Bộ GD&ĐT hoàn thành 100% nhiệm vụ Chính phủ giao

GD&TĐ - Thông cáo báo chí của Bộ GD&ĐT về tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã chú trọng hoàn thiện thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khắc phục các bất cập về GDĐT. Kết quả triển khai Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày càng tốt hơn.

Bộ GD&ĐT hoàn thành 100% nhiệm vụ Chính phủ giao
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác - dẫn đầu kiểm tra tại Bộ GD&ĐT...
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác - dẫn đầu kiểm tra tại Bộ GD&ĐT...

Chú trọng hoàn thiện thể chế

Năm 2015 đạt 72,7%; năm 2016 đạt 81%; năm 2017 đạt 100%. Năm 2017 Bộ GDĐT hoàn thành 100% Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GDĐT cũng đã trình ban hành 100% các văn bản quy định chi tiết thi hành luật được Quốc hội và Chính phủ giao. Ngoài ra, Bộ đang soạn thảo 02 dự án Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học), được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Năm 2018, Bộ GDĐT đã tập trung triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và không có nhiệm vụ quá hạn chưa thực hiện. Tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/3/2018, Bộ GDĐT nhận được 684 nhiệm vụ. Kết quả: Đã hoàn thành 525 nhiệm vụ (trong đó có 51 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn); đang triển khai (trong hạn) 156 nhiệm vụ.

Chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học được nâng lên

Năm 2017, nước ta chính thức hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được nâng lên. Bộ GDĐT đã tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn để các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học;

Đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm lớp; hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; rà soát giảm các cuộc thi, hội thi để giảm áp lực đối với giáo viên, học sinh;

Giao quyền chủ động và hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương và nhà trường.

Quốc gia tiên phong đổi mới giáo dục và đào tạo

Kỳ thi THPT quốc gia các năm 2016, 2017 đã được Bộ GDĐT, các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và được xã hội đồng thuận, đánh giá cao.

Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Châu Á Vật lí, Tin học và Olympic quốc tế môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học năm 2017 đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với 31 huy chương (14 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 04 Huy chương Đồng) và 3 Bằng khen.

Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học đạt kết quả cao, xếp thứ 3 toàn đoàn sau Hoa Kỳ và Ấn Độ; tham dự thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) dành cho học sinh trung học đạt kết quả cao, xếp thứ 3 toàn đoàn sau Hoa Kỳ và Ấn Độ về số lượng dự án được giải.

Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 15 tháng 3 năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã ra Thông cáo báo chí, theo đó khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam (hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục). Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.

Nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học

Bộ GDĐT đã ban hành các quy định về mở ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, liên kết đào tạo, đào tạo liên thông; quy chế đào tạo vừa học, vừa làm; quy chế đào tạo từ xa; quy chế đào tạo tiến sĩ; quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, nghiên cứu xây dựng mô hình trường đại học phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng, trình ban hành cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia đảm bảo tính khoa học và tương thích với hệ thống giáo dục các nước trong khu vực.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học được chú trọng. Tính đến ngày 20/3/2018, đã có 248 cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng, trung cấp sư phạm hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 109 trường đại học và 02 trường cao đẳng sư phạm được đánh giá ngoài; 60 trường đại học và 01 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 105 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi các tổ chức kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế;

4 trường đại học đã được được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp công nhận đạt chuẩn kiểm định trường đại học; 02 trường được đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN-QA; 05 trường có tên trong danh sách những trường tốp đầu của Châu Á, 03 trường được gắn 3 sao bởi QS-Stars.

Dự kiến cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh

Năm 2017, trong tổng số 241 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực GD&ĐT, Bộ GDĐT đã chủ động cắt giảm 29 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Như vậy, tổng số ĐKKD trong lĩnh vực giáo dục còn lại là 212 ĐKKD.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ GDĐT tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát và đề xuất phương án cắt giảm hoặc đơn giản hóa ĐKKD.

Năm 2018, Bộ GDĐT dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện, chiếm 42,9% (cắt giảm 75 điều kiện; đơn giản hóa 16 điều kiện).

Như vậy, cùng với kết quả năm 2017, số ĐKKD mà Bộ GDĐT đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa là 120/241 điều kiện hiện hành, chiếm 49,8%.

Tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả

Kết quả CCHC theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã giảm từ 23 đơn vị hành chính (vụ, cục và tương đương) xuống còn 21 đơn vị hành chính (giảm 02 đơn vị và 08 vị trí lãnh đạo cấp vụ);

Sắp xếp lại từ 25 phòng thuộc vụ, Thanh tra, Văn phòng xuống còn 10 phòng, giảm 15 phòng (là một trong hai Bộ duy nhất không còn phòng trong vụ, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ về tinh giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy công vụ);

Các phòng trong các cục giảm từ 24 phòng xuống còn 17 phòng, giảm 7 phòng; Giảm 63 vị trí lãnh đạo cấp phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ