Giáo dục thường xuyên lo thiếu học viên

Giáo dục thường xuyên lo thiếu học viên

(GD&TĐ) - Đến thời điểm này, số lượng học viên (HV) đăng ký theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) ở TPHCM rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vì lý do nào đi nữa nhưng rõ ràng đây là một bài toán mà thực tế đã đưa ra bắt buộc phải có một lời giải thỏa đáng để GDTX không chỉ đứng yên một chỗ mà phải tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong năm học mới. 

Thiếu trầm trọng “đầu vào” 

Theo báo cáo của Ban giám đốc Trung tâm GDTX Tân Bình, tính đến ngày 6/8 trong danh sách đăng ký theo học năm học 2013 - 2014 đã có gần 800 HV. Nếu nhìn vào kế hoạch thì khoảng cách giữa con số này với con số chỉ tiêu cần đạt cũng không xa lắm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho khâu “đầu vào” của một trung tâm dạy Bổ túc văn hóa mà nhiều đơn vị GDTX lân cận còn mơ ước. Tuy nhiên nếu nhìn lại sĩ số HV năm trước thì biểu đồ số lượng HV của trung tâm này cũng đã có phần đi xuống. 

Ông Phan Minh Khoa – Giám đốc trung tâm cho biết, vào thời điểm này năm ngoái, nhà trường đã mở được 17 lớp 10 đến năm nay dự kiến 14 lớp nhưng hiện nay mới chỉ được 12 lớp. Nhìn sang Trung tâm GDTX Tân Phú những năm trước đây là nơi hút nhiều HV theo học nhất nhưng theo báo cáo của BGĐ năm nay cũng chỉ được 12 lớp 10, số HV đăng ký thêm hy vọng cũng không có nhiều.

Bà Lê Thị Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm GDTX Thủ Đức cũng đang trong tâm trạng lo lắng vì thiếu HV. Bà giám đốc cho biết nếu năm trước nhà trường tiếp nhận 1.400 hồ sơ HV đăng ký vào học tại trung tâm một cách thuận lợi thì năm nay vẫn chưa “cán đích” con số 1.200 HV.

Tại Trung tâm GDTX quận 10 nhiều năm nay do khó khăn về phòng ốc nên số lượng lớp mở ra thường “thua chị kém em” hơn các trung tâm khác nhưng năm nay tình hình lại còn “căng” hơn nữa. Do chỉ “tuyển mộ” được 5 lớp 10 nên số lượng lớp đành “co” lại ở con số 20.

Tuy nhiên nhìn qua nhìn lại với các trung tâm khác thì đây là nhưng đơn vị đang dẫn đầu về sĩ số HV trong năm học mới. “Thảm cảnh” thiếu HV không chỉ rơi vào các trung tâm quận huyện mà ngay cả mấy trung tâm GDTX cấp TP cũng chịu chung “số phận”.

Khi được hỏi về số lượng HV năm nay, ông Đặng Quốc Định - Giám đốc Trung tâm GDTX Lê Quý Đôn buồn bã cho biết năm nay dù rất cố gắng nhưng nhà trường cũng chỉ mở được 4 lớp ở khối 10 với gần 200 em. Với vẻn vẹn 160 HV khối 10 nên Trung tâm GDTX Chu Văn An cũng không “chạy” theo kịp chỉ tiêu 11 lớp như kế hoạch năm học. 

Cơ sở vật chất tại các TT GDTX cần được cải thiện nhằm thu hút học viên
Cơ sở vật chất tại các TT GDTX cần được cải thiện nhằm thu hút học viên
 

Hy vọng mong manh

Ông Lê Công Thành – Giám đốc Trung tâm GDTX Bình Tân thống kê hiện nay trên địa bàn quận đã có tới 5 trường THPT công lập và 2 trường THPT dân lập trong lúc số lượng HS không nhiều vì thế đến thời điểm này trường chỉ mở được hơn 1 lớp 10 là lẽ đương nhiên. Cũng theo ông Thành, lượng HV trước đây của trung tâm chủ yếu từ Bình Chánh đổ về nhưng năm nay “dòng chảy” ấy đang bị ngăn lại do lực hút hấp dẫn từ hệ thống trường lớp được xây mới của huyện ngoại thành.

Một giám đốc cho biết, năm nay hầu hết HS trong độ tuổi chuyển cấp THPT sinh năm 1998, tính theo âm lịch là tuổi Dần nên số lượng không áp đảo bằng tuổi heo vàng hay rồng vàng. Chính vì quan niệm cổ xưa này mà danh sách đăng ký nhập học vào các lớp đầu cấp hàng năm tại các địa phương không đi theo một đường thẳng bất biến mà lên xuống theo quy luật của một đồ thị hình sin.  

Thiếu HS cũng là tình hình chung của GDPT nên đã gây ra sự cộng hưởng sang cả GDTX. Không chỉ các trường THPT ở Bình Chánh hạ điểm chuẩn lớp 10 mà các trường khác ở Q.7 như THPT Nam Sài Gòn, Lê Thánh Tôn cũng hạ “sàn” xuống chỉ còn 13 điểm nên số HS “lọt” ra ngoài rất ít. Có thể nói đây là những lý do khách quan và có cơ sở thực tế gây nên sự thiếu hụt “đầu vào” của GDTX tại TPHCM.  

Thực hiện nhiệm vụ phổ cập GD bậc THCS và THPT nên từ trước tới nay GDTX “gánh” luôn trách nhiệm vận động con em lao động nghèo, dân nhập cư ra lớp. Tuy nhiên theo đánh giá chung, cơn sóng nhập cư vào TP gần như bão hòa và bắt đầu ổn định. Đây cũng là lý do lượng HV vừa học vừa làm giảm sút tại các trung tâm trong năm nay. 

Nếu nhìn từ góc độ nhà quản lý rõ ràng đây là kết quả tất yếu của sự nỗ lực không ngừng của các cấp và chính quyền địa phương trong việc chăm lo xây dựng và phát triển nền GD. Nhưng trong niềm vui đó lại thoáng nỗi lo của các trung tâm GDTX khi thiếu nguồn “đầu vào” chuẩn bị cho năm học mới. Mặc dù đã có dự báo từ trước nhưng khi đứng trước thực tế khó khăn thì bắt buộc ngành GD phải giải được bài toán có nhiều nghiệm này. 

Ông Huỳnh Tấn Thanh – Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An cho biết nếu trung tâm thiếu 7 lớp 10 theo dự kiến thì sẽ kéo theo tình trạng GV không đủ lớp để dạy. Nhìn vào thời khóa biểu các lớp tối của Trung tâm GDTX quận 1 khai giảng tháng 8 chỉ có vỏn vẹn 2 lớp 10N3 và 12B1. Còn 3 lớp khác gồm 10B1, 11B1 và 12B2 vẫn nằm trong “dự án treo” vì chưa có HV. BGĐ ở đây thông báo do có 1 số GV mới về nhận nhiệm sở nên các GV thỉnh giảng thông cảm vì chưa có lớp để phân công dạy như các năm trước. 

Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm GDTX Tân Bình hy vọng, dù sao vẫn còn một tháng nữa mới chính thức học nên mong rằng sĩ số HV không dừng lại như trong thời điểm này. Nhưng ông Phú Ngọc Hùng – Giám đốc Trung tâm GDTX quận 7 cho biết nếu có cũng chủ yếu sẽ là một số HV có sổ hộ khẩu KT3 hoặc tạm trú nhưng số lượng cũng không nhiều. Chính vì thế con số 4.500 HV cho toàn TP chưa hẳn là mục tiêu dễ dàng đạt được cho các trung tâm GDTX khi chuẩn bị tâm thế để bước vào năm học mới.

Phan Ngọc Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ