Các trường nghề cam kết đầu ra để thu hút sinh viên

Nhiều trường đào tạo nghề cam kết sinh viên sẽ có việc làm sau khi ra trường, mở rộng liên kết với các đơn vị tuyển dụng, đưa sinh viên đến thực tập, tạo điều kiện cho sinh viên đi làm bán thời gian… để thu hút sinh viên đăng ký học.

Các trường nghề vẫn đang loay hoay với công tác tuyển sinh. Ảnh minh họa
Các trường nghề vẫn đang loay hoay với công tác tuyển sinh. Ảnh minh họa
Trong khi nhiều trường đại học, cao đẳng đang chạy đua tuyển sinh, mở rộng cả ngành học lẫn số lượng, khiến đại học như đang được “phổ cập, đại chúng” thì với các trường nghề, mùa tuyển sinh năm nào cũng phải đau đầu vì thiếu chỉ tiêu. Đây là câu chuyện diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Mãi không đủ chỉ tiêu

Tại thời điểm này, theo ghi nhận tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP. Hà Nội, lãnh đạo các trường vẫn như ngồi trên lửa do đợi mãi chưa thấy thí sinh.

Dù đã quảng cáo ngay trong các kỳ tư vấn tuyển sinh, thậm chí có trường đã tranh thủ phát tờ rơi giới thiệu khi thí sinh đi thi đại học, nhưng lượng học viên chỉ đạt 10-30% so với chỉ tiêu. Nhiều trường phải mở các khóa đào tạo ngắn hạn để hoạt động cầm chừng.

Theo ThS. Lê Hồng Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, đến nay, số lượng hồ sơ nộp về trường mới chỉ bằng 50% chỉ tiêu tuyển sinh. “Đến nay trường mới chỉ tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu. Học sinh vẫn có tâm lý ưu tiên, thích học đại học hơn học nghề. Với quy chế tuyển sinh như năm nay, tỉ lệ ảo là rất lớn, không giới hạn các nguyện vọng, thí sinh khó lòng trượt đại học, do đó việc tuyển sinh đã khó khăn, nay còn khó khăn hơn”, ông Khanh lo ngại.

Ông Khanh cũng cho biết, với mức hồ sơ như hiện nay, trường chỉ mong phấn đấu tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu như năm 2016. Tuy nhiên, năm nay cũng có những dấu hiệu đáng mừng như một số thí sinh đạt 27 điểm cũng đã xác nhận nhập học tại trường.

Còn theo ông Lê Hồng Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật và Nghiệp vụ, năm 2017, trường có tất cả 800 chỉ tiêu, trong đó có 400 chỉ tiêu trung cấp, 150 chỉ tiêu cao đẳng, số còn lại là sơ cấp ngắn hạn 6 tháng. Hiện trường mới chỉ tuyển được khoảng hơn 50%.

“Công tác tuyển sinh những năm gần đây đều rất khó khăn. Không phải đến bây giờ, mà các trường đã triển khai công tác tuyển sinh từ đầu năm, về trực tiếp địa phương làm công tác tuyển sinh tại các trường phổ thông. Trường đã đi hầu hết các tỉnh phía bắc. Một số tỉnh quá xa, nếu có học viên, trường vẫn thuê địa điểm để đào tạo. Đầu tư cho công tác tuyển sinh vô cùng tốn kém, như năm nay chi phí cho việc tuyển sinh lên đến hơn 700 triệu nhưng kết quả vẫn không như mong đợi”, ông Ngọc cho hay.

Qua việc khảo sát, thực tế tại nhiều địa phương, ông Lê Hồng Ngọc cho rằng các trường nghề hiện nay còn đang phải cạnh tranh với chính các công ty trong các khu công nghiệp. Thực tế sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, do đó thay vì học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT, tại nhiều tỉnh có khu công nghiệp phát triển như Hải Dương, Bắc Ninh… học sinh có xu hướng vào thẳng các công ty lao động kiếm tiền. Tuy nhiên thầy Ngọc cũng lo ngại rằng, phần lớn những công nhân này không làm quá 10 năm trong các công ty, do các nhà tuyển dụng có xu hướng tuyển nhân lực trẻ, sau đó số lao động này sẽ đi đâu về đâu?

Tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã có hàng nghìn thí sinh nhập học đợt đầu, tuy nhiên, theo thầy Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc, bên cạnh những ngành “hot” tuyển không hết thí sinh thì trong xu thế chung, các ngành như Kế toán, Quản trị kinh doanh vẫn trong tình trạng khó tuyển sinh.

Cam kết việc làm sau khi ra trường

Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề Hùng Vương cho rằng: Lâu nay, học nghề vẫn được xem là sự lựa chọn cuối cùng của học viên. Tâm lý sính bằng cấp của xã hội, coi trọng bằng đại học hơn học nghề cũng là một thực tế dẫn đến công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp khó khăn.

Còn theo thầy Đồng Văn Ngọc, thực tế những nhân lực về kỹ thuật và công nghệ cao đang rất thiếu hụt. Song việc tuyển sinh những ngành nghề này không hề dễ, nhiều học sinh vẫn nghĩ rằng học cơ khí đồng nghĩa với những công việc nặng nhọc, vất vả, mà không biết, ngành này đang bước vào tự động hóa.

“Đầu ra những ngành kỹ thuật vô cùng rộng mở, với ngành cơ khí của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, trường cam kết giới thiệu việc làm cho sinh viên với mức lương tối thiểu là 7 triệu sau khi ra trường”, thầy Ngọc cho biết.

Ngoài ra, tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, những ngành đào tạo chất lượng cao như Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Hàn, Công nghệ cơ khí, sinh viên đều được ký cam kết có việc chậm nhất trong vòng 6 tháng sau khi ra trường. Ngay trong quá trình đào tạo, nhà trường đã liên kết với các đơn vị tuyển dụng, đưa sinh viên đến thực tập, làm quen với môi trường, văn hóa doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Thầy Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, lợi thế của các trường nghề là đào tạo ra những nhân lực có thể đáp ứng ngay yêu cầu của các doanh nghiệp. Thị trường lao động có nhu cầu tuyển lượng lớn lao động lành nghề, nhưng nhiều học sinh học hết chương trình phổ thông vẫn còn dửng dưng với việc học nghề. Đây là nghịch lý vốn tồn tại từ nhiều năm nay.

Tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, đến học kỳ thứ 2, nhiều sinh viên đã đi làm bán thời gian. Đến khi ra trường, doanh nghiệp đến đặt hàng nhà trường cũng không còn nhân lực để đáp ứng. Để phục vụ nhu cầu nhân lực hiện nay, trường đang đổi mới các chương trình theo hướng tăng tính thực hành, ngoại ngữ, tin học với sinh viên, bảo đảm đúng theo tiêu chí đào tạo nghề của Bộ LĐTB&XH

Theo báo Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Thực phẩm chống đột quỵ giả được bày bán trong cửa hàng nằm bên trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.

Ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Công an TP Thanh Hóa vừa phát hiện bắt giữ nhiều sản phẩm là thuốc chống đột quỵ giả bày bán trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.