Giáo dục thể chất: Xóa định kiến môn chính, môn phụ

GD&TĐ - Lâu nay, Giáo dục thể chất vẫn bị xem nhẹ do quan niệm đây là môn học phụ; trong đó có cả người học và người dạy.

Giáo dục thể chất là một trong bốn lĩnh vực cốt yếu: Đức - Trí - Thể - Mỹ. Ảnh: NVCC
Giáo dục thể chất là một trong bốn lĩnh vực cốt yếu: Đức - Trí - Thể - Mỹ. Ảnh: NVCC

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phần nào xóa bỏ suy nghĩ trên khi Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, có sách giáo khoa cho từng lớp học.

Bình đẳng giữa các môn học

Dù học trực tuyến hay học trực tiếp, Đào Lâm Duy – học sinh lớp 7, Trường THCS Thủ Sỹ (Tiên Lữ, Hưng Yên) luôn nghiêm túc trong các tiết học Giáo dục thể chất. Với Duy, đây là môn học quan trọng, giúp em rèn luyện sức khoẻ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Theo thầy Trần Trung Sơn – giáo viên, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TPHCM), Giáo dục thể chất là một môn học quan trọng, giúp học sinh rèn luyện sức khoẻ, góp phần vào phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn coi đây là môn học phụ. “Là giáo viên thể dục, tôi cũng có chút chạnh lòng. Tôi tự nhủ, phải làm tốt công việc dạy học, trách nhiệm, tận tâm với học trò trong từng tiết học. Bởi chính những đổi mới của mình sẽ giúp học sinh có cách nhìn khác về môn học. Tôi cũng mong, phụ huynh nên nhìn sâu rộng hơn về môn học này”, thầy Sơn bộc bạch.

Để xoá bỏ định kiến môn phụ, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh, cô Nguyễn Thị Lan – giáo viên Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương) còn khuyến khích, tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa theo nhu cầu, sở thích. Qua đó, khích lệ tinh thần hăng say luyện tập thể dục, thể thao (TDTT) của các em. Ngoài ra, cô tham mưu với nhà trường thành lập các câu lạc bộ thể dục, thể thao nhằm thu hút đông đảo học sinh tham gia.

“Cần thay đổi nhận thức để khi nhắc tới các hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường, học sinh không cảm thấy sợ, ngại học mà mong muốn được tham gia và trở thành đam mê, sở thích của các em, để chính các em thấy được ý nghĩa và tác dụng của các hoạt động trong môn học” – cô Lan trăn trở, đồng thời cho rằng: Môn giáo dục thể chất có sách giáo khoa là một trong những giải pháp đầu tiên, thể hiện sự bình đẳng giữa các môn học với nhau trong chương trình giáo dục phổ thông.

Giờ học bóng đá của học sinh THPT Ngô Gia Tự. Ảnh: NVCC
Giờ học bóng đá của học sinh THPT Ngô Gia Tự. Ảnh: NVCC

Thay đổi nhận thức

Trong quá trình giảng dạy, cô Lan đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động, hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao cho học sinh; giúp các em xây dựng nếp sống lành mạnh, biết vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào hoạt động thường ngày. Ngoài ra, cô sử dụng hợp lý các loại dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích kết hợp với âm nhạc để làm “nền”, tạo không khí vui tươi, hưng phấn, sự đam mê, yêu thích cho học sinh, sinh viên khi tập luyện thể dục thể thao.

Cô Lan cũng áp dụng nhiều phương pháp, hình thức kỹ thuật, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ để bám sát quá trình tiến bộ của học sinh, qua đó khích lệ sự cố gắng của mỗi trò. Cô không áp dụng máy móc theo hình thức: Ghi học bạ hay ghi vào sổ theo dõi nhận xét từng học sinh vào cuối kỳ, cuối năm. “Tôi đánh giá kết quả học tập của học sinh dựa theo mục tiêu bài học và trong suốt quá trình học tập, thông qua câu hỏi, bài tập. Quan trọng là hình thành và phát triển kỹ năng tự đánh giá và đánh giá giữa học sinh với nhau” – cô Lan chia sẻ.

“Đặc biệt, chúng tôi thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với giáo viên dạy bộ môn theo quy định. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng giáo viên, học sinh có thành tích trong môn Giáo dục thể chất bình đẳng như các môn văn hóa: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh…” – thầy Hiệp trao đổi.

Để nâng cao vị thế môn Giáo dục thể chất, Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương) luôn khuyến khích, tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa theo sở thích. Qua đó, khích lệ tinh thần hăng say luyện tập thể dục, thể thao của các em. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Sinh Hiệp – cho biết: Nhà trường thành lập một số câu lạc bộ như: Bóng bàn, bóng đá, cầu lông, cờ vua…; tổ chức các sân chơi thể dục, thể thao thi đấu vào các ngày sinh hoạt tập thể, hoạt động trải nghiệm…

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường THCS Thanh Hồng đã đầu tư, xây dựng bãi tập rộng hơn 2.600m2. Bãi tập có nền mềm, mặt cỏ, đường chạy mềm, sân bóng đá 7 người…. Nhà trường còn xây dựng nhà đa năng rộng 450m2 phục vụ cho nhiều mục đích và các hoạt động thể dục, thể thao; trong đó có: 2 sân cầu lông, 1 bàn bóng bàn, 1 khu vực vận động xà đơn, kép… Ngoài ra, nhà trường mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện phục vụ môn học như: Bộ thiết bị đồ dùng môn học theo danh mục của Bộ GD&ĐT; 1 bàn Bóng bàn; 2 xà đơn, 1 xà kép, 4 bộ vận động; 1 bể bơi di động…

Theo PGS.TS Đặng Văn Dũng -  Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, lâu nay, bộ môn Giáo dục thể chất trong nhà trường thường chưa được chú trọng, vẫn mang tâm lý “môn phụ”. Trước đây, nhiều người coi môn học Giáo dục thể chất là thể dục. Trong giờ chủ yếu dạy học sinh các động tác vận động… Tuy nhiên, thực tế đây là môn học quan trọng, là một trong 4 lĩnh vực cốt yếu: Đức - Trí - Thể - Mỹ. Vì vậy, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

Để nâng cao vị thế môn học Giáo dục thể chất, xoá bỏ định kiến môn phụ đối với bộ môn này, PGS.TS Đặng Văn Dũng – cho rằng, cần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của môn học trong hệ thống giáo dục quốc dân và toàn xã hội. Trước hết, cần thay đổi nhận thức ngay trong ngành Giáo dục, từ đó tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Cần nhìn nhận giáo dục thể chất, thể thao trường học đóng vai trò quan trọng, là hoạt động vận động không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi học sinh và các thầy cô giáo.

“Làm tốt công tác giáo dục thể chất cho học sinh sẽ tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững, lâu dài đối với sức khỏe, thể chất và trí tuệ con người” - PGS.TS Đặng Văn Dũng nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị: Cần thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới đối môn Giáo dục thể chất. Theo đó, ngoài việc đảm bảo nội dung chương trình, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, cần quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất như: Sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, thi đấu trong các nhà trường.

“Theo tôi, nghề giáo nói chung và giáo viên dạy giáo dục thể chất nói riêng đều được trân trọng. Điều quan trọng là làm cho mọi người nhận thức đúng được vị trí, vai trò của giáo dục thể chất trong hệ thống giáo dục quốc dân. Và mỗi giáo viên giáo dục thể chất phải là những tấm gương cho học sinh và đồng nghiệp trong việc rèn luyện thể chất và hoạt động nghề nghiệp”. - PGS.TS Đặng Văn Dũng 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ