Giáo dục truyền thống và hiện đại - Chọn con đường nào?

GD&TĐ - Theo một số chuyên gia giáo dục, kỷ luật truyền thống dựa trên sự đau đớn, việc xấu hổ và sợ hãi của trẻ. Kỷ luật tích cực là tạo điều kiện cho trẻ tự giác đi vào khuôn phép trong một bầu không khí tích cực.

Cha mẹ và người lớn cần thường xuyên khen thưởng khi con đưa ra những lựa chọn tốt. Ảnh minh họa.
Cha mẹ và người lớn cần thường xuyên khen thưởng khi con đưa ra những lựa chọn tốt. Ảnh minh họa.

Gia đình có thể giới thiệu cho trẻ 2 hình ảnh “tàu hỏa” và “máy bay”. “Tàu hỏa” là những hành vi bị kích hoạt trong cảm xúc tiêu cực, mang tính xung động, không kiểm soát được như đoàn tàu chạy trên đường ray, không thể dừng lại hay lái sang đường khác.

Trong khi đó, “máy bay” là hành vi phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn thận về hệ quả. Trẻ có thể “lái” hành vi của mình như phi công lái máy bay.

Cân bằng khen - kỷ luật

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải chia sẻ, trẻ em cần được ăn, ngủ, chơi đùa, chăm sóc về dinh dưỡng, y tế, học tập. Để “đủ”, trẻ phải được khích lệ, tôn trọng, yêu thương, thông cảm và lắng nghe. Như vậy, trẻ sẽ lớn lên hài hòa cả thể chất lẫn tinh thần.

“Tâm lý con trẻ thường rất thích được khen và “kị” những lời chê, trách phạt. Khi làm việc tốt, trẻ muốn được công nhận. Hãy khen ngợi và động viên con dù chỉ là con biết chào hỏi và “cám ơn - xin lỗi”, biết xếp quần áo gọn gàng hoặc khi con khoe đã rửa tay sạch, làm xong bài tập, phụ giúp việc nhà…

Lời khen cần được thực hiện ngay tại chỗ và “khoe” với người xung quanh, khuyến khích họ cùng tham gia động viên trẻ. Con sẽ tự hào và vui như được nhận món quà. Không thổi phồng quá mức thành tích của con. Làm như vậy, lời khen của cha mẹ sau này sẽ mất tác dụng, chỉ khiến trẻ trở nên huênh hoang, tự cao, háo danh”, Thạc sĩ Lan Hải nhấn mạnh.

Ngược lại, cha mẹ có thể kỷ luật khi trẻ sai.

“Cha mẹ phải cho trẻ biết vì sao con bị phạt? Vì thế, trước đó phải xác định với trẻ những quy định cụ thể, cái gì được phép, cái gì không. Khi dạy con phải nhất quán, cùng một lỗi, không thể lần này bực thì phạt, lần khác vui thì bỏ qua. Cho con biết các hậu quả liên quan trực tiếp với hành vi xấu, nói rõ lý do vì sao cha mẹ sử dụng “hình phạt” và cho phép con tự giác chọn “hình thức kỷ luật””, bà Lan Hải chia sẻ.

Nữ chuyên gia gợi ý, có thể áp dụng hình thức kỷ luật với trẻ như cấm túc, cách ly một khoảng thời gian. Mỗi khi trẻ hư, con sẽ đứng hoặc ngồi im lặng quay mặt vào tường. Hoặc, phụ huynh có thể “tước” đi một đặc ân của con như không được xem phim hoạt hình, nghe mẹ đọc truyện, đi nhà sách, mua đồ chơi… Trẻ cũng có thể làm việc để chuộc lỗi như rửa bát đĩa, dọn giường ngủ, xếp lại giá sách, lau nhà…

Song, phụ huynh được khuyến cáo không quát mắng trẻ. Bởi, sự nóng giận của cha mẹ không mang lại kết quả dạy con như mong muốn. Thậm chí, khơi dậy trong trẻ cảm giác chán ghét gia đình.

“Hạn chế thấp nhất việc trừng phạt vào thân thể (đánh, trói, tát, bắt quỳ gối, bỏ đói…). Đánh đòn làm cho trẻ sợ và đề phòng, không giúp con nhận ra lỗi lầm và muốn sửa chữa. Trái lại, có thể khiến trẻ hung hăng hoặc trở nên chai lì, khó bảo hơn. Đánh đòn có thể trở thành mầm mống bạo lực, làm trẻ nghĩ rằng lớn lên sẽ được phép “vô tư” đánh đập những người mình yêu thương”, bà Lan Hải nhận định.

Ông Ngô Minh Uy - chuyên viên tham vấn tâm lý, Giám đốc Trung tâm WELink đã dẫn chứng các hình thức thưởng/ củng cố và phạt của B. F. Skinner - nhà tâm lý học theo trường phái hành vi. Cụ thể, củng cố dương là thêm kích thích để tăng hành vi mong muốn. Ví dụ, các phần thưởng khi trẻ có hành vi tốt (tùy bối cảnh và lứa tuổi mà dùng phần thưởng vật chất hay tinh thần).

Trong khi đó, củng cố âm là bỏ kích thích để tăng hành vi mong muốn. Ví dụ, khi trẻ đi học muộn hay đánh nhau (hành vi không mong đợi) sẽ phải nộp phạt cho thầy cô một số tiền hoặc phải quét lớp…

Trừng phạt dương là tăng kích thích để giảm hành vi. Đánh đập hay la mắng để trẻ thôi không làm một hành vi sai trái không mong đợi. Trừng phạt âm là giảm kích thích để giảm hành vi không mong đợi. Ví dụ, tước đi của trẻ việc được ưu tiên xem tivi hay mua một món đồ chơi để trẻ ngưng những hành vi không mong đợi.

“Trong số 4 cách thức mà Skinner nêu trên, nên nhớ, các kiểu trừng phạt thường là “khó quên” với đứa trẻ và sẽ có tác động tiêu cực lâu dài khi trưởng thành. Phương pháp được khuyến khích là củng cố dương. Những cái còn lại có thể cân nhắc về mức độ hay về tính thường xuyên, có thể dùng trừng phạt âm. Hai phong cách củng cố âm và trừng phạt dương không nên dùng trong giáo dục người khác”, ông Ngô Minh Uy cho biết.

Có thể kỷ luật khi trẻ sai

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, người làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, trẻ không phải chịu hình phạt của pháp luật. Và vì thế, cần để con hiểu, con phải chịu phạt khi sai. Trước nhận định này, không ít người cho rằng, gia đình nên đóng vai trò là “quan tòa” đối với trẻ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đối với những người chưa thành niên, pháp luật luôn có sự khoan hồng. Nhiều trường hợp không phải chịu hình phạt của pháp luật. Bởi, khi chưa thành niên, nếu mắc lỗi, trách nhiệm không thể quy về cho đứa trẻ. Thay vào đó, lỗi thuộc về vấn đề giáo dục. Trong đó, có trách nhiệm của giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.

Do đó, PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh, gia đình không nên có trách nhiệm trở thành quan tòa đối với trẻ.

“Qua thời gian, cha mẹ và người lớn cần phải giúp trẻ hiểu, đâu là những hành vi được mong chờ. Đâu là hành vi không được mong chờ, thông qua thái độ và sự chú ý đến hành vi tích cực, không chú ý đến hành vi tiêu cực. Sau đó, cha mẹ và người lớn cần hướng dẫn để trẻ học được hệ quả của hành vi được mong chờ và hành vi không được mong đợi.

Các em dần hiểu rằng, mỗi hành vi đều dẫn đến những hệ quả tương ứng. Nếu chọn hành vi tiêu cực, mình sẽ nhận hệ quả tiêu cực. Trẻ phải hiểu được những hành động của các em sẽ đưa các em đến gần hơn hay đi xa khỏi những gì các em thực sự mong muốn.

Cha mẹ cũng cần hướng dẫn con nhận ra những khoảnh khắc con mất kiểm soát hành vi và những lúc trẻ kiểm soát hành vi. Nhận ra những khoảnh khắc mất kiểm soát để rèn luyện kỹ năng làm chủ trong các tình huống hằng ngày”, PGS Nam chia sẻ.

Hình ảnh “tàu hỏa” và “máy bay”

Để làm được việc này, chuyên gia cho biết, người lớn sẽ giới thiệu cho trẻ 2 hình ảnh “tàu hỏa” và “máy bay”. Hành vi “tàu hỏa” là những hành vi bị kích hoạt trong cảm xúc tiêu cực, mang tính xung động, không kiểm soát được như đoàn tàu chạy trên đường ray, không thể dừng lại và không thể lái sang đường khác.

Trong khi đó, “máy bay” là hành vi chúng ta phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn thận về hệ quả. Trẻ có thể lái được hành vi của mình như phi công lái máy bay vậy. Trong cuộc sống hằng ngày, trẻ học gọi tên các hành vi tàu hỏa để dừng lại, suy nghĩ cân nhắc lại trước khi đi tiếp.

DỪNG LẠI
    (1) Dừng lại và bình tĩnh
SUY NGHĨ
    (2) Điều tôi thực sự muốn là gì?
    (3) Tôi có thể làm gì để có được thứ mình muốn?
    Những lựa chọn của tôi là gì?
    (4) Những lựa chọn này của tôi phải trả giá như thế nào?
HÀNH ĐỘNG
    (5) Lựa chọn tốt nhất là gì?
    (6) Tôi đã làm như thế nào?
                               PGS.TS Trần Thành Nam

Tiếp theo, việc dừng lại, suy nghĩ và cân nhắc trước khi đi tiếp phải được khái quát thành một kỹ năng để trẻ làm chủ bất cứ khi nào con gặp phải vấn đề.

“Sau đó, trẻ được hướng dẫn là con người nhân vô thập toàn. Nên khi mắc lỗi, chúng ta cần chịu trách nhiệm cho bản thân chúng ta cũng như những lựa chọn hành vi mà chúng ta đã quyết định trước đó. Chịu trách nhiệm ở đây là thừa nhận lỗi, xin lỗi và cố gắng làm những điều đúng khi chúng ta có một lựa chọn không phù hợp với kỳ vọng”, PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, để hình thành nên tính cách của trẻ, cha mẹ và người lớn cần thường xuyên khen thưởng khi con đưa ra những lựa chọn tốt. Dần dần, trẻ sẽ học được cách lựa chọn những hành vi tốt ngay cả khi không có người lớn ở bên cạnh. Bởi, trẻ cảm thấy tốt và tự hào khi đưa ra những lựa chọn này.

“Vì vậy, việc phán xét là không cần thiết. Làm cho trẻ sợ phán xét là phản cảm. Cần lưu ý rằng, điểm khác biệt cơ bản giữa kỷ luật tích cực và kỷ luật truyền thống là: Kỷ luật truyền thống dựa trên sự đau đớn, việc xấu hổ và sợ hãi của trẻ để giáo dục (thế nên người lớn dùng roi vọt, so sánh con mình với con nhà người ta).

Kỷ luật tích cực là việc tạo điều kiện cho trẻ tự giác đi vào khuôn phép trong một bầu không khí tích cực. Trẻ tự có ý thức và có trách nhiệm thực hiện theo những quy định chung vì các em luôn ý thức rõ được hệ quả của hành vi và rằng, các em có quyền lựa chọn hành vi. Cha mẹ sẽ chỉ là người chứng kiến và ghi nhận những lựa chọn tích cực, không phải là người phán xét”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.