Vị thế nào cho nghệ thuật truyền thống

GD&TĐ - Vắng người nghe, thiếu người hiểu, đứng trước nguy cơ thất truyền mai một, âm nhạc hiện đại lấn át, khán giả trẻ quay lưng… đó là thực tế của âm nhạc truyền thống trong nhiều năm qua. 

Vị thế nào cho nghệ thuật truyền thống

Chính vì vậy bài toán bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc truyền thống trong cuộc sống đương đại đã được nhiều nhà khoa học, hội thảo đề cập tới. Tuy nhiên hiệu quả tới đâu, vị thế của âm nhạc truyền thống tồn tại trong công chúng tới đâu? vẫn là câu trả lời còn bỏ ngỏ.

Thách thức từ thực tế

Trước hết phải đặt vấn đề giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống trong bối cảnh giao lưu và hội nhập. Có thể dễ dàng nhận thấy, không hề đơn giản nhất là khi thị hiếu thưởng thức cũng như cách thể hiện nghệ thuật đã có nhiều thay đổi. Mặt khác, âm nhạc nước ngoài, nhạc trẻ, nhạc hiện đại đang lấn át âm nhạc truyền thống tạo nên sự mất cân đối trầm trọng. Giới trẻ ngày nay ít quan tâm âm nhạc truyền thống.

Giới trẻ có thể thuộc lòng bài hát của những ca sĩ nước ngoài đang hot như Hàn Quốc, Mỹ, Anh… nhưng nói đến nhạc truyền thống thì gần như trắng về kiến thức cũng như không có sở thích thói quen nghe nhạc.

Không những thế, nhiều loại hình âm nhạc truyền thống còn khá xa lạ với quần chúng do ít được xuất hiện, ít được nhắc đến, ít được quan tâm quảng bá và hướng dẫn. Công chúng không thể hiểu và hình thành tư duy âm nhạc truyền thống khi không được tiếp xúc thường xuyên hoặc chưa từng được tìm hiểu thông qua các kênh giáo dục, truyền thụ…

Điển hình như các loại hình âm nhạc đặc sắc như nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, hát xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng hiện vẫn sống lay lắt vì ít người xem.

Việc truyền dạy âm nhạc truyền thống giờ đây cũng không hề dễ dàng nếu không nói gặp nhiều khó khăn bế tắc từ cả hai phía người dạy và người học.

Ở nhiều địa phương, những làn điệu dân ca đã được tạo dựng và gìn giữ từ bao thế hệ cha ông giờ chỉ còn được kế thừa từ những nghệ nhân lớn tuổi. Mặc dù nhiều người, trong đó có thế hệ trẻ, vẫn có thái độ trân trọng di sản âm nhạc dân gian truyền thống của quê hương nhưng không có khả năng diễn xướng những giai điệu đó một cách chính xác và đúng phong cách. Mặt khác, các hình thức sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc dân tộc thường gắn với không gian, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên tương xứng.

Vì vậy, người nghe không có điều kiện để thuộc, cảm thụ hết vẻ đẹp âm nhạc truyền thống. Các từ ngữ ca từ cổ không phải ai cũng hiểu hết ngữ nghĩa, có trường hợp để đơn giản và dễ hiểu đã chuyển sang từ ngữ đương đại khiến biến dạng lời ca cổ.

Đào tạo và phát triển âm nhạc truyền thống, thời gian qua, mặc dù đã đạt được một số kết quả như: mô hình đào tạo được mở rộng và đa dạng hóa; đào tạo được đội ngũ âm nhạc truyền thống tạm đủ về số lượng; chỉnh lý, đặt lời mới, truyền bá nội dung tư tưởng mới để âm nhạc dân gian tiếp tục đi vào cuộc sống... tuy nhiên theo nhận định chung của các nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống thì những kết quả này vẫn chỉ chưa giúp vực dậy mạnh mẽ và làm âm nhạc truyền thống phát triển.

Đất diễn cho âm nhạc truyền thống giờ đây cũng nằm trong tình trạng thiếu và quá chật hẹp. Các game show, chương trình âm nhạc trên sóng truyền hình chủ yếu ở lĩnh vực nhạc nhẹ, nhảy đương đại, nhạc quốc tế hoặc các môn nghệ thuật khác như mỹ thuật, khiêu vũ…

Còn các cuộc thi dành riêng cho âm nhạc truyền thống được xây dựng với các chương trình và thời gian hạn chế. Các chương trình phần lớn không mang tính tìm hiểu sâu hoặc chỉ mang tính khích lệ, động viên. Không chỉ ít về chương trình, thời lượng phát sóng về âm nhạc truyền thống mà một số loại hình âm nhạc truyền thống còn hầu như vắng bóng.

Bên cạnh đó, các cuộc liên hoan, festival về âm nhạc truyền thống được tổ chức nhưng mang tính sự kiện, giao lưu và chất lượng cũng không cao. Âm nhạc truyền thống thường được đặt trong các cuộc giới thiệu với khách quốc tế, cuộc giao lưu văn hóa có nhiều nước tham gia. Còn các chương trình nghệ thuật truyền thống dành riêng cho người Việt Nam, cho thế hệ trẻ còn hạn chế.

Bảo tồn – Không thể hững hờ

Một trong những cách bảo tồn âm nhạc truyền thống được đánh giá phù hợp với thực tế đó là đưa vào truyền dạy chuyển giao các tiết mục âm nhạc truyền thống có chọn lọc tới các đơn vị, doanh nghiệp du lịch.

Cách làm này của Viện Âm nhạc trong thời gian qua không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc dân tộc, kịp thời đẩy lùi nguy cơ mai một, thất truyền mà hơn thế cũng góp phần làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch. Từ đây các di sản âm nhạc dân tộc có điều kiện lan tỏa rộng rãi về không gian, thời gian và đối tượng. Di sản âm nhạc dân tộc có điều kiện bám rễ mạnh mẽ vào đời sống cộng đồng, xã hội một cách bền vững.

Tuy vậy, quá trình triển khai vẫn cho thấy nhiều khó khăn bởi không phải đơn vị du lịch nào cũng đủ điều kiện về nhân lực, thời gian, kinh phí và cơ sở vật chất để tiếp nhận được việc truyền dạy và biết cách đưa di sản âm nhạc dân tộc đến khách du lịch.

Nhiều di sản âm nhạc truyền thống có giá trị muốn đưa tới các địa phương nhưng đòi hỏi cả đơn vị truyền dạy là Viện âm nhạc cũng như các địa phương phải có kinh phí thực hiện.

Mặt khác, nhiều ý kiến từ những nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, trong công tác đào tạo cần có sự điều chỉnh, đẩy mạnh phổ cập và nâng cao chất lượng đào tạo âm nhạc truyền thống trong giới trẻ.

Để giới trẻ yêu âm nhạc truyền thống thì phải giúp họ có cơ hội biết, tìm hiểu và nghe. Phải hướng dẫn giáo dục thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc, đồng thời đào tạo thế hệ trẻ biết yêu, biết hát dân ca. Nếu âm nhạc dân tộc chưa đến được với các bạn trẻ, thanh thiếu niên thì coi như thiếu một phần sức sống và hoạt động bảo tồn coi như thất bại.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc cần hoạch định đúng với từng thể loại cụ thể, với những chương trình hành động cụ thể, lộ trình thích hợp chứ không chỉ có bảo tồn bằng hình thức ghi chép, thu âm, quay hình rồi xếp xó tư liệu.

Ngoài ra, cũng cần phải có những hành động cần thiết nhằm bảo vệ âm nhạc truyền thống, ngăn chặn sự xâm lăng của các loại âm nhạc lai căng; xây dựng một môi trường trong lành để tìm lại chỗ đứng cho âm nhạc truyền thống...

Trong khi âm nhạc truyền thống chiếm vị trí khá khiêm tốn trong sinh hoạt, đời sống văn hóa xã hội so với các thể loại âm nhạc hiện đại thì vấn đề bảo tồn, phát triển còn hạn chế. Đào tạo công chúng, khán giả còn khiêm tốn; Nhiều cơ sở đào tạo chưa thật sự đủ điều kiện để triển khai các môn học, cung cấp đủ kiến thức cần thiết về âm nhạc truyền thống cho người học; sự lấn át của âm nhạc đương đại và thế giới khiến âm nhạc truyền thống càng trở nên mất chỗ đứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ