Giáo dục trẻ về giá trị đồng tiền

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh lo ngại việc cho con tiếp xúc với tiền từ sớm sẽ làm trẻ dễ nảy sinh tư tưởng đua đòi. Nhưng nếu né tránh không dạy trẻ quản lý cách chi tiêu trong phạm vi có thể cũng không phải là cách hay. Vấn đề là phụ huynh phải giáo dục để trẻ nhận thức được giá trị đồng tiền và biết sử dụng hợp lý tùy theo độ tuổi.

Giáo dục trẻ về giá trị đồng tiền

E ngại khi trẻ sớm tiếp xúc với tiền bạc

Cho rằng tiền là một thứ vô cùng nhạy cảm, nhất là đối với trẻ nhỏ thế nên trong cuộc sống hàng ngày, chị Mai Anh (Định Công, Hà Nội) không cho con tiếp xúc với tiền. Bởi chị nghĩ trẻ con được tiếp xúc với tiền quá sớm sẽ quen với việc mua sắm, nghiễm nhiên thích đòi hỏi.

Chị từng được chứng kiến việc đồng nghiệp của mình thưởng con bằng tiền mỗi khi cháu được điểm tốt hoặc làm việc nhà giúp mẹ. Thậm chí chị còn thấy bạn mình cho con tiền nếu cháu nghe lời theo yêu cầu của mẹ.

Tuy nhiên, sau này chị thường xuyên phải nghe đồng nghiệp than vãn việc con trai hay ra điều kiện để bố mẹ cho tiền khi muốn mua sắm vật dụng gì cho bản thân. Chính vì vậy với con gái mình mặc dù đã lên cấp hai nhưng chị Mai Anh vẫn không cho con tự chi tiêu.

Mỗi khi con cần gì chị đều mua về cho con bởi chị nghĩ để con lớn hơn một chút nữa rồi dạy cũng chưa muộn. Tuy nhiên, một lần do có việc đột xuất không về kịp, mặc dù chị đã để sẵn tiền ở nhà và dặn con tỉ mỉ đi mua đồ ăn nhưng kết quả là con chị vẫn cố đợi mẹ...

Tiền là phương tiện dùng để chi trả tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống, tuy nhiên nếu cha mẹ không biết cách hướng dẫn con sử dụng tiền thế nào cho hợp lý sẽ có những hệ lụy không hay. Thay vì tặng quà là đồ chơi trẻ em, mỗi khi bé có thành tích tốt nhiều cha mẹ lại dùng cách là cho bé tiền.

Việc luôn lấy tiền ra để làm điều kiện đối với trẻ là hoàn toàn sai lầm. Dù ở độ tuổi này bé chưa biết đong đếm giá trị của từng tờ tiền, nhưng lâu dần sẽ khiến cho trẻ cảm nhận tiền là vật quan trọng để có thể mua bán bất cứ thứ gì và nhen nhóm trong trẻ sở thích được mọi người tặng tiền. Bởi vậy thay vì thưởng tiền cho trẻ các phụ huynh hãy tặng cho trẻ một món đồ mà bé mong muốn.

Nên dạy trẻ biết cách chi tiêu

Không để con tiếp xúc với tiền khi con đã học cấp hai như chị Mai Anh cũng không phải là cách tốt nhất. Trẻ ngày một trưởng thành và chúng tất yếu sẽ phải hòa nhập với xã hội cần có sự giao tiếp mua bán trong khuôn khổ từng độ tuổi khác nhau. Vì vậy, cha mẹ rất cần cho trẻ hiểu giá trị của đồng tiền và giúp chúng nhận biết và quản lý chi tiêu thế nào cho hợp lý.

Có thể ở độ tuổi mầm non bạn dạy con ý niệm về đồng tiền qua cách tổ chức trò chơi mua bán. Lớn hơn một chút khi đi chợ hay siêu thị bạn có thể dắt con theo và để trẻ quan sát cách người lớn mua bán trao đổi. Mặc dù không trực tiếp sử dụng tiền nhưng trẻ sẽ nhận thức được cách thức người lớn chi tiêu thế nào cho hợp lý.

Theo Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm Clever Land), nên cho trẻ hiểu về đồng tiền và giá trị của lao động. Khi trẻ hiểu được giá trị của lao động trẻ sẽ biết thương bố mẹ nhiều hơn. Trẻ lớn hơn, có sự giao lưu với xã hội nhất thiết phải cho trẻ có một khoản tiền nhỏ để con có thể chi tiêu.

Tuy nhiên, cha mẹ phải dạy trẻ các kỹ năng trong việc xử lý đồng tiền như thế nào. Đó là kỹ năng nhận biết mệnh giá đồng tiền, cách cất tiền, kỹ năng tính toán hay kỹ năng chi tiêu thế nào cho hợp lý...

Đồng tiền là sức lao động của cha mẹ và con phải biết tiết kiệm, bài học này phải được tự đứa trẻ cảm nhận thông qua những bài học nho nhỏ hàng ngày. Chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, các phụ huynh nên dạy cho trẻ hiểu nguồn gốc của đồng tiền, không e sợ đồng tiền, biết trân trọng đồng tiền như trân trọng sức lao động của bố mẹ.

Đến một độ tuổi nhất định cần dạy con các kỹ năng biết tiết kiệm, quản lý đồng tiền, biết phát triển đồng tiền đó lên; Cha mẹ cần có thỏa thuận khi con sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý; hướng dẫn trẻ biết chia sẻ cộng đồng để đồng tiền có ý nghĩa hơn. Việc chia sẻ về giá trị đồng tiền sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội.

Điều quan trọng là cách truyền đạt và giáo dục trẻ như thế nào về ý nghĩa và cách sử dụng đồng tiền chứ không phải cấm đoán tránh cho trẻ tiếp xúc với đồng tiền. Giáo dục con cái về tiền bạc - cách quản lý, tiết kiệm và chi tiêu một cách thông minh - chính là những kỹ năng thiết thực dành cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ