Qua đó nhằm đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Việc đẩy mạnh dạy, trải nghiệm, nghiên cứu giúp học sinh phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo, tích lũy nhiều kỹ năng cần thiết vận dụng vào thực tiễn.
3 hình thức dạy học STEM
Năm học 2024 - 2025, TPHCM có 3 hình thức tổ chức dạy học STEM trong trường trung học gồm: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, tùy thuộc vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt hình thức tổ chức giáo dục STEM. Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, học sinh được tham gia học tập tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra.
Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, dạy học các môn khoa học theo bài học STEM, giáo viên thiết kế bài dạy theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc liên môn. Còn với hoạt động trải nghiệm STEM sẽ thông qua hình thức câu lạc bộ hoặc hoạt động trải nghiệm thực tế và thực hiện theo sở thích, năng khiếu, lựa chọn của học sinh trên tinh thần tự nguyện.
Riêng hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật sẽ thực hiện dưới dạng một đề tài hay dự án nghiên cứu bởi cá nhân hoặc nhóm hai thành viên, dưới sự hướng dẫn của giáo viên hoặc nhà khoa học có chuyên môn phù hợp.
Ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh: “Quy định cụ thể 3 hình thức triển khai giáo dục STEM trong trường trung học từ năm học tới nhằm đẩy mạnh giáo dục STEM, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình GDPT 2018, gắn liền giáo dục trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống, từ đó hình thành năng lực giải quyết vấn đề của học sinh.
Cùng đó nâng cao nhận thức cán bộ quản lý, giáo viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM, thống nhất nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường. Đặc biệt triển khai Chương trình tự động hóa ứng dụng và STEM robot trong trường trung học thuộc Kế hoạch 939/KH-UBND ngày 16/3/2023”.
Triển khai thuận lợi
Tại TPHCM, việc linh hoạt áp dụng các hình thức giáo dục STEM được nhiều trường triển khai từ lâu, tùy theo điều kiện địa phương. Qua đó, học sinh được tiếp cận gần hơn các dự án STEM, trải nghiệm hoạt động khoa học, kỹ thuật góp phần nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo và phát triển bản thân.
Tại hệ thống Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (TPHCM), hoạt động giáo dục STEM được đưa vào kế hoạch giảng dạy nhiều năm nay. Giáo viên của trường đã lồng ghép vào tiết dạy chính khóa để tạo hứng thú, động lực học tập cho học sinh. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được ban giám hiệu nhà trường quan tâm và xem đây là thế mạnh.
Thầy Huỳnh Linh Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ứng dụng giáo dục STEM lồng ghép, tích hợp vào các môn học đã thu hút sự chú ý của học sinh với bài giảng. Triển khai giáo dục STEM vào hoạt động dạy học của nhà trường cũng tạo nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giáo dục học sinh.
Thông qua bài học, học sinh cùng nhau trao đổi làm việc nhóm, phát triển năng lực bản thân trong phản biện và hình thành tư duy từ tiết học, biết tích hợp các môn học để tạo ra sản phẩm STEM. Do đó, nhà trường sẽ thuận tiện triển khai theo các hình thức mà ngành Giáo dục thực hiện trong năm học mới.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM), giáo viên nhà trường đã tích hợp giáo dục STEM vào các môn học: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ... Thầy Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú đánh giá, điều này giúp học sinh đam mê, có niềm vui trong học tập.
Ngoài ra, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ STEM hoạt động vào các buổi chiều thứ 3, 5, 7 để học sinh được trải nghiệm. Đây là sân chơi khoa học để những em có đam mê thỏa sức sáng tạo. “Triển khai giáo dục STEM, nhà trường coi khó khăn chính là động lực để mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả cao nhất cho học trò.
Ba hình thức tổ chức dạy học STEM theo hướng đẩy mạnh dạy, trải nghiệm, nghiên cứu trong năm học 2024 - 2025 sẽ góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cũng góp phần tích cực vào đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy năng lực người học, hình thành phương pháp học tập hiệu quả.
Đây cũng là thế mạnh của học sinh trong trường. Đơn cử, năm học 2023 -2024, nhà trường đoạt 2 giải Nhất về nghiên cứu khoa học kỹ thuật; qua đó cho thấy ứng dụng việc học trong tích hợp liên môn từ đó làm ra sản phẩm có tính ứng dụng tốt”, thầy Phú cho hay.
Tương tự, thầy Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) chia sẻ, dạy STEM những năm qua được các trường trung học triển khai tốt. Trường THCS Huỳnh Khương Ninh đã thực hiện nhiều loại hình để giảng dạy cho học sinh về STEM. Đặc biệt, các môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp càng được giáo viên áp dụng STEM.
“Thuận lợi của trường là thực hiện theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế nên có nhiều câu lạc bộ để các em phát huy tốt ứng dụng STEM ra thực tiễn. Các hình thức giáo dục STEM mà Sở GD&ĐT TPHCM đưa ra phù hợp, nhà trường đảm bảo thực hiện tốt việc giảng dạy trong năm học 2024 - 2025”, thầy Khoa khẳng định.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh theo phương thức giáo dục STEM được thực hiện theo quy định tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT và các văn bản hướng dẫn khác của Bộ GD&ĐT.
Thực hiện đánh giá trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học bằng các hình thức khác nhau theo hướng dẫn tại Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 8/10/2014 và Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.