Đổi mới từ cán bộ quản lý

GD&TĐ - Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập, vấn đề định hướng nghề nghiệp và việc làm cho học sinh, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) đang học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) liên cấp THCS và THPT sau khi tốt nghiệp ra trường là rất quan trọng, nhằm tạo điều kiện cho học sinh, thanh niên DTTS lập thân, lập nghiệp phát triển và cống hiến cũng như được hưởng thụ đúng với giá trị lao động, sáng tạo của mình.

 Đổi mới từ cán bộ quản lý

Thực trạng đáng suy nghĩ

PGS.TS Ngô Quang Sơn, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc cho biết, hoạt động giáo dục hướng nghiệp (GDHN) cho HS DTTS ở các trường PTDTNT liên cấp được thực hiện theo chương trình giáo dục hướng nghiệp chung cho HS phổ thông, đồng thời nhấn mạnh thực hiện GDHN đặc thù theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT dành riêng cho khối PTDTNT.

Công tác GDHN cho học sinh ở các trường DTTS có vị trí đặc biệt quan trọng nhằm giúp HS DTTS có được những hiểu biết về thế giới nghề nghiệp, các lĩnh vực sản xuất chủ yếu trong xã hội.

Bước đầu giúp HS DTTS có được những kỹ năng, kỹ thuật tổng hợp để phát triển khả năng vận dụng kiến thức vào việc xử lý các tình huống trong thực tế, biết ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, biết tự đánh giá bản thân để có sự lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp.

Trong cơ chế thị trường, vấn đề hình thành phẩm chất người lao động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là rất cần thiết.

Tuy nhiên, phải đổi mới một cách căn bản nhận thức về định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên cũng như vai trò của công tác hướng nghiệp trong nhà trường và vai trò của hiệu trưởng, cán bộ quản lý ở các trường THPT liên cấp trong công tác này mới có thể đem lại hiệu quả tích cực và rõ nét.

Hiện nay, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên giảng dạy hoạt động hướng nghiệp còn thiếu và còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của bộ môn do chưa có trường đào tạo loại hình giáo viên này.

Chia sẻ về điều này, PGS.TS Ngô Quang Sơn cho biết: “Chúng tôi đã gửi các phiếu hỏi tới GV, phụ huynh học sinh và HS DTTS của các trường THPT DTNT liên cấp. Kết quả cho thấy, đa số GV cho rằng GDHN là nhiệm vụ của các đoàn thể khác với điểm số cao nhất là 3,8 sau đó là GV của trung tâm hướng nghiệp 3,29 điểm, tiếp đó là GV kỹ thuật với 3,08 điểm, sau nữa là của đoàn thanh niên là 3,0 điểm và giáo viên giáo dục công dân là 2,89 điểm, còn giáo viên chủ nhiệm xếp sau với 2,85 điểm”.

Đối với trường PTDTNT liên cấp, việc kết hợp giáo dục với gia đình là một việc khó khăn, bởi địa bàn cư trú của học sinh ở rất xa lại trải rộng trên toàn tỉnh nên việc liên hệ với cha mẹ học sinh chỉ thực hiện được thông qua hình thức gián tiếp như điện thoại, thư từ và số liên lạc, giáo viên chủ nhiệm rất khó có điều kiện để thường xuyên liên lạc với cha mẹ học sinh.

Đặc biệt, công tác hướng nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục nói chung cũng như mục tiêu giáo dục của trường PTDTNT nói riêng là tạo nguồn đào tạo cán bộ DTTS cấp cơ sở có chất lượng cao phục vụ cho sự đổi mới kinh tế, xã hội ở địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Trình độ và năng lực để quản lý và thực hiện GDHN cho học sinh của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên còn hạn chế… Tác động của nền kinh tế thị trường cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chọn nghề, ý chí, lý tưởng phấn đấu của một bộ phận học sinh.

Nâng cao năng lực quản lý GD phân luồng, hướng nghiệp

Để nâng cao năng lực quản lý giáo dục phân luồng, hướng nghiệp cho đội ngũ CBQL ở các trường PTDTNT liên cấp THCS và THPT, PGS.TS Ngô Quang Sơn đưa ra 2 giải pháp. Thứ nhất, tích cực đổi mới chương trình phân luồng, hướng nghiệp cho HS DTTS trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Việc cập nhật chương trình theo hướng tiếp cận xu hướng phát triển nhân lực và kinh tế Việt Nam. Chương trình phân luồng, hướng nghiệp phải mang tính mở, tiếp cận với sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực phục vụ sự phát triển của đất nước.

Điểm yếu của lao động Việt Nam hiện nay, kể cả lao động đã qua đào tạo nghề là kỹ năng, ngoại ngữ, tác phong làm việc công nghiệp.

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm giảm nhu cầu lao động ở các nhóm ngành lao động giản đơn và tạo ra nhiều việc làm ở các ngành nghề đòi hỏi trình độ tư duy, sáng tạo cao như CNTT, hóa học, thiết kế…

Trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi từng giây thì việc giáo dục nghề nghiệp cũng phải đạt được những chuẩn mực chung nhất định. Mô hình GD 4.0 ở trường PTDTNT liên cấp là mô hình giáo dục thông minh, liên kết nhà trường - nhà quản lý - doanh nghiệp với nhau, đưa tiến bộ CNTT vào trường để nâng cao hiệu quả đào tạo.

Giải pháp 2 là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý ở các trường PTDTNT liên cấp THCS và THPT. Đội ngũ cán bộ quản lý ở các trường THPTNT liên cấp làm công tác phân luồng, hướng nghiệp trong nhà trường cần được lựa chọn và đào tạo một cách bài bản, tránh việc kiêm nhiệm như hiện nay, thường xuyên được bồi dưỡng trực tiếp qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng gián tiếp qua các công văn chỉ đạo của các cơ quan GD cấp trên như Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT, qua mạng Internet… cập nhật về thông tin ngành nghề, thông tin về thị trường lao động, về cung - cầu lao động trên thị trường.

Đội ngũ CBQL được đứng lớp dạy về công tác phân luồng, hướng nghiệp trong trường PTDTNT liên cấp cần được đào tạo bài bản để có thể tiến hành các hoạt động hướng nghiệp độc lập, đồng thời cố vấn cho các GV bộ môn có thể liên hệ, lồng ghép, tích hợp các kiến thức về GDHN trong các môn học khác.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 việc hướng nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp, phân luồng học sinh DTTS đang trở thành vấn đề sống còn để phát triển hài hòa mà vẫn đảm bảo cân đối về lao động giữa các trình độ. Cần định hướng cho HS DTTS là việc vào đại học không phải là con đường duy nhất để có thể lập thân, lập nghiệp. Công tác phân luồng, GD hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cần được đặt đúng vị trí, vai trò quan trọng của nó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ