Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - trách nhiệm từ gia đình

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - trách nhiệm từ gia đình

Nhiều phụ huynh lo ngại, trẻ có thể bị lộ thông tin cá nhân, tiếp xúc với những tin tức độc hại, hoặc thậm chí là bị xâm phạm khi sử dụng Internet. Do đó, gia đình được khuyến cáo nâng cao nhận thức cho trẻ, đồng hành cùng các em đối mặt với những tác động tiêu cực của môi trường Internet.

Phụ huynh lo ngại

Bên cạnh những tiện ích mà Internet mang tới cho trẻ, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại có thể sẽ bị vi phạm quyền riêng tư, hoặc tiếp cận thông tin “độc hại”. Chị Đặng Thu Trang - phụ huynh có con học lớp 8 tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Việc con thường xuyên tiếp xúc với Internet khiến tôi lo ngại cháu có thể sẽ quá phụ thuộc vào thế giới ảo. Vì thế mà thiếu đi những kỹ năng cần thiết trong đời sống thực như khả năng giao tiếp hay kiến thức xã hội. Đặc biệt, thời gian qua, rất nhiều tin tức giả tràn lan trên mạng, khiến lứa tuổi học sinh khó có thể tự phân biệt”.

Cũng theo chị Trang, vợ chồng chị thường xuyên kiểm tra lịch sử máy tính để chắc chắn rằng, con mình không tiếp xúc với những thông tin xấu.

Chị Nguyễn Thanh Tâm - phụ huynh có con học lớp 3 tại Ba Đình (Hà Nội) cũng thể hiện sự lo lắng khi để trẻ tiếp cận sớm với Internet. “Các con vẫn còn non nớt và khó nhận biết đó là tin tức tốt hay xấu. Tôi nghĩ rằng, các nhà mạng cần có biện pháp như tăng cường kiểm duyệt hoặc phân vùng truy cập đối với người dùng là trẻ nhỏ. Ngoài ra, những nội dung vi phạm cũng cần nhanh chóng được gỡ xuống, tạo môi trường mạngtốt hơn cho các cháu”, chị Tâm nói.

Cần sự đồng hành từ gia đình - xã hội

Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương - Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết: “Trẻ em phải chịu nhiều nguy cơ xâm hại từ môi trường mạng như bị tiết lộ bí mật đời tư, thông tin cá nhân và bị kẻ xấu lợi dụng. Bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo. Chịu tác động từ thông tin thiếu lành mạnh... Tuy nhiên, những nguy cơ này hiện chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả”.

Theo PGS Phương, với số lượng người sử dụng Internet lớn như hiện nay, việc trẻ em tiếp xúc với những tư liệu không phù hợp, kích động bạo lực là rất thường xuyên. “Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ. Một trong những nội dung cần bảo vệ đó chính là bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet. Công tác này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chính bản thân các em, gia đình cũng như toàn xã hội”, PGS Phương nhấn mạnh.

Chuyên gia chia sẻ, gia đình chính là xã hội thu nhỏ đầu tiên của trẻ, góp phần không nhỏ trong việc định hình nhân cách của các em sau này. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho trẻ, cha mẹ cũng sẽ là người thầy đồng hành cùng các em đối mặt với những tác động tiêu cực của môi trường Internet. Trong khi đó, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội. “Việc bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em trên môi trường mạng nói riêng cũng chính là bảo vệ và phát triển đất nước, xã hội”, PGS Phương nói.

Sự bảo vệ từ pháp luật

PGS.TS Nguyễn Hiền Phương cho biết, pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet trên cơ sở 3 nhóm quyền cơ bản: Quyền bảo vệ tính mạng, sức khoẻ trên môi trường mạng; quyền bảo vệ thông tin, bí mật đời tư và quyền tự do tiếp cận thông tin.

“Trẻ em cũng có những quyền của một công dân, được thừa nhận và tham gia vào nhiều hoạt động của đời sống, trong đó có hoạt động trên môi trường mạng. Trẻ em có quyền tự do tiếp cận Internet và cũng có các quyền được bảo vệ khi tham gia môi trường này. Mọi trẻ em đều có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, quyền được pháp luật bảo vệ về sức khoẻ và không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”, Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh nói.

Theo chuyên gia này, quyền bảo vệ thông tin, bí mật đời tư ở trẻ em được đặc biệt chú trọng vì đây là nhóm yếu thế trong xã hội, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, thể chất để có thể tự bảo vệ mình trước các hành vi tác động, xâm hại đến mình. Ngoài ra, trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực.

“Thông thường, pháp luật bảo vệ trẻ em theo hệ thống 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Pháp luật điều chỉnh về bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet cũng bao gồm 3 cấp độ đó”, PGS Phương cho hay.

Cụ thể, cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, kiểm soát xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, phù hợp với đối tượng trẻ em.

Cấp độ hỗ trợ gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng, nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ. Cấp độ can thiệp được quy định bao gồm các biện pháp áp dụng với trẻ em và gia đình của trẻ bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại.

PGS.TS Nguyễn Hiền Phương nhấn mạnh, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Internet thông thường phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự: “Trong đó, trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất do toà án áp dụng đối với các chủ thể đã thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự có thể phải gánh chịu các biện pháp chế tài pháp luật như cảnh cáo, phạt tiền, phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình… Điển hình nhất là hành vi xâm hại tình dục trẻ em qua mạng”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.