(GD&TĐ) - Hiện nay ở không ít trường đại học, cao đẳng… môn Giáo dục thể chất (GDTC) vẫn bị nhiều học sinh, sinh viên xem nhẹ và học theo kiểu… cho có.
Mặc dù Luật Thể dục, thể thao (năm 2006, tại mục 2 GDTC và thể thao trong nhà trường) đã quy định rất rõ, GDTC là môn học chính khoá thuộc chương trình giáo dục nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học thông qua các bài tập và trò chơi vận động, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho HSSV. Nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho GDTC và thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên TDTT cho các bậc học... Nhưng thực tế từ trước tới nay môn học GDTC vẫn không ít trường coi là... môn học phụ. Chính vì vậy, sự quan tâm và đầu tư của không ít trường đối với môn học này chưa thật đầy đủ, thiết bị phục vụ giảng dạy, tập luyện vẫn còn nhiều thiếu thốn, không chú trọng đầu tư, thậm chí hiện rất nhiều trường ĐH, CĐ… diện tích chật hẹp không có sân tập phải đi học nhờ.
Không ít học sinh, sinh viên vẫn xem nhẹ môn học GDTC |
Ông Ngô Quang Huy – Giám đốc Trung tâm GDTC và thể thao - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, mặc dù công tác GDTC đã được Bộ GD&ĐT, cũng như các cấp lãnh đạo nhà trường hết sức quan tâm, thể hiện qua việc thường xuyên đổi mới, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, sân bãi dụng cụ và cả đội ngũ giáo viên. Một số trường còn đầu tư cải tạo và xây dựng nhiều công trình TDTT mới to lớn và hiện đại, đã và đang phục vụ tốt cho công tác giảng dạy nội khoá, hoạt động ngoại khoá, hoạt động thể thao quần chúng và các giải thi đấu thể thao cho HS, SV. Nhưng thực tế, công tác GDTC ở nhiều trường hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu mục tiêu đã đề ra. Để đáp ứng được các mục tiêu hiện nay công tác GDTC trong các trường đại học còn không ít rào cản. Thể lực của nhiều HS, SV còn kém, trong khi ý thức rèn luyện TDTT chưa cao, điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức tập luyện thiếu thốn, nội dung môn học chưa hấp dẫn nên HS, SV không hứng thú, say mê môn học GDTC là điều khó tránh. Điều này phần nào lý giải thực trạng học “đối phó” của không ít HS, SV mỗi khi đến giờ GDTC.
Làm thế nào để cho HS, SV hứng thú với môn học GDTC?
Theo ông Ngô Quang Huy, trước hết, trong mỗi giờ lên lớp, giáo viên cần phải tăng cường giáo dục ý nghĩa mục đích môn học, thay đổi cách dạy để tạo ra không khí thi đua trong lớp học, nâng cao năng lực giảng dạy, đặc biệt là phải biết sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp và linh hoạt. Trong mỗi tiết học nên áp dụng phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu, liên tục cổ vũ, khích lệ, động viên để các em có động lực tập luyện. Đưa ra chỉ tiêu phấn đấu ở từng nội dung và toàn lớp học, cải tiến giáo trình phù hợp với nhu cầu và sở thích của HS, SV. Đồng thời, cũng cần phải tạo điều kiện đầu tư về sân bãi và dụng cụ để học tập, tạo dựng phong trào TDTT tốt ở trong trường, đề cao vị trí môn học GDTC như những môn học khác…
Phan Thị Thu Thủy