4.0 thay đổi hệ sinh thái giáo dục

GD&TĐ - Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giáo dục, mà nhất là giáo dục đại học, đang đứng trước những thách thức rất lớn đòi hỏi phải thay đổi cả nội dung lẫn phương thức đào tạo. 

4.0 thay đổi hệ sinh thái giáo dục

“Giáo dục 4.0 được hiểu là một hệ sinh thái mà ở đó mọi người có thể cùng dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa” - chuyên gia Jonhson Ong Chee Bin của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của mạng lưới các trường đại học ở khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) chia sẻ.

Phương thức giáo dục truyền thống bị thách thức

TS Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam cho rằng, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường ĐH phải đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới.

“Các tập đoàn công nghệ, ngoài tiềm lực công nghệ, con người còn mạnh về tài chính. Họ lại ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống, vì thế họ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có. Điều này làm giảm đáng kể ranh giới và khoảng cách về tri thức và khả năng sáng tạo giữa khu vực đại học và công nghiệp” – TS Phan Quang Trung phân tích.

Với tốc độ thay đổi công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra quá nhanh, “các trường ĐH không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần”. Chính vì vậy, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.

Ở một góc độ khác, TS Phạm Ly – ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với giáo dục ĐH Việt Nam là rất lớn. “Những mô hình đại học truyền thống đang bị thách thức. Cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi bản chất của trường ĐH truyền thống, tạo điều kiện cho đại chúng hóa giáo dục đại học phát triển”.

ĐH FPT Đà Nẵng và FPT Đà Nẵng vừa triển khai mô hình mới trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT). Theo mô hình này, SV sẽ tham gia học 4 học kỳ theo một chương trình được thiết kế đào tạo đặc thù xuất phát từ những yêu cầu thực tế của công nghiệp phần mềm.

Sau 4 học kỳ, SV có thể lựa chọn vừa đi làm vừa đi học theo chương trình học trực tuyến hoặc tiếp tục học tiếp ĐH để lấy bằng kỹ sư công nghệ thông tin. Mô hình mới này nhằm tạo điều kiện cho đông đảo các bạn SV có cơ hội tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Đây cũng là khuyến nghị của PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh: “Nếu như kỷ nguyên số hỗ trợ người học trực tuyến, hoặc các hệ thống MOOC, thì người học sẽ có thời gian với doanh nghiệp”. PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng: “Các trường ĐH cần lưu ý đến thời gian đào tạo.

Xã hội luôn biến động, vì vậy chúng ta không nên giữ người học quá lâu để đào tạo, phải kịp thời trả người học về với thị trường lao động càng sớm càng tốt. Như vậy, phải rút ngắn thời gian đào tạo, đồng nghĩa với thay đổi hàng loạt các phương pháp giảng dạy, thay đổi tư duy, cách học của người học”.

Đại học không tường

Học online, học trực tuyến sẽ là một xu hướng mới thách thức các mô hình đào tạo truyền thống như hiện nay. Theo như ông Quách Xuân Ngọc – Trưởng ban Phát triển chương trình ĐH trực tuyến Funix (ĐH FPT) thì hình thức đại học trực tuyến là một cách tiếp cận mới, lợi dụng tối đa những lợi thế mà Internet mang lại để tạo nên một trường đại học chất lượng như các nước phát triển mà giá thành phù hợp với các nước đang phát triển.

Và đó là trường đại học “không chỉ dành cho những người có thể suốt ngày đi học mà cả những người chỉ có thể chắt chiu thời gian để đầu tư cho tương lai”.

Một số trường ĐH ở Việt Nam đã bước đầu tăng cường đầu tư và triển khai E-learning, như trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đầu tư hệ thống quản lý học trực tuyến bao gồm phòng multi-media và phần mềm quản lý học tập/giảng dạy trực tuyến và đã triển khai giảng dạy cho SV Chương trình tiên tiến.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng có sự đầu tư lớn vào hệ thống máy chủ, hệ thống phần mềm xử lý và mạng thông tin tốc độ cao. Nhà trường cũng vận động USAID và Intel Việt Nam tài trợ cho Trung tâm dạy học số.

Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý và vận hành hệ thống đào tạo giúp tiết kiệm rất nhiều nguồn lực của giảng viên và SV.

Một nhóm SV của trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng và trường Sigapore Polytechnic vừa có 2 tuần tập huấn và thực hiện các kỹ năng tư duy thiết kế CDIO, trải nghiệm cuộc sống thực tế tại một số làng nghề truyền thống của Đà Nẵng.

Thông qua việc tìm hiểu thực tế tại làng rau Túy Loan (H. Hòa Vang) và làng nghề truyền thống mây tre An Khê (Q. Thanh Khê), SV sẽ phỏng vấn người dân các làng nghề về quy trình sản xuất, những khó khăn và nhu cầu cải tiến của người dân.

Từ đó, các bạn sẽ ứng dụng lý thuyết về mô hình học tập “Tư duy thiết kế - Design Thinking” cùng với các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích đánh giá, giải quyết vấn đề… để thảo luận đưa ra những giải pháp, ý tưởng hỗ trợ người dân các làng nghề trong thực tiễn sản xuất.

CDIO (Conceive – Hình thành ý tưởng, Design – Thiết kế, Implement – Thực hiện, Operate – Vận hành) được xem là một cách tiếp cận để nâng cao chất lượng và chuẩn hóa các chương trình đào tạo ngành kỹ thuật và công nghệ.

Với hướng tiếp cận CDIO, ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn, người học còn được trang bị kỹ năng mềm làm việc nhóm, làm việc với cộng đồng, ý thức nghề nghiệp, ý thức xã hội và hơn nữa là tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu và khởi nghiệp.

Theo TS Phan Quang Trung thì dưới “sức ép” của cuộc cách mạng 4.0, các cơ sở đào tạo với những chương trình học cập nhật tiến bộ công nghệ hay hợp tác sâu rộng với giới công nghệ trong đào tạo và nghiên cứu sẽ có ưu thế trong việc thu hút người học.

Có cùng quan điểm như vậy, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, việc các cơ sở giáo dục đại học hợp tác với doanh nghiệp là điều sống còn trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo GS Trần Văn Nam thì hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp đem lại “cơ hội win-win cho cả hai phía trường đại học lẫn doanh nghiệp, chẳng hạn doanh nghiệp giúp nhà trường trong việc thực tập của SV, hướng dẫn SV sớm tiếp cận thực tế, giúp cán bộ giảng viên và SV cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ mới, giúp nhà trường cập nhật điều chỉnh chương trình đào tạo, hỗ trợ học bổng cho sinh viên, hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm… phục vụ đào tạo cho nhà trường, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu.

Ngược lại, nhà trường có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp các ý tưởng khoa học công nghệ của SV hoặc giảng viên, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề thực tiễn mà doanh nghiệp cần, cung cấp cho doanh nghiệp nguồn nhân lực phù hợp, tiết giảm chi phí đào tạo thêm hoặc đào tạo lại cho nhân lực tuyển mới tại doanh nghiệp…”.

Mô hình gắn kết 4Cs Framework giữa Đại học – Chính quyền – Doanh nghiệp của ĐH NUS – Sigapore (ĐH xếp thứ 6 về chỉ số đổi mới giáo dục toàn cầu và nằm trong top 11 đại học hàng đầu châu Á, theo Reuters) mà chuyên gia Jonhson Ong Chee Bin cho rằng có thể tham khảo để triển khai đào tạo 4.0 đáp ứng nhu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo khẳng định của TS Phạm Ly thì cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ sở tạo ra toàn cầu hóa trong giáo dục đại học, và quá trình này vừa tạo ra cơ hội hợp tác nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ