Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Rèn học sinh giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc

GD&TĐ - Xác định giáo dục là thành tố quan trọng giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, từng nhà trường, nhà giáo nỗ lực vừa dạy học, vừa rèn luyện học sinh.

Thầy Thạch Sa Quên cùng học sinh trong giờ đọc sách tại Thư viện trường.
Thầy Thạch Sa Quên cùng học sinh trong giờ đọc sách tại Thư viện trường.

Mỗi hành động, ý thức được rèn giũa từ ghế nhà trường góp phần đào tạo con người văn hóa.

Gắn giáo dục tri thức với văn hóa

Công tác tại ngôi trường vùng khó khăn, thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) luôn xác định nhiệm vụ giáo dục kiến thức, kỹ năng gắn liền với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống. Đặc biệt, học sinh Khmer cần phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc vốn rất đa dạng, phong phú.

Theo thầy Sa Quên, quan điểm chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Trong môi trường mở, tiếp cận nhiều nguồn thông tin, văn hóa khác nhau từ khắp thế giới nên việc giáo dục, giữ gìn văn hóa dân tộc càng quan trọng hơn. Không chỉ riêng nhà trường mà gia đình, xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách con người. Nếu phối hợp tốt 3 môi trường giáo dục thì sản phẩm tất yếu sẽ là những con người văn hóa.

Tại ngôi trường thầy Sa Quên công tác, việc giáo dục song song với giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống, văn hóa luôn được chú trọng. Một trong những hoạt động được thầy, trò hưởng ứng tích cực là giữ gìn văn hóa đọc thông qua đọc sách. “Thuần phong mỹ tục mà con người Việt Nam có từ xa xưa cho tới bây giờ đó là văn hóa đọc sách. Những người lớn tuổi trước đây, khi ngồi uống trà luôn cầm trong tay một cuốn sách, hay bài báo nào đó để đọc và đàm đạo.

Nhớ lại thời gian còn là học sinh và sinh viên, trong quá trình học tập, tôi luôn tranh thủ mọi thời gian đến thư viện, tìm tài liệu và thu thập thông tin, kiến thức nhằm giúp việc học tập và nghiên cứu”, thầy Sa Quên chia sẻ và thông tin: Trường THPT Cầu Ngang A đang xây dựng thư viện đạt chuẩn quốc gia. Thư viện có hàng nghìn cuốn sách, bao gồm sách giáo khoa học tập, các loại sách tham khảo về khoa học thường thức, khoa học trái đất, sách về di tích lịch sử, cách mạng và các loại sách tham khảo khác. Ngoài ra, thư viện còn đặt báo và tạp chí để tạo điều kiện cho học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, tham khảo và học tập.

“Học sinh đọc, tích lũy kiến thức, vừa giữ gìn văn hóa đọc, góp phần phát huy văn hóa từ ghế nhà trường. Đó là một trong những mục tiêu quan trọng mà nhà trường, thầy cô hướng đến”, thầy Sa Quên nói.

Bên cạnh giữ gìn văn hóa đọc, thầy Sa Quên cùng thầy cô giáo nhà trường trang bị ý thức giữ gìn văn hóa cho học sinh. Đặc biệt là giáo dục học sinh tránh những lệch lạc về văn hóa, nhất là văn hóa thông qua môi trường mạng xã hội, Internet… Theo thầy Sa Quên, hiện nay cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, phát triển của mạng Internet, việc tìm kiếm hoặc tra cứu các thông tin, nội dung học tập rất dễ dàng và tiện ích. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và tìm kiếm cũng phải có sự chọn lọc để phù hợp với yếu tố và nội dung cần tìm hiểu. Nội dung trên Internet rất đa dạng và phong phú, nếu không chọn lọc phù hợp thì sẽ có tác động ngược.

Thầy Thạch Sa Quên cùng học sinh.
Thầy Thạch Sa Quên cùng học sinh. 

Đồng hành cùng nhà trường

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không chỉ là việc riêng của nhà trường mà cần sự vào cuộc sát sao của gia đình, xã hội. Chia sẻ quan điểm trên, theo thầy Sa Quên cần có sự phối hợp gắn kết, đồng bộ, không để xung đột giá trị giữa ba môi trường văn hóa này. Giáo dục có vai trò quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt quá trình hình thành, phát triển nhân cách của mỗi con người.

Đối với xã hội, giáo dục còn có chức năng đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tri thức, giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì thế quan điểm chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục là tất yếu, xuất phát từ nhiệm vụ, chức năng của giáo dục. Đối với học sinh dân tộc, nhà trường, giáo viên ưu tiên giáo dục các em phải biết giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó, khơi dậy tình yêu quê hương, con người và bản sắc văn hóa của địa phương...

Trong bối cảnh hiện nay, rất cần sự đồng hành của xã hội cùng với nhà trường trong việc giáo dục học sinh, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa. Những người làm công tác giáo dục cần lắm một môi trường xã hội bên ngoài nhà trường thực sự lành mạnh, quản lý xã hội một cách chặt chẽ, đặc biệt là sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, những người xung quanh. Có như vậy việc trao truyền, bồi đắp và bảo vệ văn hóa mới bền vững.

Đáng lưu ý chính là tác động từ môi trường Internet, mạng xã hội ảnh hưởng rất lớn đến thầy, trò. Với phương châm hòa nhập nhưng không hòa tan, cả thầy, trò phải trang bị kiến thức thật vững vàng để tránh bị tác động xấu. Cần trang bị kỹ năng, văn hóa ứng xử với mạng xã hội trong trường học gắn với những kỹ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh. Trên cơ sở chương trình ở từng cấp học, trong từng môn học, bài học, mỗi thầy cô giáo đã ý thức hơn việc chú trọng các yếu tố văn hóa, văn minh để định hướng các khái niệm, giá trị nhằm bồi đắp nhận thức, thái độ. Rèn luyện hành vi tự giác, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa một cách liên tục, bền vững cho cả người dạy và người học…

“Nếu làm tốt những vấn đề nêu trên, chúng ta sẽ có những con người văn hóa, xây dựng xã hội văn hóa; có con người tốt đẹp thì xã hội tốt đẹp. Giáo dục chính là mạch nguồn khởi tạo, dung dưỡng, phát huy nhân tố con người để từ đó tạo ra những thành quả trong công cuộc chấn hưng văn hóa”, thầy Sa Quên chia sẻ.

“Với vai trò là giáo viên, tôi luôn hướng học sinh đến với nét đẹp thuần phong mỹ tục. Gìn giữ văn hóa đọc sách, tiếp thu văn hóa có chọn lọc. Thư viện trường, nhiều loại sách, báo là một kho tàng kiến thức, chứa đựng nhiều điều hay lẽ phải, nội dung bổ trợ trong quá trình học tập, nhiều điều thú vị trong cuộc sống hiện hữu mà chúng ta chưa khám phá hết. Chúng ta luôn đề cao việc đọc sách, vì nó hướng con người tới lẽ sống tốt đẹp trong học tập và cuộc sống. Đó cũng là cách giáo dục góp phần giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống, văn hóa. Rộng hơn chính là chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục, trong trường học”, thầy Sa Quên nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).