Giáo dục vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ, gỡ khó cách nào?

Giáo dục vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ, gỡ khó cách nào?

Trường học cũ kỹ, xuống cấp

Hai xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (huyện Thành Chương, Nghệ An) là khu tái định cư của bà con từ vùng lòng hồ Bản Vẽ (huyện Tương Dương) chuyển xuống, sau khi nhường đất đai, quê cũ cho nhà máy thủy điện năm 2016.

Giáo dục vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ, gỡ khó cách nào? ảnh 1
Cơ sở vật chất tại nhiều trường học trên địa bàn xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cũ kỹ, xuống cấp

Hiện dù đã gần 15 năm trôi qua, nhưng đời sống bà con vùng tái định cư vẫn còn nhiều vất vả do ruộng đất ít, chưa hiểu thói quen sản xuất. Đời sống kinh tế - xã hội khó khăn cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của khu vực đặc biệt này.

Tại xã Ngọc Lâm, ngoài trường THCS Hương Tiến tập trung về 1 điểm, thì các trường tiểu học, mầm non hiện vẫn còn nhiều điểm lẻ ở các bản Khe Tròn, bản Hiển, bản Muộng, Tạ Xiêng, Nhạn Pá. Các điểm lẻ cách xa trường chính từ 6 – 12km.

Giáo dục vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ, gỡ khó cách nào? ảnh 2
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An trao đổi với cán bộ, giáo viên tại điểm bản Muộng, Trường Tiểu học Hương Tiến, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương

Tại xã Thanh Sơn, Trường Mầm non Kim Lâm có 3 điểm trường ở bản Thanh Dương, Thanh Lâm và Chà Coong, còn Trường Tiểu học Kim Lâm có tới 5 điểm trường gồm điểm chính ở bản Trung tâm, điểm lẻ ở các bản Thái Lâm, Chà Coong 1, 2 và Hòa Sơn.

Về cơ sở vật chất, các trường học thuộc 2 xã trên do Ban Quản lý Thủy điện Bản Vẽ xây dựng và đưa vào sử dụng từ 2006 đến nay đã xuống cấp trầm trọng: mái nhà hư hỏng, nền lớp học sụt lún, tường nứt, bong vữa, cửa lớp nứt vỡ… 

Hàng năm, các nhà trường phải tu sửa, khắc phục để phục vụ dạy học bình thường. Một số công trình, hạng mục không sử dụng được đặc biệt là nhà vệ sinh. Trang thiết bị dạy học thiếu thốn.

Giáo dục vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ, gỡ khó cách nào? ảnh 3
Các cô giáo Trường Mầm non Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương) tự làm đồ chơi cho trẻ

Riêng Trường Tiểu học Kim Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) không đủ phòng học và có tới 8 phòng học tạm. Nhà trường hiện đang cải tạo phòng chờ, phòng nội trú của giáo viên và ngăn một số phòng học mới đủ đáp ứng cho học sinh. Trường không có nhà hiệu bộ, các phòng làm việc chuyên môn và phòng đa chức năng.

Hiện trường Tiểu học Kim Lâm đang được xây dựng 10 phòng học kiên cố tại điểm chính từ nguồn vốn trung hạn của chương trình nông thôn mới nhưng vẫn chưa đảm bảo đủ phòng học.

Bên cạnh đó, các điểm trường mầm non tổ chức bán trú dân nuôi nhưng không có bếp ăn đảm bảo. 

Cần chủ động phát triển trường học vùng tái định cư

Thăm và làm việc với các trường học của 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, học sinh đang gặp phải. Đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các nhà trường trong việc huy động học sinh đến trường đầy đủ, duy trì sỹ số và đảm bảo hiệu quả dạy học.

Giáo dục vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ, gỡ khó cách nào? ảnh 4
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An tặng quà cho học sinh khó khăn vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ

Để nâng cao chất lượng dạy học, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng đề nghị các nhà trường cần chủ động, năng động trong chuyên môn, nghiệp vụ cũng như xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở vật chất để tham mưu các cấp chính quyền.

Trong đó, cần đẩy mạnh việc dồn dịch, sáp nhập các điểm trường lẻ, hạn chế tình trạng nhiều điểm trường manh mún, dẫn đến khó đầu tư tập trung hiệu quả.

Giáo dục vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ, gỡ khó cách nào? ảnh 5
Trao quà cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An

Đối với bậc mầm non, do đặc thù tuổi các cháu còn nhỏ, khó tập trung hết các điểm lẻ về điểm chính, nên các trường cần quan tâm thực hiện bán trú. Hiện HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí để hợp đồng lao động phục vụ việc nấu ăn bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc các xã đặc biệt khó khăn.

Giáo dục vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ, gỡ khó cách nào? ảnh 6
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An trao quà mua máy chiếu cho Trường Mầm non Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương)

Đối với bậc Tiểu học, ông Thái Văn Thành đề nghị các trường lập kế hoạch xây dựng mô hình trường bán trú. Qua đó, giảm điểm lẻ, tiết kiệm chi phí để đầu tư cho trường chính quy mô, bài bản. Góp phần nâng cao chất lượng dạy học cũng như sức khỏe, hiểu biết của học sinh.

Lãnh đạo Sở cũng mong muốn chính quyền địa phương 2 xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn và UBND huyện Thanh Chương quan tâm, hỗ trợ và dành nguồn lực cho giáo dục.

Giáo dục vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ, gỡ khó cách nào? ảnh 7
Một góc bản tái định cư tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An

Lắng nghe và trao đổi với đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cũng cho biết: Hai xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn là xã biên giới, đặc biệt khó khăn, chiếm tới 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống người dân còn vất vả, chưa ổn định. Về phía chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, có các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên cho giáo dục.

Trong chuyến làm việc, Sở GD&ĐT Nghệ An đã trao quà tổng trị giá 120 triệu cho học sinh và các nhà trường 2 xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn (huyện Thanh Chương). Trong đó, tặng 60 suất quà trị giá 60 triệu cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS; tặng 2 máy chiếu cho Trường Mầm non Hương Tiến và Tiểu học Kim Lâm trị giá 60 triệu đồng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ