Giáo dục Tây Ninh vững bước chuyển mình, nâng tầm chất lượng

GD&TĐ - Sau hợp nhất, quy mô mạng lưới giáo dục Tây Ninh được mở rộng với 1.024 cơ sở giáo dục và 573.364 học sinh các cấp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại tỉnh Long An (cũ) có 16.103 thí sinh đăng ký dự thi. Ảnh: ITN
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại tỉnh Long An (cũ) có 16.103 thí sinh đăng ký dự thi. Ảnh: ITN

Sau khi hợp nhất địa giới hành chính với tỉnh Long An (cũ), ngành Giáo dục Tây Ninh đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực và sáng tạo để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kép: Vừa ổn định tổ chức, vừa nâng cao chất lượng dạy và học.

Những kết quả ấn tượng và bài học kinh nghiệm

Sau hợp nhất, quy mô mạng lưới giáo dục Tây Ninh được mở rộng với 1.024 cơ sở giáo dục và 573.364 học sinh các cấp. Dù đối mặt với không ít thách thức như tình trạng thiếu hơn 2.481 giáo viên và 349 nhân viên, ngành đã chủ động vượt khó, triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt trong triển khai chương trình mới. Ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là đối với các lớp cuối cấp 5, 9 và 12. Công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh được đẩy mạnh.

Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Chất lượng giáo dục mầm non được chú trọng với 100% cơ sở đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi giảm đáng kể. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia có bước tiến với 61 giải, cho thấy sự đầu tư đúng hướng cho giáo dục mũi nhọn.

Công tác đảm bảo công bằng trong giáo dục đạt nhiều kết quả nổi bật. Tỉnh duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3, THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2.

Các chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, con em công nhân và người khuyết tật được triển khai kịp thời, hiệu quả. Điển hình, 5.558 trẻ là con công nhân được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng và 308 giáo viên mầm non tư thục tại khu công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Sở chú trọng đến việc phát triển đội ngũ và đầu tư cơ sở vật chất. Trước tình trạng thiếu giáo viên, tỉnh đã ban hành các nghị quyết về chính sách thu hút, hỗ trợ, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo. Công tác bồi dưỡng, nâng chuẩn giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 được triển khai thường xuyên.

Ngành đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng 460 phòng học với tổng kinh phí hơn 454 tỷ đồng giai đoạn 2023 - 2025, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia để kiên cố hóa trường lớp, mua sắm trang thiết bị.

Công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính được đẩy mạnh toàn diện, 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành được hoàn thiện, kết nối với dữ liệu quốc gia, phục vụ hiệu quả công tác quản lý. Việc triển khai học bạ số, kho học liệu, các phần mềm quản lý trường học đã và đang làm thay đổi diện mạo quản trị giáo dục theo hướng hiện đại, minh bạch.

Ngoài những thành tựu, ngành Giáo dục tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số tồn tại như: Chất lượng dạy học ngoại ngữ chưa đồng đều, việc triển khai tự chủ tài chính tại các trường công lập còn hạn chế, một số nơi còn thiếu phòng học, giáo viên bộ môn để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Đây là những bài học kinh nghiệm để ngành tiếp tục có những giải pháp căn cơ, đột phá trong giai đoạn tiếp theo.

tay-ninh-vung-buoc-chuyen-minh-nang-tam-chat-luong-1.jpg
Ông Nguyễn Quang Thái được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh sau sáp nhập. Ảnh: TL

Phương hướng và giải pháp đột phá

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm học 2025 - 2026, theo ông Nguyễn Quang Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, ngành Giáo dục Tây Ninh xác định phương châm hành động là đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Từ đó, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá.

Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngành sẽ tăng cường giám sát, hỗ trợ các nhà trường trong việc thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực; đẩy mạnh giáo dục STEM, hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nghiên cứu lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Hai là, tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Ngành sẽ tiếp tục tham mưu các chính sách thu hút, giữ chân giáo viên, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên.

Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Việc bổ nhiệm, xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ được thực hiện kịp thời, đúng quy định, tạo động lực cho đội ngũ.

Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số và hiện đại hóa cơ sở vật chất. Tiếp tục hoàn thiện và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành, triển khai đồng bộ học bạ số ở các cấp học. Tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, xây dựng trường học thông minh, phòng học bộ môn đạt chuẩn. Phấn đấu thực hiện hiệu quả Đề án đảm bảo cơ sở vật chất, xóa bỏ các phòng học tạm, phòng học xuống cấp.

Bốn là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý. Ngành sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường để đảm bảo kỷ cương, nền nếp và xử lý nghiêm các vi phạm.

Năm là, đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác truyền thông. Các phong trào thi đua như “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” sẽ được triển khai sâu rộng, thực chất. Công tác truyền thông sẽ được chú trọng nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, lan tỏa các tấm gương tốt, mô hình hay, kịp thời xử lý các vấn đề nhạy cảm.

“Năm học mới sắp bắt đầu với những vận hội và thách thức đan xen. Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng lòng của đội ngũ nhà giáo và sự chung tay của toàn xã hội, ngành GD-ĐT tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục vững bước trên hành trình đổi mới, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra, góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tương lai có đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà và đất nước trong giai đoạn mới”, ông Thái khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khu neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Ninh Cơ (Ninh Bình).

Ninh Bình chủ động ứng phó bão WIPHA

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của bão WIPHA, Ninh Bình yêu cầu các địa phương triển khai phương án phòng chống, sẵn sàng ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.