Đối thoại chính sách được tổ chức vào ngày 24/4, nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ nhằm thực thi Chương trình hành động toàn cầu với chủ đề Giáo dục vì sự phát triển bền vững được khởi xướng từ tháng 11/2014.
Dự án này cũng nối tiếp sự thành công từ dự án Sáng kiến giáo dục vì sự phát triển bền vững của UNESCO và Bộ GD&ĐT tại Việt Nam (giai đoạn 2013-2015) - một phần trong Thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (giai đoạn 2005-2014).
Đối thoại chính sách nhằm cập nhật cho các nhà hoạch định và thi hành chính sách về nội dung của Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4: “Bảo đảm giáo dục có chất lượng, hòa nhập, công bằng và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người”), Chỉ tiêu phát triển bền vững số 4.7 với chủ đề giáo dục vì sự phát triển bền vững và giáo dục công dân toàn cầu cùng Chương trình hành động quốc gia để thực thi SDG4 của Liên Hợp Quốc.
Các ý kiến đối thoại nhằm xác định vai trò của các bên trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững, đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bên nhằm thúc đẩy các hoạt động giáo dục vì sự phát triển bền vững.
Kể từ năm 1992 đến nay, UNESCO luôn nỗ lực thúc đẩy các chương trình giáo dục vì sự phát triển bền vững. Từ năm 2005 đến năm 2014, tổ chức này giữ vai trò chủ đạo trong Thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Hiện nay, UNESCO là đơn vị dẫn đầu trong Chương trình hành động toàn cầu về giáo dục vì sự phát triển bền vững. Chương trình này khuyến khích người học, giúp người học ra quyết định đúng đắn và thực hiện những hành động có trách nhiệm bảo vệ môi trường, có khả năng phát triển kinh tế và một xã hội công bằng cho thế hệ hiện tại, tương lai, đồng thời tôn trọng sự đa dạng văn hóa.
Theo PGS.TS. Lê Trọng Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT), học tập suốt đời chính là một hợp phần không thể thiếu của giáo dục chất lượng cao. Giáo dục vì sự phát triển bền vững có tính toàn diện và đổi mới bao hàm các khía cạnh liên quan nội dung học tập, kết quả học tập, phương pháp sư phạm và môi trường học tập. Với cách tiếp cận này, giáo dục vì sự phát triển vền vững sẽ giúp thay đổi toàn xã hội.