Tham dự lễ kỉ niệm 10 năm thành lập VGU còn có sự hiện diện của Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, ông Trần Văn Nam- Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Bình Dương cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và địa phương.
Tại buổi lễ, thay mặt toàn thể giảng viên, nhân viên của VGU, GS.TS Tomas Bens- Hiệu trưởng nhà Trường đã báo cáo vắn tắt về quá trình hình thành và phát triển của VGU trong 10 năm qua, cũng như định hướng chiến lược phát triển của nhà trường trong giai đoạn tới.
Theo GS. TS Tomas Bens những thành tựu nổi bật 10 năm qua của VGU đạt được là rất đáng ghi nhận. Trường không chỉ ghi dấu ấn trong công tác đào tạo mà công tác NCKH cũng tạo được tiếng vang.
10 năm qua, VGU hợp tác với 9 trường đại học hàng đầu của Đức để triển khai 11 chương trình đào tạo trong tổng số 23 chương trình đào tạo dự kiến (5 chương trình bậc đại học và 6 chương trình bậc cao học) tại VGU với tổng số gần 2.200 sinh viên và học viên (SV, HV) đã và đang được đào tạo theo chương trình tiên tiến của Đức, học tập bằng tiếng Anh và được đào tạo thêm ngoại ngữ tiếng Đức.
Trong đó, số sinh viên quốc tế theo học ở trường đến từ 20 quốc gia và đạt tỉ lệ 4,6%; đã có 674 SV, HV (300 đại học và 374 cao học) tốt nghiệp ra trường được các đại học đối tác Đức cấp bằng, đạt tiêu chuẩn chất lượng đào tạo của Đức và Châu Âu.
Trên 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm với vị trí công việc tốt, phù hợp với ngành nghề đào tạo hoặc tiếp tục học lên bậc thạc sĩ hoặc tiến sĩ; sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Việt Đức được cộng đồng doanh nghiệp Đức đánh giá là có chất lượng tốt nhất Việt Nam.
GS. TS Tomas Bens- Hiệu trưởng VGU báo cáo chặng đường 10 năm phát triển của VGU |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng những thành công của VGU đã đạt được trong 10 năm qua.
Theo Phó Thủ tướng, VGU được xem là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác truyền thống, ngọn “hải đăng” trong hợp tác Việt Nam và CHLB Đức. Với sự quan tâm đặc biệt cùng sự hỗ trợ nguồn lực của 2 quốc gia, Ngân hàng Thế giới, VGU ra đời với định hướng phát triển thành đại học nghiên cứu, có mô hình quản trị hiện đại, lấy chất lượng hàn lâm làm nguyên tắc và mục tiêu phát triển, hướng đến trở thành trung tâm đào tạo xuất sắc, nơi hội tụ những tinh hoat của nên giáo dục Đông và Tây.
Nhắn gửi đến tập thể CB-GV, sinh viên VGU, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới giáo dục đào tạo không chỉ quan trọng mà còn trở nên bức thiết hơn, có ý nghĩa quyết định tương lại của dân tộc, quốc gia.
“Giáo dục và đào tạo chính là chìa khoá nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia, thu hẹp khoảng cách và bắt nhịp cùng các quốc gia phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập sâu rộng”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Với mong muốn hệ thống giáo dục Việt Nam ngày càng có thêm nhiều trường đại học chất lượng, có vị thế trên bản đồ khu vực và thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị VGU tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản trị hiện đại một cách hữu hiệu và trở thành mô hình quản trị đại học có sức lan toả tới các đại học khác ở Việt Nam.
Đặc biệt, để thực hiện tốt hơn mục tiêu và chiến lược nhà trường, Phó Thủ tướng đề nghị VGU cần tập trung nguồn lực và hợp tác với các đối tác Đức và thế giới phát triển chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng theo chuẩn Đức, được kiểm định và quốc tế công nhận. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với giới công nghiệp, phát triển các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ cách mạng 4.0.
Chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu trình độ cao. Phát triển văn hoá nghiên cứu, xây dựng cộng đồng học thuật dấn thân, sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp mẫu mực cũng là những yếu tố được Phó Thủ tướng lưu ý nhà trường trong tiến trình phát triển.
“ Thành công của trường không chỉ có bao nhiêu sinh viên tìm được việc làm mà có bao nhiêu dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp và thành danh từ mái trường này. Có bao nhiêu phát minh và sáng chế được tạo ra”- Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa phải) cùng đại biểu là các lãnh đạo trung ương và địa phương tại lễ kỉ niệm |
Để sớm định hình và xây dựng VGU đúng với định hướng từ những ngày đầu thành lập của hai Chính phủ Việt Nam và CHLB Đức, Phó Thủ tướng đề nghị VGU cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khuôn viên mới để có cở sở hạ tầng cần thiết đáp ứng điều kiện đào tạo và nghiên cứu.
Đề nghị Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, các bộ ngành và đối tác Đức khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tài chính đặc thù của trường, đảm bảo đúng điều kiện để nhà trường phát triển đúng mục tiêu thành đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.
Tại lễ kỉ niệm, VGU và Siemens Việt Nam cũng đã ký kết văn bản hợp tác giữa hai bên, phạm vi hợp tác tập trung vào chủ đề đào tạo và nghiên cứu Công Nghiệp 4.0, cụ thể với một số nội dung như “Công nghệ của Siemens cho công nghiệp 4.0 và công nghệ năng lượng”; “Tăng cường hợp tác đối đôi để phát triển phòng thí nghiệm công nghiệp 4.0 và công nghệ năng lượng ở VGU”.
Nhân dịp này, VGU cũng đã trao một số giải thưởng như “Contribution Awards” (Giải cống hiến), “Best Teaching and Learning Awards” (Giải thường xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu), “Social responsibility award” (Giải thưởng trách nhiệm xã hội) nhằm tôn vinh và tri ân sâu sắc những cống hiến của cán bộ, giảng viên trong quá trính phát triển VGU.
Trên cơ sở “Ý định thư” ký ngày 21/5/2007 và “Tuyên bố chung về việc thành lập Trường Đại học Việt Đức” ký ngày 29/02/2008 giữa Chính quyền Bang Hessen, Chính phủ CHLB Đức và Chính phủ Việt Nam, VGU chính thức được thành lập theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 01/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu là phấn đấu trở thành một trường đại học, một trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, đạt trình độ khu vực và quốc tế.
VGU được định hướng phát triển thành trường đại học nghiên cứu, có mô hình quản trị đại học hiện đại, tự do học thuật và tự chủ hàn lâm, lấy chất lượng hàn lâm xuất sắc làm nguyên tắc và mục tiêu phát triển, hướng đến tham gia vào các đại học nghiên cứu hàng đầu Châu Á vào năm 2030.