Những thách thức chưa có tiền lệ
Là người trong cuộc, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cho rằng, Covid-19 đặt ra nhiều rất thách thức khác nhau cho hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
Trong đó, một số thách thức cơ bản như làm sao vừa bảo đảm điều kiện tốt nhất để học sinh tiếp thu đầy đủ kiến thức; đồng thời lại phải bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho học sinh và đội ngũ giáo viên, xây dựng môi trường sư phạm an toàn, thân thiện. Bên cạnh đó, hoàn thành được chương trình kế hoạch dạy học và kiên trì mục tiêu chất lượng trong bối cảnh dịch Covid -19.
Khó khăn mà hầu hết các nhà trường phải đối mặt trong thời gian tạm dừng đến trường còn là làm thế nào để kết nối với học sinh và đảm bảo tính liên tục của hoạt động giảng dạy thông qua hình thức đào tạo trực tuyến.
Đối với học sinh, sinh viên ở các thành phố lớn, đào tạo trực tuyến là cách tốt nhất để giảng dạy học sinh, sinh viên trong bối cảnh cách li tại nhà. Tuy nhiên, nhiều học sinh vùng sâu vùng xa không có đường truyền kết nối internet ổn định, nên để bảo đảm tính liên tục của giáo dục thông qua phương thức học từ xa đã trở thành một thách thức.
Học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất (đường truyền, trang thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến...) nhiều nơi chưa đáp ứng, nhiều gia đình không đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị học tập cho con em; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên và việc giám sát, hỗ trợ con em học trực tuyến của cha mẹ học sinh nhìn chung còn hạn chế.
Cũng phải nói đến thách thức là làm thế nào để giải quyết khó khăn cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh và các cơ sở đào tạo. Nhiều phụ huynh ở Việt Nam phải nghỉ làm để chăm sóc con nhỏ. Hơn nữa, việc đồng thời làm việc tại nhà và kết hợp chăm sóc con cái có thể làm giảm năng suất lao động.
Thêm vào đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đẩy các trường học và cơ sở giáo dục tư nhân đối mặt với nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn và hệ quả là phá sản. Từ đó mà hàng nghìn người mất việc, và hàng triệu học sinh, sinh viên bị gián đoạn việc học.
Đối với các cơ sở giáo dục công lập, các quyết định không chắc chắn sẽ gây ra sự chậm trễ trong việc đóng học phí của học sinh, sinh viên và từ đó ảnh hưởng tới tiền lương của giáo viên và đội ngũ nhân viên.
Đối với các cơ sở giáo dục dạy học trực tiếp, việc kiểm soát dịch bệnh không để xảy ra và lây lan trong nhà trường, các cơ sở giáo dục cũng là thách thức lớn…
Nỗ lực, thích ứng với điều kiện phi truyền thống
Dù trong bối cảnh không thuận lợi, nhưng ông Phùng Quốc Lập nhận định, ngành Giáo dục đã rất nỗ lực và đạt được kết quả đáng khích lệ. Điều này khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, sự thích ứng, linh hoạt và những quyết sách phù hợp, cấp thiết, sát với tình hình thực tế của các cấp, bộ, ngành trung ương và địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở Giáo dục và Đào tạo trong quan điểm chỉ đạo cũng như hành động cụ thể để ứng phó với đại dịch.
Theo đó, điều đáng ghi nhận đầu tiên được Phó giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ nhấn mạnh là Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo.
Khung thời gian năm học được điều chỉnh phù hợp; ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình học, xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, làm cơ sở cho các địa phương, các cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, nhất là ở những địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Căn cứ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục bảo đảm đúng quy định, linh hoạt, sáng tạo và sát thực tế; đặc biệt phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Ban hành kịp thời hệ thống các văn bản chỉ đạo tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, các văn bản về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; ban hành kế hoạch dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Một loạt các giải pháp để duy trì mục tiêu chất lượng được triển khai trong toàn ngành. Trong đó có việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hình thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu của phương thức này; quan tâm sâu sát, cụ thể đến điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ việc dạy, học đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
Cùng với đó, hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp; xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.
Các cơ sở giáo dục đại học thì đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từng bước chuyển đổi việc tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra đánh giá và bảo vệ tốt nghiệp sang hình thức trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh
Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường, nhiều biện pháp được triển khai. Trong đó có tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi; rà soát gửi Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vaccine cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định. Quán triệt, thông tin, truyền thông trong toàn ngành, tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh cần nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người" thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với thông điệp “tất cả vì tương lai con em chúng ta”.