Cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ địa phương triển khai CT SGK lớp 1

GD&TĐ - Tình trạng cô trò học “chay” vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều trường học tại Nghệ An, đặc biệt tại điểm trường lẻ. Nguyên do là việc bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất phụ thuộc vào nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Cô Lương Thị Hoa (điểm bản Chà Lò, Tiểu học Mai Sơn, Tương Dương, Nghệ An) chủ yếu dạy chay cho học sinh.
Cô Lương Thị Hoa (điểm bản Chà Lò, Tiểu học Mai Sơn, Tương Dương, Nghệ An) chủ yếu dạy chay cho học sinh.

Dạy học hơn tháng, thiết bị chưa về

Năm học 2020 - 2021 Trường Tiểu học Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) có gần 100 học sinh lớp 1, hầu hết là dân tộc Thái. Trước đó, để chuẩn bị dạy học SGK lớp 1, đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trường làm tờ trình xin UBND xã Lạng Khê đầu tư 4 ti vi và được đồng ý. Cô Trương Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạng Khê phấn khởi nói: “Chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới có cả kênh hình và kênh chữ. Bên cạnh đó có phần mềm để các giáo viên, học sinh khai thác thêm tài liệu điện tử, tạo thuận lợi trong tổ chức dạy – học. Giữa các bài tập đọc thường có thêm phần minh họa, hỗ trợ bằng hình ảnh. Vì vậy, khi có ti vi kết nối Internet trong lớp học giúp cô trò khai thác, sử dụng SGK thuận lợi, hiệu quả hơn”.

Bên cạnh đó, ban giám hiệu (BGH) nhà trường cũng mạnh dạn phân công giáo viên trẻ phụ trách 4 lớp 1. Trong đó, có 3 cô tốt nghiệp đại học năm 2019, người còn lại là giáo viên bản địa, đã có kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 1. Theo cô Trương Thị Xuân, với giáo viên trẻ, chưa có kinh nghiệm, nhà trường vất vả hơn trong tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Đổi lại, các cô nhanh nhẹn, năng động, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học linh hoạt. Đây chính là ưu điểm lớn để dạy học chương trình mới.

Tuy nhiên, điều khó khăn khác là Trường Tiểu học Lạng Khê có 2 điểm lẻ tại bản Đồng Tiến và Yên Hòa, cách trường chính khoảng 10km đường đất. Khu vực này, chưa kết nối mạng Internet, nên không thể đưa ti vi vào sử dụng và khai thác cho lớp 1. Trong điều kiện thiết bị giáo dục vẫn chưa thấy đâu, cô trò hoàn toàn phải dạy – học chay. Cô Trần Thị Kim Châu – dạy lớp 1 điểm bản Đồng Tiến cho biết: Để khắc phục tình trạng này, GV soạn giáo án điện tử trong máy tính cá nhân, đăng nhập vào phần mềm, tải tài liệu, bài tập minh họa. Ngày hôm sau, cô mang máy tính lên lớp và giảng lại cho học sinh.

Ông Phan Trọng Trung – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho hay: “Đến thời điểm này, dù SGK và tài liệu hướng dẫn giáo viên dạy học đã về đầy đủ, nhưng trường học trên địa bàn huyện vẫn chờ thiết bị dạy học lớp 1, dù đã đặt từ trước. Điều này gây khó khăn cho giáo viên trong dạy học SGK mới”.

Giờ học của cô trò lớp 1 Trường Tiểu học Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An).
Giờ học của cô trò lớp 1 Trường Tiểu học Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An).

Chờ xã hội hóa

Trường Tiểu học Quỳnh Lâm B dù cách trung tâm huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chưa đầy 3km, nhưng lại là trường đặc biệt khó khăn về cơ sở vật chất. Năm học này, trường có 20 lớp nhưng chỉ có 12 phòng học cấp 4. Để dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường phải mượn 6 phòng của nhà thờ Giáo xứ Thuận Nghĩa. Đồng thời, dồn phòng thiết bị, thư viện vào nhà kho để dành thêm 2 phòng học cho cô trò. Thay vào đó, nhà trường vận động xã hội hóa để đưa tủ sách mi ni về từng lớp học. “Dù cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng nhà trường cố gắng hết sức để bảo đảm các điều kiện học tập cho học sinh. Các phòng học sạch sẽ, trang trí đẹp mắt, đủ sách vở, thiết bị cho học sinh”, thầy Nguyễn Viết Thanh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Riêng khối lớp 1, theo thầy Thanh, SGK mới cùng với thiết bị về đồng loạt ngay từ đầu năm học. Sau hơn 4 tuần học, các em tỏ ra hào hứng, thích thú với chương trình học, và hoạt động trải nghiệm. Thiết bị dạy học các môn đều nằm trong một hộp, nên hơi vất vả cho giáo viên trong tìm kiếm, phân loại. Khi triển khai chương trình, giáo viên cũng phải thay đổi, thực sự linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức dạy học.

Quỳnh Lâm là xã đặc thù, dân số đông, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, việc vận động xã hội hóa những năm qua không đáng kể. Nhưng năm nay, phụ huynh lại có sự quan tâm đặc biệt đến khối 1. “Chúng tôi không ép buộc hay đưa ra mức tiền cố định nào, chỉ giới thiệu SGK mới, mã thẻ đăng nhập vào phần mềm khai thác tài liệu trên mạng Internet cho phụ huynh. Sau khi về nhà thấy nguồn tài liệu phong phú, đa dạng nên phụ huynh tự họp, thảo luận và góp tiền mua ti vi cho các con học trên lớp”, thầy Thanh nói.

Trường Tiểu học Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có 6 lớp 1 với 208 học sinh. Với sỹ số bình quân 35 học sinh/lớp, đạt điều kiện chuẩn để tổ chức dạy học theo chương trình mới. Tuy nhiên, do thiếu ti vi hoặc máy chiếu hỗ trợ nên học sinh chưa được tiếp cận kênh hình. Theo cô Phùng Thị Mai, giáo viên lớp 1 –  phương tiện  hỗ trợ chiếm đến hơn 50% thành công của bài giảng.

Trước bất cập trên, nhà trường đã xây dựng kế hoạch xã hội hóa để mua sắm ti vi cho 27 phòng học. Cô Nguyễn Thị Thu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Xuân cho biết: Nhà trường trích nguồn chi thường xuyên để mua sắm trang thiết bị dạy học, nhưng kinh phí hạn hẹp nên chỉ trang bị được một số đồ dùng cần thiết, sử dụng chung theo khối lớp. Trường cũng ưu tiên mua 6 bảng trượt thông minh cho học sinh lớp 1. Phần còn lại kinh phí lớn chúng tôi sẽ huy động xã hội hóa. Tuy nhiên, hiện tại vẫn phải chờ vì đây là nguồn tự nguyện từ phía phụ huynh và các tổ chức xã hội khác hỗ trợ.

Chưa trường học nào trang bị đủ ti vi hoặc máy chiếu dạy học theo chương trình đề ra. Về thiết bị đồ dùng dạy học dù kinh phí chỉ khoảng 4 – 5 triệu đồng, song nhiều trường vẫn chưa sắm đủ. Phòng đang rà soát toàn bộ nhu cầu của các nhà trường và đang làm tờ trình để đề xuất huyện hỗ trợ. - bà Võ Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ