Bảo tồn âm nhạc truyền thống trong sân trường

GD&TĐ - Chương trình “Giới thiệu âm nhạc mang âm hưởng dân ca” (GTANMAHDC) diễn ra trong tháng 10-2017 tại các trường học ở TPHCM một lần nữa đánh thức tình yêu đối với âm nhạc truyền thống nơi các em HS trong hành trình hướng về cội nguồn văn hóa Việt. 

Bảo tồn âm nhạc truyền thống trong sân trường

Đánh thức tình yêu âm nhạc truyền thống

Gần đây các tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng dân ca đã trở thành người bạn gần gũi và quen thuộc đối với HS thông qua cầu nối là các chương trình GTANMAHDC do nhiều trường tích cực phối hợp với Trung tâm văn hóa các quận huyện, các đoàn nghệ thuật trên địa bàn TPHCM tổ chức.

Một tuần trước khi diễn ra chương trình GTANMAHDC, sự nô nức, hào hứng đã lộ rõ trên từng khuôn mặt của thầy trò Trường THPT Ngô Gia Tự, quận 8 trong khi tham gia các khâu chuẩn bị. Không chỉ các thành viên được tham gia giao lưu, biểu diễn cùng dàn nghệ sĩ mà cả những người trong vai trò “tầm sư học đạo” cũng nôn nóng chờ đợi không kém.

Nỗi khát khao thật sự thỏa mãn khi tấm panô lớn được dựng lên với dòng chữ: “Chương trình giới thiệu âm nhạc mang âm hưởng dân ca tại Trường THPT Ngô Gia Tự” đậm nét trên sân khấu dã chiến trong sân trường.

Vốn là người mê nhạc trẻ, nhưng Thúy Nga – một HS lớp 11 không vì thế mà quên đi các chương trình âm nhạc mang bản sắc dân tộc. Đây là dịp em được đến gần hơn các nhạc phẩm vốn đã được các thính giả thuộc thế hệ ông bà cha mẹ đi trước ngưỡng vọng.

Niềm thích thú trong “tiết học” âm nhạc hoành tráng được tổ chức ngoài trời là không chỉ được nghe mà còn được nhìn thấy và giao lưu với các giọng ca quen thuộc mà mình từng mến mộ như nghệ sĩ (NS) Bích Phượng (Bông bí vàng), NS Đông Đào (Con Tư Bến Tre), NS Hạnh Nguyên (Hồn quê), NS Bích Thủy (Em đi trên cỏ non), NS Hạ Châu (Còn thương rau đắng sau hè), Diễn viên Huỳnh Quý (Cho bạn cho tôi)...

Đã thực hiện nhiều chương trình quảng bá âm nhạc dân tộc và đờn ca tài tử cho học sinh nên Trường THPT Ngô Gia Tự hiểu rất rõ sức mạnh của những âm thanh mang lời ru của mẹ và hồn cốt của cha ông trong việc bồi dưỡng tâm hồn cho HS.

Cuối chương trình là các tiết mục giao lưu và biểu diễn của “đội chủ nhà” thể hiện niềm chia sẻ và sự đồng cảm với âm nhạc dân tộc.

Tuy có những giọng ca thô mộc, chưa được rèn giũa nhưng các sản phẩm âm nhạc “cây nhà lá vườn” của thầy và trò đã đưa không khí “tiết học theo chủ đề” lên cao trào.

Từ vị thế bị động, người học đã trở thành trung tâm của buổi diễn qua sự tương tác ngẫu hứng trong môi trường âm nhạc mang đầy hơi thở của cuộc đời và niềm tự hào dân tộc.

Niềm vui đó cũng lan tỏa sang thầy cô ngồi dự phía dưới khi thấy các “sản phẩm” của mình đã trưởng thành ngay trong “lò” rèn luyện. Những tiết học khô khan đã nhường chỗ cho những khoảnh khắc thăng hoa của các “nghệ sĩ học đường” mà chỉ có âm nhạc mới chắp cánh được.

Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp

Vốn là người mặn mà với âm nhạc dân tộc, thầy Trương Quang Dũng – Hiệu trưởng nhà trường thật sự trân trọng các NS đã vì thế hệ trẻ đến biểu diễn thường xuyên trên những sân khấu không có màn nhung.

“Trường THPT Ngô Gia Tự rất quan tâm đến giáo dục toàn diện cho học sinh. Thông qua các chương trình ngoại khóa, giáo dục ngoài lớp học, nhà trường đã tạo cơ hội, điều kiện để học sinh được tham gia, tiếp cận với những hoạt động văn hóa, giúp học sinh định hình nhận thức thái độ quan điểm đúng đắn về văn hóa. Văn hóa văn nghệ là một mảng của hoạt động giáo dục trong nhà trường”, thầy nói.

Theo thầy Trương Quang Dũng, qua buổi giao lưu, các em học sinh đã có một cách nhìn trực quan, sinh động, góp phần thay đổi một cách sâu sắc nhận thức của các em về văn hóa văn nghệ dân tộc. Các em đã có những thu hoạch từ các sự kiện đó.

“Sự biểu diễn lôi cuốn, hấp dẫn, giao lưu nhiệt tình của các nghệ sĩ đã làm các em rất cảm động và nhận thức sâu sắc về cái hay cái đẹp của nền văn hóa dân tộc. Đó không chỉ là những bài dân ca cổ truyền mà còn là sự phát triển tinh tế, kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa cổ truyền và hiện đại. Thái độ làm việc nghệ thuật nghiêm túc, trách nhiệm của các anh chị diễn viên đã làm các em học sinh nể phục”, thầy nói.

Trước làn sóng văn hóa đa dân tộc, trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện thông tin và truyền thông, việc giáo dục văn hóa nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay đang ngày càng trở nên khó khăn.

Đó là điều lo ngại không chỉ riêng của ngành giáo dục. Hy vọng rằng thời gian tới chương trình GTANMAHDC sẽ không còn là “người khách lữ hành đơn độc” mà còn có sự đồng hành của các cấp chính quyền mà cụ thể nhất là ngành văn hóa.

Có như vậy dòng chảy các ca khúc mang âm hưởng dân ca nói chung và đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng mới dồi dào thêm sức sống để không bị khỏa lấp, cạn nguồn thanh âm trong thời kỳ hội nhập hiện đại.

“Nâng cao chất lượng của những chương trình GTANMAHDC, đưa những chương trình hay, chất lượng lên các kênh thông tin đại chúng”, đó là mong muốn của nghệ sĩ Bích Thủy – Tổng giám đốc Tập đoàn An Nông - con gái của NSƯT, diễn viên, nhạc sĩ Bắc Sơn, người có sáng kiến đưa chương trình có ý nghĩa này vào các trường học.

Không chỉ truyền lửa cho thế hệ đàn em, qua hành trình “xuyên trường học” này, nghệ sĩ Bích Thủy muốn có một cơ hội tri ân người cha yêu quý của mình qua những ca khúc nổi tiếng mà ông đã sáng tác đóng góp vào kho tàng âm nhạc mang bản sắc dân tộc.

Theo thầy Dũng, để có một sự kiện giáo dục đạt hiệu quả cao thì cần sự phối hợp đồng bộ với nhiều yếu tố từ phía nhà trường, phía đơn vị tổ chức và đơn vị làm cầu nối giữa nhà trường, lực lượng diễn viên, nhà tài trợ, vv…

“Khi mục tiêu cùng hội tụ, đơn vị cầu nối làm nhiệm vụ kết nối các lực lượng với nhau, nhà trường sắp xếp lịch hoạt động, lực lượng phối hợp, thảo luận nội dung chương trình, nhà tài trợ hỗ trợ tài chính, nhà tổ chức điều phối các lực lượng” – thầy Dũng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ