Nhận diện đổi mới GD THPT
GS Phạm Quang Trung trao đổi, sự thay đổi của GD thể hiện ở một số điểm như: Nhà trường từ chỗ khép kín chuyển sang mở cửa ra xã hội, đối thoại với xã hội và gắn bó chặt chẽ với nghiên cứu KHCN và ứng dụng. Việc dạy học chuyển từ chủ yếu truyền thụ nội dung sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học.
Người thầy thay vì chỉ truyền đạt tri thức, chuyển sang là người hướng dẫn, tổ chức hoạt động học tập, hoạt động GD, thu hút người học tham gia tích cực, qua đó từng bước hình thành, phát triển ở người học năng lực tư duy, năng lực hành động, hướng dẫn người học phương pháp học để họ có thể chủ động khám phá, tìm hiểu, tiếp thu những tri thức mới, biết vận dụng vào giải quyết các vấn đề của đời sống.
Đầu tư cho GD từ chỗ được xem là phúc lợi xã hội chuyển sang đầu tư cho phát triển. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phù hợp hình thức tổ chức dạy học, GD theo hướng hiện đại. Điều chỉnh cơ cấu và quy mô, nâng cao trình độ đào tạo đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thực tiễn, tăng hiệu quả GD, nhạy bén và thích ứng nhanh với những biến động của nhu cầu nhân lực...
Cũng theo GS Phạm Quang Trung, đối với GD THPT cần có những đổi mới sau: Một là, đổi mới mục tiêu GD THPT, hướng tới phát triển toàn diện về đạo đức, tri tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản của học sinh nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho HS tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, đổi mới căn bản các yếu tố GD như: Nội dung GD, nội dung dạy học, hình thức, phương pháp GD, kiểm tra - đánh giả kết quả GD-ĐT…
Ba là đổi mới quản trị trường học, đổi mới cách đầu tư, trang bị, khai thác cơ sở vật chất thiết bị theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động dạy học GD theo chương trình mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất HS.
Hiệu trưởng phải đảm nhiệm nhiều vai
GS.TS Phạm Quang Trung |
Cho rằng, yêu cầu đổi mới GD đòi hỏi phải lấy nhà trường làm cơ sở, GS Phạm Quang Trung nhấn mạnh: Hiệu trưởng nhà trường ngày nay phải đảm nhiệm nhiều “vai” trong một. Theo đó, với ý nghĩa rộng nhất, cán bộ quản lý đóng các vai trò người điều khiển; Người thực hiện; Người theo dõi; Người phối hợp; Người cố vấn; Người thúc đẩy; Người đổi mới và Người môi giới.
Có thể khẳng định, hiệu trưởng trường THPT có vai trò quan trọng trong quá trình lãnh đạo chuyển đổi nhà trường, hoạch định chiến lược, huy động nguồn lực phát triển, xây dựng văn hóa trường học và GD toàn diện học sinh. Những thay đổi của môi trường bên trong, bên ngoài nhà trường và yêu cầu của sự phát triển xã hội đã làm cho chức năng nhà trường thay đổi dẫn đến chức năng của hiệu trưởng có nhiều điểm khác trước.
Hiệu trưởng điều hành nhà trường thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đó trong một cơ chế quản lý mới, với một đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên, những người lao động có trình độ cao... nên hiệu trưởng phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể thông qua sự định hướng, dẫn dắt, trao quyền, tạo động lực cho mọi người làm việc. Cùng với đó, hiệu trưởng phải biết xây dựng nhà trường thành hệ thống để đón nhận các phản ánh, yêu cầu và sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội.
“Trên cơ sở thực tiễn bối cảnh GD, có thể xem xét chất lượng đội ngũ CBQL trường THPT theo các lĩnh vực chính: Lãnh đạo và quản trị các hoạt động trong nhà trường; hoạt động cộng đồng, xã hội” - GS Phạm Quang Trung đề xuất, đồng thời nhấn mạnh: Hiệu trưởng phải hoạch định sự phát triển; đề xướng sự thay đổi; thu hút và phát triển nguồn lực; thúc đẩy sự phát triển; duy trì sự phát triển bền vững cho nhà trường.