Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện mục tiêu kép

GD&TĐ - Sáng 4/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai.

Giáo dục chuyển biến tích cực

Tại buổi làm việc, ông Lê Duy Định, giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai đã báo cáo về thuận lợi và khó khăn của tỉnh trong năm học 2019-2020 và thực hiện chương trình GDPT năm 2018.

Kết thúc năm học 2019-2020 ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo trong độ tuổi đến lớp đạt 89%; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,9%; cấp THCS đạt 91,5% và cấp THPT đạt 52%.

Ngoài ra, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50,13%, vượt 0,13% so với chỉ tiêu. Đồng thời, số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia và chất lượng giải tăng nhiều. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh cũng tăng bền vững. Đặc biệt, toàn ngành có 22.880 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Trong đó cán bộ, giáo viên đạt chuẩn tỷ lệ cao.

Cũng tại buổi làm việc, Giám đốc Sở báo cáo với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc thực hiện chương trình GDPT năm 2018. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh cơ sở vật chất để thực hiện chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, quy hoạch, phát triển đội ngũ giáo viên, đủ về số lượng và chất lượng. Đồng thời cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về chương trình GDPT năm 2018.

Được sự quan tâm của cơ quan ban ngành tỉnh Gia Lai, chất lượng của cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên tiếp cận với các phương pháp dạy học mới, phù hợp với chương trình mới. Trong những năm học tới ngành giáo dục chú trọng đảm bảo năng lực, phẩm chất của người học. Các môn học có sự thay đổi phù hợp để học sinh tiếp thu dễ dàng. Đặc biệt chú trọng thực hành phát huy tính chủ động và năng lực của học sinh trong học tập cũng như đời sống.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận sự nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh Gia Lai.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận sự nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh Gia Lai.

Bên cạnh những thuận lợi, Giám đốc Sở GD Gia Lai báo cáo với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về những khó khăn tại địa phương. Theo đó, hệ thống trường lớp còn nhiều điểm lẻ. Nhiều trường tiểu học đã xây dựng lâu năm dẫn đến hư hỏng, thiếu phòng học. Bên cạnh đó, biên chế trong ngành giáo dục tỉnh Gia Lai còn thiếu nhiều. Thiếu cán bộ, giáo viên nên các trường phải dồn, ghép lớp, ảnh hưởng đến quá trình dạy và học đặc biệt đối với chương trình GDPT mới.

Do thiếu giáo viên nên các trường phải dồn lớp, sĩ số tăng 35 học sinh trên lớp đối với cấp Tiểu học. Còn cấp THCS và THPT trên 40 học sinh/lớp. Dự kiến trong năm học 2021-2022, trong quá trình thực hiện chương trình GDPT mới và SGK mới sẽ thiếu 2.817 cán bộ, giáo viên.

Trong năm học 2020-2021, khi chương trình GDPT mới áp dụng với lớp 2 và lớp 6, thì ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên, tuy nhiên chỉ tạm đủ phòng học. Nhưng ngành giáo dục tỉnh Gia Lai lo lắng trong những năm sau, nếu không được bổ sung thì sẽ thiếu phòng học, giáo viên. Do đó, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm, bổ sung giáo viên. Bên cạnh đó, phân bổ kinh phí để kiên cố hoá trường lớp học, đặc biệt đối với vùng đồng bào DTTS.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục Gia Lai trong những năm qua. Mặc dù Gia Lai gặp nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiếu số nhiều… nhưng đã đạt được những kết quả tích cực. Theo Bộ trưởng, bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền, cán bộ, giáo viên tỉnh Gia Lai cũng đã có nhiều nỗ lực.

Đối với nội dung giáo dục địa phương, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Gia Lai quan tâm, rà soát, kiểm tra kĩ lưỡng. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tài liệu giáo dục địa phương là điểm nhấn, thể hiện tính đa dạng. Tuy nhiên, đây không phải là tài liệu tham khảo, bổ trợ mà là tài liệu chính thức nên nội dung, minh chứng và sự kiện đưa vào phải chính xác, kiểm tra chặt chẽ. Nếu không được lựa chọn một cách chuẩn chỉ sẽ gây ra tranh luận. Chính vì vậy, nếu địa phương có vấn đề gì khó khăn thì báo cáo lên Bộ GD&ĐT.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Gia Lai quan tâm thêm về các vấn đề giáo dục, khi có vướng mắc trao đổi kịp thời với Bộ để có hướng giải quyết kịp thời.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ trưởng đề nghị ngành giáo dục tỉnh Gia Lai không chủ quan, lơ là đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, các địa phương, nhà trường phải có hướng dẫn cụ thể để phòng, chống dịch bệnh. Trong năm học 2020-2021 ngành giáo dục vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo kiến thức cho các em học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ