Giáo dục tiến bộ ở tất cả các cấp học; giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận tiến bộ của ngành Giáo dục trong 5 năm qua; Bộ GD-ĐT “chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT 2021, lý giải vấn đề xếp hạng đạo đức giáo viên,… được dư luận quan tâm.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh minh họa/ INT
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh minh họa/ INT

Giáo dục tiến bộ ở tất cả các cấp học

Trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ (sáng 24/3), Thủ tướng ghi nhận giáo dục có sự tiến bộ ở tất cả các cấp học, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với thị trường lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, phát triển giáo dục, văn hóa xã hội là phát huy sức mạnh “nội sinh” của quốc gia. Khi kinh tế càng phát triển thì chúng ta càng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và chính sự năng động sáng tạo của người dân, doanh nghiệp là nguồn nội lực bền vững cho phát triển. Đó phải chăng là vòng xoay thăng tiến của thịnh vượng, đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Đánh giá giáo dục có sự tiến bộ ở tất cả các cấp học, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, Thủ tướng nhấn mạnh, các giá trị văn hóa dân tộc được củng cố và phát huy, đang ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, năm học 2019-2020 đã hoàn thành kế hoạch, bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, sinh viên và giáo viên, tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, tự chủ đại học được đẩy mạnh, việc kiện toàn hội đồng trường được triển khai quyết liệt. Tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sách giáo khoa để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Intertnet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Intertnet)

“Chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Những sửa đổi, bổ sung liên quan đến hội đồng thi, xếp phòng thi; sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đối tượng, điều kiện dự thi; đề thi và in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi; chấm thi, bảo lưu điểm thi, điểm khuyến khích; cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; thanh tra, kiểm tra thi; xử lý thí sinh vi phạm quy chế.

So sánh Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT với Quy chế hiện hành có thể thấy, chỉ có một số thay đổi về kỹ thuật. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản giữ ổn định.

Bộ GD-ĐT lý giải chuyện xếp hạng đạo đức giáo viên

Đại diện Bộ GD-ĐT đã có lý giải về việc ở từng hạng giáo viên trong chùm thông tư mới về bổ nhiệm, xếp hạng lại có riêng tiêu chí riêng về đạo đức nghề nghiệp.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Intertnet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Intertnet)

Trả lời báo chí, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã có những lý giải vấn đề này.

"Theo đó, quy định về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo, nhà giáo đã có quy định riêng về đạo đức nhưng nhà giáo ở đây cũng là một viên chức. Do đó, chúng tôi phải có sự kết hợp cả tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp.

Việc ở mỗi hạng đều có tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo thì chúng tôi làm rõ rằng, chùm thông tư phải tuân thủ yêu cầu theo quy định của Luật, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Nội vụ. Cụ thể mỗi hạng chức danh nghề nghiệp ngoài tên hạng phải có 4 tiêu chuẩn: tiêu chuẩn nhiệm vụ, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chúng tôi chỉ có một quy định về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo thống nhất cho tất cả giáo viên ở các hạng. Nhưng ở các hạng cao hơn, chúng tôi có yêu cầu và mức độ thực hiện khác nhau" - ông Bình nói.

Tất cả giáo viên hạng 2 đều phải thực hiện yêu cầu đạo đức của giáo viên ở hạng 3 nhưng đã phấn đấu lên hạng 2 thì thầy cô đều phải gương mẫu trong thực hiện các quy định này. Ở hạng 1 cũng phải thực hiện tất cả quy định ở hạng 3 nhưng khi đã phấn đấu lên hạng 1 thì thầy cô còn phải có nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp cùng thực hiện tốt các quy định này.

Chẳng hạn, với quần chúng chỉ cần chấp hành tốt nhưng Đảng viên thì phải nêu gương, gương mẫu. Hoặc trong công chức, chuyên viên sẽ phải chấp hành tất cả các quy định chung nhưng chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc những người ở chức danh lãnh đạo thì phải có trách nhiệm nêu gương, nhắc nhở, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện.

Trước đây, trong ngành đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc khi giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Rõ ràng, đối với giáo viên hạng 2, hạng 1 sẽ phải có trách nhiệm phát hiện những hành vi, biểu hiện để kịp thời hỗ trợ giúp đỡ để đồng nghiệp không dẫn đến hành vi vi phạm khiến xã hội, dư luận lên án.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Intertnet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Intertnet)

Tuyển sinh trường Quân đội năm 2021 thêm 4 quy định riêng

Tuần qua, thông tin với báo chí, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng cho biết, tuyển sinh năm 2021 có một số điều chỉnh như thêm 4 quy định riêng và bỏ 2 ngành học.

Theo đó, năm 2021, không tuyển sinh đào tạo ngành Tài chính tại Học viện Hậu Cần và ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng tại Học viện Khoa học Quân sự như những năm trước đây. 

Ban hành một số tiêu chuẩn quy định riêng trong tuyển sinh quân đội với 4 nội dung sau: 

Thứ nhất, Các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần (chỉ tuyển thí sinh nam)

Về thể lực: Tuyển thí sinh nam cao từ 1,65m trở lên, cân nặng từ 50kg trở lên,

Về mắt: Không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị.

Thứ hai, Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự và Hệ đào tạo Kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không - Không quân:

Về Thể lực:  tuyển thí sinh cao từ 1,63m trở lên, cân nặng từ 50kg trở lên;

Thí sinh nữ: Cao từ 1,54 trở lên, cân nặng từ 48kg trở lên.

Về mắt: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi -ốp, kiểm tra thị lực sau chỉnh kính đạt điểm 1 (thị lực mắt phải đạt 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10 trở lên).

Thứ ba, Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào các trường: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) có thể đạt điểm 1 và điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, riêng thí sinh nam phải đạt chiều cao từ 1,62m trở lên.

Thứ tư, Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thuộc 16 dân tộc rất ít người: Được lấy chiều cao từ 1,60m trở lên, các tiêu chuẩn khác được thực hiện như đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ