Cần coi trọng hơn nữa phong trào thi đua yêu nước

Cần coi trọng hơn nữa phong trào thi đua yêu nước

(GD&TĐ) - Bên cạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, bổ ích thì hiện vẫn có nhiều phong trào thi đua chưa đi vào thực chất, hiệu quả nên chưa động viên được mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lập thành tích cao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyên nhân chủ yếu là sự bất hợp lý, chưa công bằng trong việc đánh giá, bình xét, khen thưởng cho tập thể, cá nhân.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Ngoài ra, nhà nước chưa có chính sách, chế độ ưu đãi đặc biệt, thiết thực với những người có thành tích xuất sắc, điển hình trong các phong trào thi đua cũng như tạo ra phong trào noi gương, nhân rộng học tập, làm theo các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được phát hiện sau mỗi phong trào thi đua.

Việc nặng nề về cơ cấu trong công tác thi đua, khen thưởng cũng là nguyên nhân làm giảm đi động lực thi đua. Mặc dù, vấn đề này đã được nói đến trên rất nhiều diễn đàn từ cơ sở đến trung ương nhưng vẫn chưa được giải quyết, khắc phục một cách bài bản, đồng bộ nhằm đưa công tác này đi vào thực chất, nề nếp. Đâu đó vẫn diễn ra tình trạng "đường sữa từ trên xuống, cuốc xẻng dưới lên". Vì vậy, nhiều phong trào thi đua yêu nước ngày càng đi xuống, mang tính hình thức. Song song với đó là nhiều phong trào thi đua được ví như công nhân có 1 thì nông dân có 1; công an có 1 thì quân đội có 1... Từ đó mà không khuyến khích, động viên được mọi tầng lớp nhân dân tích cực, hăng hái thi đua, lập thành tích và tự giác tham gia các phong trào thi đua.

Ngoài ra, nhiều phong trào thi đua còn mang đậm nghịch lý theo kiểu "đầu voi đuôi chuột". Đó là khi phát động, khởi xướng phong trào thi đua thì rầm rộ nhưng sau đó thì vắng lặng, im ắng theo kiểu “đánh trống, bỏ dùi”, chẳng mấy ai hăng hái, thi đua lập thành tích, hoạt động vẫn “bình bình” như không có đặc biệt xảy ra. Tuy vậy, đến kỳ thì sơ kết, tổng kết, khen thưởng lại tổ chức quy mô, hoành tráng, rầm rộ, ai cũng có bằng khen, giấy khen, tiền thưởng... Do đó, chẳng mang lại hiệu ứng tích cực nào, thậm chí lại phản tác dụng theo hướng tiêu cực và tất nhiên là nhiều phong trào thi đua sau đó vơi bớt dần số người hưởng ứng, tham gia.

Thiết nghĩ, các phong trào thi đua yêu nước là rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước và sự gắn kết của xã hội, đoàn kết dân tộc. Do đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm đưa các phong trào thi đua đi vào thực chất, thiết thực góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi.

Vĩnh Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ