Sáng 21/8, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam”.
Hội thảo do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, Khoa Nghệ thuật trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì cùng sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trong cả nước…
Trăn trở về thiếu giáo viên nghệ thuật
Trong Chương trình GDPT 2018, các môn nghệ thuật gồm âm nhạc và mĩ thuật đã được xác định đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thẩm mĩ của học sinh để đào tạo thế hệ trẻ trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0.
TS Trần Thị Thu Hà, Trưởng khoa Nghệ thuật Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, cùng với các chuyên gia, các nhà khoa học trên khắp cả nước, Hội thảo cũng thu hút đông đảo các thầy cô là giáo viên dạy Âm nhạc, Mĩ thuật tại các nhà trường phổ thông, các học viên cao học, các nhà nghiên cứu trẻ.
Hội thảo tập trung vào ba nội dung chính: Đội ngũ giáo viên Nghệ thuật, Giáo dục Nghệ thuật trong Chương trình GDPT 2018, Môn Nghệ thuật trong nhà trường phổ thông.
Tại hội thảo đã cho thấy một bức tranh tổng thể về đào tạo giáo viên Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) tại các cơ sở giáo dục Nghệ thuật trong cả nước hiện nay. Trong đó, phần lớn các bài viết đề cập đến những khó khăn, tồn tại trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Nghệ thuật ở trường phổ thông theo định hướng tiếp cận năng lực người học. Trong đó có rất nhiều những trăn trở về chương trình, về biên soạn sách giáo khoa, về việc đưa âm nhạc dân tộc vào chương trình dạy học các cấp phổ thông hiện nay...
Các vấn đề về sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học môn Nghệ thuật còn yếu kém cũng được các đại biểu tâm huyết nêu lên, cùng với đó là quan điểm của đội ngũ nhà giáo về việc triển khai môn Nghệ thuật, thực trạng và giải pháp về dạy học Nghệ thuật ở trường phổ thông…
Đại biểu Lương Minh Tân (Phòng Đào tạo, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW) trăn trở về vấn đề thiếu giáo viên Nghệ thuật tại các trường phổ thông hiện nay. “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bước sang năm thứ 5. Năm học 2022 2023 bắt đầu thực hiện ở bậc trung học phổ thông. Môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) được chính thức đưa vào chương trình giáo dục của bậc trung học phổ thông. Điểm khác của môn Nghệ thuật ở bậc phổ thông trung học so với các cấp học dưới là học sinh không học đại trà mà chọn môn theo tính hướng nghiệp.
Do vậy, số trường trung học phổ thông triển khai dạy học nghệ thuật không nhiều do học sinh không thể chọn các tổ hợp môn học có môn Nghệ thuật vì thiếu giáo viên. Đây là vấn đề cần nghiên cứu và có hướng giải quyết một cách đồng bộ. Cần có kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên có sẵn ở các địa phương; Cần có sự triển khai đồng bộ trên cơ sở phối hợp giữa các cấp, các ngành; Có chế độ ưu đãi, thu hút giáo viên từ các khu vực thành thị về các vùng còn thiếu giáo viên để có thể thực hiện được nội dung giáo dục Nghệ thuật cho bậc trung học phổ thông theo Chương trình GDPT 2018”.
Khó khăn trong lĩnh vực Giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phẩm chất, năng lực trong các cơ sở Giáo dục phổ thông tại Việt Nam còn được các nhà khoa học chỉ ra từ vấn đề của sách giáo khoa.
Đổi mới tổ chức dạy và học
Theo PGS. TS. Nguyễn Bình Định - Khoa Sáng tác- Chỉ huy- Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các cuốn sách giáo khoa môn âm nhạc cho lớp 10, lớp 11 và lớp 12 được biên soạn theo chủ trương âm nhạc là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp. Trong quá trình biên soạn, các nhóm tác giả đã căn cứ vào những qui định chung về nội dung, hình thức và qui cách trình bày các kiến thức và kĩ năng về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thưởng thức âm nhạc.
Tuy nhiên, do có nhiều sự lựa chọn cách thể hiện khác nhau nên trước khi có được một bản mẫu sách giáo khoa âm nhạc được hội đồng thẩm định đánh giá là đạt yêu cầu thì hầu hết đều đã mắc phải những sai sót, khiếm khuyết ở nhiều khía cạnh khác nhau, làm ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Từ những khó khăn, bất cập, các nhà chuyên gia, các nhà khoa học… cũng đã đóng góp nhiều giải pháp trên mọi khía cạnh việc giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phẩm chất, năng lực. Trong đó, đáng chú ý có các ý kiến của TS.Nguyễn Thị Tân Nhàn - Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng để triển khai dạy tốt nội dung này, việc xây dựng các nguyên tắc dạy học là một trong những cơ sở quan trọng để xác định và lựa chọn các bước tiếp theo là nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Trên cơ sở những nguyên tắc dạy học ở đại học, phân tích mạch nội dung hát và đặc điểm lứa tuổi học sinh cấp Trung học phổ thông.
Hay PGS.TS Phạm Trọng Toàn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng trong sách giáo khoa bộ môn Nghệ thuật vẫn còn một số khía cạnh như các thuật ngữ, cụm từ, cách diễn đạt vấn đề trong chương trình cần được tiếp tục xem xét và điều chỉnh đảm bảo tính chính xác, để quá trình thực hiện nội dung Chương trình vào giảng dạy thực tế môn Âm nhạc đạt hiệu quả hơn.
Các kết quả nghiên cứu của 54 báo cáo đã được Hội đồng khoa học thẩm định, được biên tập, tuyển chọn và in trong Kỷ yếu toàn văn của Hội thảo Khoa học Quốc gia do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản (sẽ phát hành sau Hội thảo). Công trình dự kiến sẽ là một tập hợp các nghiên cứu khoa học giá trị, có tính chất tổng hợp, bao quát, toàn diện với những kết quả nghiên cứu đa dạng, phong phú, phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy Nghệ thuật.