Ngành Giáo dục cũng đã thực hiện thành công các mục tiêu lớn trong Chiến lược phát triển giáo dục, bao gồm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Những “dấu ấn” quan trọng
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ, Nghị quyết Trung ương lần thứ 2, năm 1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 là Nghị quyết đầu tiên của Đảng tập trung nói một cách toàn diện về sự nghiệp giáo dục của đất nước phải đổi mới.
Đây là một dấu mốc rất quan trọng, những chủ trương như xây dựng trường lớp bắt đầu thực hiện một cách quy mô, trước đây làm nhỏ lẻ từng nơi, từng địa phương nhưng thông qua Nghị quyết này, lãnh đạo các cấp cũng như các địa phương đã quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn.
Ông Minh đánh giá, khi trường lớp phát triển, có điều kiện thu hút học sinh nhiều hơn, đương nhiên lực lượng thầy cô giáo cũng được phát triển theo quy mô và trình độ. Tại TPHCM, năm 1995 phổ cập giáo dục tiểu học mở đầu chương phổ cập sau này. Từ đó phát triển phổ cập bậc trung học và trẻ mầm non 5 tuổi. Với đào tạo nhân tài thì đã đưa hệ thống trường chuyên vào đào tạo một cách bài bản hơn. Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo về việc thực hiện các chương trình này.
“Với Nghị quyết Trung ương 2, giáo dục phát triển đáp ứng được nhu cầu chỗ học cho con em nhân dân. Nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên ở góc độ hội nhập quốc tế, phải nói rằng Việt Nam chưa có điều kiện để phát triển đúng tầm. Thực hiện đổi mới hội nhập quốc tế, mãi đến năm 2006, TPHCM mới có mô hình trường giảm sĩ số học sinh trong lớp, đổi mới cách dạy theo xu hướng của thế giới như dạy học cá thể hóa, tạo điều kiện cho thầy cô dạy theo dự án,…
Có thể đánh giá, thực hiện Nghị quyết của Đảng, ngành Giáo dục đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, tuy nhiên theo bước phát triển của thế giới thì còn phải phấn đấu nhiều về phương pháp dạy học, đánh giá, thi cử…”, ông Minh nhận định và đồng thời nhấn mạnh, đến khi Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” ra đời, những vấn đề bất cập nói trên mới được khắc phục.
Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ năm 1996 đến nay, giáo dục đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân.
Ngành Giáo dục đã thực hiện thành công các mục tiêu lớn trong Chiến lược phát triển giáo dục, bao gồm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới, nhất là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành Giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn.
Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
“Hệ thống trường lớp, quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao trình độ đào tạo, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.
Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là với các dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bình đẳng giới được bảo đảm. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác phát triển đội ngũ được đặc biệt chú trọng để củng cố, đổi mới. Cơ sở vật chất trường lớp học tăng thêm, từng bước hiện đại hóa. Xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng”, ông Ân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ân, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta bước đầu đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng; ban hành và triển khai chương trình, sách giáo khoa mới với nhiều bộ sách xã hội hóa. Chủ trương tự chủ đại học được Luật Giáo dục đại học quy định đã mở ra sự phát triển đúng hướng cho giáo dục và đào tạo.

Tiên phong trong giáo dục
PGS.TS Huỳnh Thế Nguyễn - Trường Đại học Tài chính - Marketing nhận định, trong chặng đường 50 năm hình thành và phát triển, ngành Giáo dục TPHCM đã có những bước tiến vượt bậc, đóng vai trò tiên phong trong nhiều lĩnh vực.
Theo ông, ngay sau ngày thống nhất đất nước, TPHCM là địa phương đi đầu trong phong trào xóa mù chữ, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế khi tiên phong xây dựng nền giáo dục hiện đại, sở hữu số lượng trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất cả nước và tích cực hội nhập quốc tế.
“Hiện nay, trong hơn 270 trường đại học trên cả nước, TPHCM có gần 60 trường, hầu hết đều định hướng quốc tế, thúc đẩy hội nhập sâu rộng. Thành phố cũng dẫn đầu về số lượng trường mầm non, THPT đạt chuẩn, với hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khang trang. Dù chưa thể so sánh với các cường quốc giáo dục hàng đầu, nhưng với lộ trình này, TPHCM sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong tương lai”, PGS.TS Huỳnh Thế Nguyễn đánh giá.
Cũng theo chuyên gia này, TPHCM đã xây dựng chiến lược giáo dục bài bản, có định hướng rõ ràng. “Mọi sự phát triển, dù là kinh tế hay xã hội, đều phụ thuộc vào con người, và giáo dục chính là chìa khóa. Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, chiến lược nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đơn cử, chiến lược việc làm theo Quyết định 1641 đã xác định rõ mục tiêu từ giáo dục cơ sở, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Nguyễn nói.
Ở bậc phổ thông, TPHCM tiếp tục khẳng định sự đổi mới với phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”. Học sinh không chỉ học tập trong môi trường hiện đại mà còn được khuyến khích tư duy sáng tạo, chủ động tiếp cận tri thức. Các em không còn thụ động tiếp thu mà đã biết cách tự học, ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả các nguồn tài liệu trên Internet.
“Tôi hy vọng các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai bộ tiêu chí ‘Trường học hạnh phúc’, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh phát huy tối đa năng lực. Giáo viên cũng cần được quan tâm về đời sống, giảm áp lực từ những công việc hành chính để tập trung giảng dạy, hỗ trợ học sinh tốt nhất”, PGS.TS Huỳnh Thế Nguyễn nhấn mạnh.

Quả ngọt sau 50 năm
Tháng 9/2024, TPHCM chính thức được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2 - mức độ cao nhất theo quy định của Bộ GD&ĐT đã thể hiện cố gắng vượt bậc của thành phố trong bối cảnh còn nhiều thách thức.
Cũng trong năm 2024, TPHCM đã vinh dự được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Để đạt được các kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, Thành ủy, UBND TPHCM đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho ngành Giáo dục linh hoạt, thuận lợi triển khai các nhiệm vụ, chương trình năm học.
Đơn cử, năm 2024, thành phố đã ban hành “Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM đã triển khai xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh cả về không gian văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng.
Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đã sử dụng hợp lý, khai thác hiệu quả Không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm không gian giảng dạy và học tập đối với các bộ môn, các buổi học tập và sinh hoạt cho đoàn viên, thanh niên.

Đặc biệt, ngành Giáo dục thành phố đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 100% cơ sở giáo dục thực hiện nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu.
Ngoài ra, thành phố đang khẩn trương hoàn thành các quy trình, thủ tục nhằm đảm bảo các đề án thành phần trong Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ, thuộc chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM được triển khai thông suốt, kịp tiến độ.
Bên cạnh những thuận lợi, năm học vừa qua, TPHCM cũng gặp một số khó khăn do một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn như: Quy định về tỷ lệ trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; chưa có quy định kinh phí chi trả thu nhập cho đội ngũ nhân viên hợp đồng, hướng dẫn về điều kiện chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non đối với giáo viên nước ngoài giảng dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo…
Vì vậy, TPHCM tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của HĐND TPHCM dành cho giáo dục; đồng thời tiếp tục tham mưu trình HĐND TPHCM thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ cho giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội…