Tinh gọn mạng lưới trường lớp
Năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT Cà Mau triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề: “Thầy mẫu mực, sáng tạo; Trò chăm ngoan, học giỏi” và phương châm hành động: “Chủ động - Linh hoạt - Trách nhiệm - Hiệu quả”.
Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, trên cơ sở triển khai đồng bộ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học và giai đoạn 2016 - 2020, chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện và hiệu quả công tác của các đơn vị, trường học trong tỉnh tiếp tục được cải thiện và nâng cao, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Các nội dung nhiệm vụ chủ yếu năm học trong giai đoạn 2016 - 2020 được Bộ GD&ĐT triển khai thống nhất, cố định giúp cho địa phương chủ động trong trong xây dựng kế hoạch phương hướng, nhiệm vụ hàng năm nên chất lượng nội dung, nhiệm vụ thực hiện phù hợp với thực tế đạt hiệu quả cao.
Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Theo hướng sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ đóng trên địa bàn gần nhau. Xóa các điểm trường lẻ không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phù hợp với điều kiện địa phương theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Năm học qua đã xoá được thêm 35 điểm trường nhỏ, lẻ không còn phù hợp. Nâng số điểm trường lẻ đã xóa từ năm 2018 đến nay là 234 điểm sau khi có chủ trương sắp xếp trường, lớp và giảm 26 trường học so với năm học 2015 - 2016. Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ được khắc phục cơ bản. Chất lượng quy hoạch và công tác dự báo về phát triển trường, lớp học, đội ngũ được quan tâm và tập trung cải thiện.
Tỉnh hoàn thành việc xây dựng dự thảo Đề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau trình UBND tỉnh phê duyệt. Nhìn chung, quy mô GD&ĐT trong năm học và giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục duy trì và phát triển ổn định theo hướng tích cực hiệu quả hơn, được bố hợp lý và rộng khắp trong toàn tỉnh từ giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục cao đẳng, đại học; bình quân học sinh/lớp toàn tỉnh hiện nay cao hơn trước.
Toàn tỉnh hiện nay, có 521 đơn vị, trường học. Bình quân học sinh/lớp toàn tỉnh hiện nay đối với MN 26,55; TH 28,53; THCS 35,84 và THPT 39,07. So với cuối năm học 2015 - 2016 đối với MN 25,27; TH 23,96; THCS 34,93 và THPT 33,5.
Tập trung đầu tư con người và cơ sở vật chất
Xác định yếu tố nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nên tỉnh Cà Mau quan tâm đầu tư. Đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn ngành tiếp tục được duy trì và phát huy. Qua đó, chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục toàn tỉnh tiếp tục được đảm bảo đáp ứng với yêu cầu đổi mới.
Toàn tỉnh có 100% cán bộ quản lý giáo dục và 99,8% giáo viên mầm non, phổ thông trong biên chế đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên. Trong đó, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên có trình độ trên chuẩn đạt cao. Cụ thể, cấp mầm non 1.746/2.244 người, đạt 77,80%; TH là 5.467/5.780 người, đạt 94,76%; THCS 3.875/3.903 người, đạt 99,28% và THPT 201/1.870 người, đạt 10,74%. Số giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn năm 2019 là 3.554 và năm 2020 là 17.621.
Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng GD&ĐT. Đến cuối tháng 7/2020, tỉnh Cà Mau có tổng số phòng học kiên cố là 4.459/7.212 đạt 61,83%; phòng học bán kiên cố là 1.917/7.212 chiếm tỷ lệ 26,58%.
Về trường chuẩn Quốc gia, toàn tỉnh hiện có 294/521 trường, đạt tỷ lệ 56,42% (trong đó có 83/133 trường MN, tỷ lệ 62,41%; 140/235 trường TH, tỷ lệ 59,57%; 69/119 trường THCS, tỷ lệ 57,98% và 2/32 trường THPT, tỷ lệ 6,25%). Tăng 69 trường so với cuối năm học 2015 - 2016 (có 225/545 trường đạt tỷ lệ 41,28%).
Ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau xác định một số khó khăn như: Trẻ mầm non và học sinh phổ thông phải nghỉ học dài trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tới kế hoạch giáo dục nhà trường. Nhiều hoạt động giáo dục chưa thực hiện, có những cuộc thi, hoạt động trọng tâm phải dời hoặc hủy bỏ ảnh hưởng chất lượng giáo dục, nền nếp, kỉ cương học tập của học sinh.
Một số trường mẫu giáo và nhóm lớp mẫu giáo ngoài công lập phải tạm thời đóng cửa ảnh hưởng đến đời sống của nhà giáo và người lao động tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu ở một vài huyện rất khó khắc phục và còn giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn. Chi phí cho hoạt động giáo dục tại các đơn vị lớn nhưng nguồn lực tài chính thấp, phân tán, chưa thật đáp ứng đủ với yêu cầu đổi mới giáo dục…