Giáo dục Việt Nam năm 2022: Tái cơ cấu để chọn mô hình thích ứng với biến động xã hội

GD&TĐ - Có cả thời cơ và thách thức trong quá trình chuyển đổi số là nhận định của PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Trưởng ban Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đối với ngành Giáo dục năm 2022.

PGS Chu Cẩm Thơ (thứ 2 từ phải sang) làm việc với Trường Greenfield (Văn Giang, Hưng Yên),
tháng 11/2021.
PGS Chu Cẩm Thơ (thứ 2 từ phải sang) làm việc với Trường Greenfield (Văn Giang, Hưng Yên), tháng 11/2021.

Từ thực tế trên, PGS.TS Chu Cẩm Thơ lưu ý một số việc cần làm để ngành Giáo dục vượt qua thách thức nhằm đón đầu cơ hội.

Cái khó “ló” cơ hội

- Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Việt Nam, PGS nhìn nhận ra sao về những thời cơ với ngành Giáo dục nước nhà, nhất là khi có sự tác động của đại dịch Covid-19 trong hai năm vừa qua?

- Trong 2 năm qua khi đại dịch Covid-19 hoành hành, tôi đã theo dõi trực tiếp sự thay đổi ở trong từng trường học, kể cả các giáo viên và học sinh. Bản thân đã làm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến việc dạy và học trong nhà trường các cấp. Qua đó có thể thấy, dịch bệnh lần này gây hậu quả nặng nề cho ngành Giáo dục, song cũng mở ra cơ hội rất lớn. Đây có thể là 1 cú hích thực sự.

Chúng ta cùng nhìn lại chặng đường hơn 20 năm thực hiện phong trào “Đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường”, lấy trọng tâm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học. Tuy nhiên, nhìn lại mới thấy quá trình ứng dụng CNTT trong trường học còn khá chậm mà chỉ nằm trong kỹ năng ở một bộ phận giáo viên và học sinh. Trong khi đó, giáo dục chúng ta hướng đến người học các thành tựu khoa học và mô hình giáo dục hiện đại. Chúng ta đã loay hoay và chưa thể tiến hành trường học thông minh, dạy học kết hợp.

Dịch Covid-19 kéo đến vô hình trung sẽ tạo ra cho chúng ta cơ hội, đó là tái cơ cấu để chọn mô hình giáo dục kết hợp – Blended learning, giáo dục thích ứng với biến động xã hội. Điều này vừa đáp ứng chuẩn giáo dục theo đầu ra, vừa tạo cơ hội để giáo dục theo các tiêu chí phát triển năng lực cá nhân. Giáo dục kết hợp ở đây là mô hình giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Giữa mô hình người học và người dạy gặp mặt nhau trực tiếp để thực hiện các chức năng của quá trình giáo dục với quá trình tự giáo dục.

Việc ứng dụng tính hiện đại của CNTT sẽ giúp người học có thể tự học mọi lúc mọi nơi, học dựa vào nhu cầu và năng lực của mình. Nếu chúng ta nắm được cơ hội này có thể tạo ra đột phá trong giáo dục ở mọi cấp, nhất là bậc phổ thông. Khi đó, học tập theo nhu cầu và tự chủ học tập của chúng ta được tăng lên.

Cơ hội tiếp theo là thực hiện phương châm, triết lý về giáo dục bền vững, đó là giáo dục suốt đời. Học tập suốt đời tức là không chỉ dành cho đối tượng đang học tập trên ghế nhà trường, mọi người đều có thể học theo nhu cầu của mình ở mọi lúc mọi nơi và đa dạng hóa hình thức, nội dung học tập. Điều này được hiện thực hóa một phần. Trong hai năm vừa qua, với sự bùng nổ của các khóa học trực tuyến, một bộ phận người dân đã nắm bắt được cơ hội này để tự học. Người dân đang tự chủ tìm kiếm các khóa học được thiết kế đa dạng trên Internet.

Tôi cảm nhận rất rõ điều này, nhất là ở đội ngũ các giáo viên, thậm chí người Việt ở mọi lứa tuổi đã nhanh theo được các khóa học với người nước ngoài. Mọi người có cơ hội soi lại bản thân mình và tạo động lực học tập cho mình. Trong đó có thể là học nghề, học để phát triển bản thân, học để hòa nhập với cộng đồng… nên rất đa dạng. Khi nhu cầu học tập cao thì động lực để sinh ra các sản phẩm giáo dục cũng cao. Nếu ta đón đầu được cơ hội này, thị trường giáo dục sẽ hình thành, chứ không chỉ là dịch vụ giáo dục đang cung cấp cho các nhà trường như hiện nay.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ đánh giá, năm 2022, ngành Giáo dục đứng trước nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội trong bối cảnh chuyển đổi số.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ đánh giá, năm 2022, ngành Giáo dục đứng trước nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội trong bối cảnh chuyển đổi số.  

Thách thức luôn song hành

- Thời cơ là có nhưng thách thức chắc chắn vẫn còn hiện hữu. Theo bà, đó là những thách thức gì và cách hóa giải những khó khăn đó ra sao?

- Khi trực tiếp làm các báo cáo và tiếp xúc thực tiễn cho thấy, sự phân tầng ở trong hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn tồn tại những khoảng cách rất lớn. Khoảng cách lớn từ nhận thức của các cấp quản lý lẫn đội ngũ thực hiện công tác giáo dục trong hệ thống. Có một bộ phận nhận thức rất đúng đắn, tích cực và chủ động. Nhưng, bộ phận có sức ỳ, hoang mang, lo lắng cũng không nhỏ. Khoảng cách còn lớn cả ở trong kỹ năng nghề nghiệp.

Trong hai năm vừa qua, nỗ lực của các cán bộ quản lý và giáo viên về cơ bản đã giúp cho đội ngũ nhà giáo cơ bản tiếp cận được kỹ năng số ban đầu. Tức, họ được phổ cập các kỹ năng để sử dụng hệ thống quản trị, nền tảng học tập khá nhanh. Tuy nhiên, khoảng cách giữa những người chỉ biết được kỹ năng số cơ bản với những người thực sự xông xáo, chủ động để có thể làm chủ công nghệ cũng còn rất xa. Điều này gây khó khăn cho quá trình đồng bộ hóa, chuyển đổi số hệ thống. Chiến lược giáo dục của nước ta là giáo dục cho mọi người, không để lại ai ở phía sau. Do đó, đòi hỏi tính đồng bộ, nhất thể trong mô hình và trong điều hành rất cao. Vì thế, khoảng cách lớn này sẽ là cản trở đáng kể. Bởi đâu đó, vẫn có những người năng lực và nhận thức chưa đáp ứng được, điều kiện hạ tầng chưa tốt nên đây cũng là khó khăn không nhỏ.

Thách thức nữa đó là quá trình hội nhập. Vì khi xu thế toàn cầu hóa, trực tuyến hóa thì sự xâm lấn các sản phẩm giáo dục quốc tế vào Việt Nam càng nhanh và nhiều. Họ được chuẩn bị tốt hơn và năng lực đầu tư cao. Nếu hiểu theo nghĩa tích cực thì đây là một cuộc cạnh tranh. Mới đây, Ngân hàng Thế giới công bố, kỹ năng số của lao động người Việt Nam trong độ tuổi từ 18 – 22 thấp nhất khu vực.

Chỉ nhìn vào chỉ số này thôi chúng ta đã thấy ngay thách thức rất lớn cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục suốt đời. Điều này đòi hỏi sự thay đổi nhanh mang tính đột phá của giáo dục phổ thông. Nếu chúng ta còn trì trệ không tiếp cận điều này thì chỉ số ở thế hệ lao động tiếp theo sẽ còn thấp hơn nữa. Ngoài việc bị động trong cải thiện năng suất lao động, chúng ta còn có thể bị mất tầng rất quan trọng trong tháp lao động của nước ta và trong các mô hình giáo dục về sau.

PGS Chu Cẩm Thơ tham dự bồi dưỡng giáo viên tại Trường Tiểu học Archimedes (Hà Nội) tháng 3/2021.
PGS Chu Cẩm Thơ tham dự bồi dưỡng giáo viên tại Trường Tiểu học Archimedes (Hà Nội) tháng 3/2021.

Đổi mới giáo dục phải từ các địa phương

- PGS đánh giá thế nào về năng lực số ở các trường/các địa phương?

- Một điều không thể không nhắc đến chính là vấn đề an toàn trong giáo dục khi chúng ta chuyển đổi số. Vấn đề này không chỉ đơn thuần là sự xâm lấn của các chương trình giáo dục, giải trí hoặc những gì thuộc về an toàn mạng Internet, mà còn là an toàn trong cả nhận thức, tự chủ của người học và người dạy. Năng lực số thấp, hạ tầng quản trị chưa đồng bộ.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giáo dục, thậm chí phản ứng ngược với niềm tin về giáo dục số ở nước ta. Đáng quan ngại nhất chính là, chúng ta đầu tư chưa đúng trọng tâm, trọng điểm để có được hạ tầng số theo đúng nghĩa. Bao gồm hệ thống công nghệ, hệ thống dữ liệu và mô hình quản trị trường học để chúng ta thực hiện dạy học kết hợp “blended learning” nhằm xã hội hóa giáo dục. Đó là những khó khăn không nhỏ chúng ta phải đối mặt.

Bên cạnh đó, sự đầu tư phân tầng trong hệ thống giáo dục của chúng ta đang phát sinh một số vấn đề. Kể cả trước thời điểm có dịch Covid-19, ta đã thấy một số dấu hiệu rõ ràng. Đó là quản trị không tập trung trong mối quan hệ giữa sử dụng nguồn nhân lực và đầu tư về hạ tầng, vật chất và tài chính. Tức là, ngành Giáo dục không được chủ động trong việc sử dụng, đánh giá nguồn nhân lực. Những người tham gia vào ngành Giáo dục chưa được đo lường năng lực và quản trị trên sự chuyên nghiệp. Ví dụ, ta cần phải có Luật Nhà giáo để quản trị năng lực nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn.

Ngoài ra, cũng chưa có được sự đầu tư tài chính tương đồng để đảm bảo mức chuẩn tối thiểu. Sự đầu tư ở các địa phương cho giáo dục cũng có sự chênh lệch. Cho nên nhiều nơi còn nợ chuẩn bởi họ nghĩ đó là chuẩn cao, trong khi bản chất khi ban hành đó là chuẩn tối thiểu. Phải đáp ứng các chuẩn tối thiểu mới vận hành đảm bảo chất lượng. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi phải giải quyết được, nếu không sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục cho người dân. Nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

- Vậy cần những điều kiện nào để thúc đẩy đổi mới trong giáo dục, thưa PGS?

- Nếu chúng ta xây dựng được hệ dữ liệu để tổ chức dạy học kết hợp thì rất tốt, nhất là ở các địa phương. Khi đó, người học có sự bình đẳng trong tiếp cận dữ liệu và công nghệ dạy học trên Internet. Học sinh ở khắp nơi, nhất là vùng sâu vùng xa họ cũng tự tìm đến những chương trình học tốt trên nền tảng Internet được tích hợp vào chương trình học tập của trường học. Đây là trách nhiệm của Nhà nước cũng như địa phương là phải đầu tư để trang bị được hệ thống dữ liệu, công nghệ để tạo nền tảng cho việc đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận với dữ liệu, nội dung và chương trình giáo dục.

Về góc độ chuyển đổi số, đầu tiên là tâm lý ứng phó với dịch Covid-19. Nhưng sau khi một số địa phương nhận ra rằng, dạy học trực tuyến không thể là ứng phó mà phải là một cơ hội để biến thành thời cơ cho họ. Một số địa phương đã nhận thức và thực hiện rất tốt việc chuyển đổi số trong giáo dục như Bắc Giang, Hưng Yên.

Khi Bắc Giang trở thành “tâm dịch” thời điểm đầu năm 2021 đã áp dụng hình thức giáo dục trực tuyến rất hiệu quả, kể cả sau khi vãn dịch vẫn duy trì, và họ đang nỗ lực hơn nữa để dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp được duy trì thực sự, trở thành mô hình giáo dục của trường học. Qua khảo sát cho thấy, giờ đây việc này trở thành một thói quen của giáo viên và học sinh ở Bắc Giang. Hưng Yên cũng là địa phương có chiến lược tạm thời phổ cập hệ LMS cho hầu hết trường học trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cộng đồng các trường học công nghệ cũng phát triển rất nhanh, trong đó có Lào Cai, Đắk Lắk hay An Giang… Mới đây, Microsoft Education đã vinh danh 4 trường học điển hình (Microsoft Showcase Schools) ở Việt Nam thì có một trường công lập là Trường THPT Võ Thành Trinh, tỉnh An Giang. Đây thực sự là bất ngờ bởi đại đa số trường học công nghệ là trường ngoài công lập, họ có điều kiện để đầu tư công nghệ, các khóa đào tạo cho giáo viên. Đó là những minh chứng để thấy rằng, nếu như chủ động để tận dụng thời cơ, các trường có thể biến chuyển rất mạnh năng lực lao động của nhân sự.

Bởi, để đạt được mục tiêu trường học số thì kỹ năng lao động của toàn thể đội ngũ phải lên rất nhanh và đều, chứ không chỉ là có một vài người thành thạo nữa. Họ phải tập huấn toàn bộ và xây dựng được hệ quản trị trong trường học đó. Tuy nhiên, ở cấp độ tỉnh/thành cũng cần sự phát triển của nhiều trường học số, chứ không chỉ có một vài trường làm mạnh và số còn lại vẫn trì trệ. Do đó, khi thời cơ đến, các địa phương cần tư duy và phải trách nhiệm để đầu tư đồng bộ hệ thống công nghệ, dữ liệu chứ không thể để cho các trường tự cố gắng nữa. Nếu không thì vẫn chỉ là câu chuyện “muối bỏ bể”, một vài trường không thể tự làm một mình và trở nên đặc biệt với những gì xung quanh.

- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Từ việc phân tích những thời cơ và thách thức như trên, về mặt thể chế chúng ta cần sớm hoàn thiện Luật Nhà giáo để có hệ thống và tư duy hành động chuyên nghiệp trong quản trị nhân sự. Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Chính phủ mới chỉ ra các quyết định về phương hướng, hành động để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, chúng ta vẫn thiếu hàng rào thể chế, các định mức kỹ thuật, khuyến nghị mô hình chưa có. - PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ