gắn liền với kết quả hoạt động của phong trào thi đua và khuyến khích, động viên gương người tốt, việc tốt; hài hòa giữa khen thưởng vật chất và động viên tinh thần.

Phát huy vai trò của cụm, khối thi đua cần được tăng cường và hoạt động đúng quy định, bảo đảm thực chất, hiệu quả.

TS Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ GD&ĐT).
TS Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ GD&ĐT). 

Khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo

- Bà có thể chia sẻ những kết quả cụ thể của phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” vào sự nghiệp phát triển GD-ĐT giai đoạn qua?

- Phong trào thi đua đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.

Những tấm gương nhà giáo về sự tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, thương yêu giúp đỡ học sinh, đồng nghiệp đã được các thế hệ học trò tin yêu, quý trọng, xã hội tôn vinh. Nhiều em học sinh, sinh viên đã nỗ lực học tập, rèn luyện, thắp sáng tinh thần hiếu học, khát vọng vượt khó vươn lên, khẳng định trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như:

Giáo dục MN đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ MN ngày càng được nâng lên. Việc đổi mới nội dung chương trình giáo dục MN giúp trẻ tự tin, có nhiều tiến bộ và phát triển tốt cả 5 lĩnh vực (thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội, thẩm mỹ).

Nhiều cơ sở giáo dục phổ thông đổi mới sinh hoạt chuyên môn và xây dựng kế hoạch nhà trường đáp ứng Chương trình GDPT mới. Việc đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT được thực hiện theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở phổ thông. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực được đánh giá cao.

Các cơ sở giáo dục đại học xây dựng nội dung đào tạo theo hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai đào tạo các ngành nghề mới; thay đổi phương thức đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Những năm gần đây, công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh...

Phong trào xây dựng các mô hình học tập cộng đồng phát triển mạnh, tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời. Cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh dân tộc thiểu số ngày càng được mở rộng.

- Theo bà, để phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục giai đoạn tiếp theo thiết thực và hiệu quả… ngành Giáo dục cần quan tâm, quán triệt những vấn đề gì?

- Giai đoạn 2020 - 2025, ngành Giáo dục tiếp tục tạo sự chuyển biến hơn trong nhận thức và thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong ngành, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị trong toàn ngành Giáo dục có trách nhiệm lãnh đạo tập trung, thống nhất chặt chẽ, toàn diện công tác tổ chức các phong trào thi đua; khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên về quản lý, giáo dục, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập và rèn luyện, khởi nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các khối, cụm thi đua. Chú trọng phát hiện, lựa chọn và xây dựng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong dạy và học của tập thể, cá nhân trong toàn ngành.

Tổ chức khen thưởng, tôn vinh kịp thời đúng người, đúng việc, qua đó tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị tại mỗi cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ