Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phát biểu đề dẫn, TS Nguyễn Duy Quyết – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, Hội thảo nhằm tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý có cơ hội trao đổi, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học.
Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác thể dục thể thao nói chung, giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao nói riêng.
Hội thảo được tổ chức đúng thời điểm Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển; đồng thời kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Hội thảo cũng là sự kiện đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển của Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội nói riêng, cho ngành giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao Việt Nam nói chung.
Tham luận về sức khoẻ học đường và chuyển đổi số, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) – trao đổi, chuyển đổi số trong giáo dục là xu hướng toàn cầu hóa, xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh; đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay.
Sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI, SMAC (mạng xã hội - di động - phân tích dữ liệu lớn - điện toán đám mây) đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số nói chung và quản lý số nói riêng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, hiện nay, bệnh học đường và và một số bệnh liên quan đến lứa tuổi trẻ em, học sinh có xu hướng gia tăng như: cận thị, bệnh về răng miệng, thừa cân - béo phì, các bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần… “Nói chung, đại dịch Covid-19 buộc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe” - PGS.TS Nguyễn Thanh Đề nhấn mạnh.
Đề cập đến ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe học đường, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất trao đổi, bữa ăn học đường có thể truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, số hóa trong quản lý bữa ăn, khuyến cáo nhu cầu năng lượng phù hợp với lứa tuổi, thể trạng dinh dưỡng, mức độ hoạt động thể chất,…
Đối với giáo dục thể chất, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề trao đổi, cần xây dựng hệ thống bài giảng E-Learning hướng dẫn các bài tập, để học sinh có thể tập mọi nơi, mọi lúc, kèm thông tin về mức độ tiêu hao năng lượng cho mỗi bài/tgian tập;
Mặt khác, có thể số hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe như: kết nối với các app theo dõi sức khỏe cá nhân với nhà trường, nhà quản lý; tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua app, hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI),.. Truyền thông sức khỏe học đường và giáo dục sức khỏe học đường qua nhiều kênh phù hợp sở thích của trẻ,…