Chiều 16/5, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Hội thảo diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, thành viên Ban soạn thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục phổ thông khu vực phía Nam.
Nhiều điểm mới đáng chú ý
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Sau 5 năm thực hiện, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT chủ trì trì trình dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Đây là việc làm hết sức quan trọng bởi Luật Giáo dục được xem là luật gốc của khi xây dựng các luật có liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, việc thảo luận góp ý, bổ sung, điều chỉnh một số điều của Luật Giáo dục cần bám sát, phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục, đào tạo của Đảng, Nhà nước.
Tại hội thảo, báo cáo về các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, ông Đào Hồng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ đầu tháng 3/2025, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và chuẩn bị hồ sơ Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp để Ban soạn thảo, Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các đơn vị trong Bộ thảo luận về đề cương dự thảo Luật, bản thảo chi tiết các nội dung đã sửa đổi, bổ sung trong Luật.
“Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Thường trực ban soạn thảo đã nghiêm túc quán triệt và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm, pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và các văn bản chỉ đạo liên quan”, ông Đào Hồng Cường cho biết.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho biết, quá trình xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đã bám sát chủ trương của Đảng, định hướng lớn của Quốc hội, Chính phủ về đổi mới tổ chức bộ máy.
Bảo đảm phạm vi sửa đổi đúng quy định pháp luật, chỉ tập trung vào nội dung cốt lõi cần thiết. Triệt để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tập trung xử lý các nội dung có tính nguyên tắc, làm cơ sở định hướng sửa đổi các luật chuyên ngành trong hệ thống giáo dục.
Xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học
Theo ông Đào Hồng Cường, điểm mới trong dự thảo Luật Giáo dục là xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học, gồm 2 bậc: Trung học nghề và cao đẳng. Trong cấp học này, người học được đào tạo ở 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Cách thiết kế này bảo đảm cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân rõ cấp học, phân loại rõ trình độ đào tạo và tăng cường tính mở, liên thông, phù hợp với Khung trình độ quốc gia và thông lệ quốc tế.
Dự thảo cũng giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THCS xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay cho việc Trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS; Giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THPT hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT thay cho việc Giám đốc Sở GD&ĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Đồng thời, sửa đổi quy định về hoạt động khoa học, công nghệ của cơ sở giáo dục, bổ sung nội dung quy định về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Xác định rõ tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa.

Dự thảo sửa đổi cũng bỏ Hội đồng trường trong trường mầm non, phổ thông công lập; Không thực hiện kiểm định cơ sở GDMN, GDPT, GDTX thông qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, thay bằng quy định về đánh giá chất lượng đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Bỏ hội đồng trường mầm non, phổ thông là phù hợp
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi về các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật liên quan quy định văn bằng, chứng chỉ; Hội đồng trường; Học phí; Thủ tục hành chính, ...
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc (TPHCM) cho biết, theo quy định hiện hành tại Điều 55 của Luật Giáo dục năm 2019, Hội đồng trường tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu và tham gia quyết định phương hướng hoạt động của nhà trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập không được giao quyền tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy hay nhân sự. Do đó, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường trong các cơ sở này chủ yếu được thực hiện bởi Lãnh đạo nhà trường và các phòng chuyên môn, dẫn đến sự trùng lặp về hình thức và không hiệu quả thực chất.

Ông Hoàng đồng thuận với đề xuất tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục năm 2025, theo đó: Sửa đổi Điều 55 theo hướng không quy định thành lập Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập. Chính sách này không ảnh hưởng đến tính dân chủ trong nhà trường bởi quyền giám sát vẫn được đảm bảo thông qua các cơ chế như Đảng ủy/Chi bộ, Ban đại diện cha mẹ học sinh và các cơ quan quản lý trực tiếp.
Theo ông Hoàng, việc bỏ quy định này sẽ giúp giảm áp lực nhân sự, tiết kiệm chi phí vận hành, tăng tính tập trung vào các hoạt động dạy và học. Điều này cũng phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
“Việc không tiếp tục quy định bắt buộc thành lập Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là bước đi phù hợp với thực tiễn và đúng định hướng cải cách hành chính, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục hiện nay. Thay vì duy trì mô hình quản trị không hiệu quả, chúng ta cần tập trung hoàn thiện vai trò của hiệu trưởng, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường giám sát thông qua các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài nhà trường. Điều này sẽ góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục thực chất, hiệu quả và bền vững hơn trong giai đoạn mới”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Góp ý về chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí cho người học trong giai đoạn hiện nay, ông Lê Thế Tài – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng: Chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ học phí không chỉ là một biện pháp an sinh giáo dục, mà còn là minh chứng sinh động cho cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm công bằng xã hội và nuôi dưỡng ước mơ học tập của hàng triệu người trẻ.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục gắn với tự chủ đại học và chuyển đổi số, các chính sách này càng cần được hoàn thiện một cách kịp thời, linh hoạt, công bằng và thực chất.
“Từ thực tiễn triển khai tại các trường đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục công lập tự chủ như Trường Đại học Luật TPHCM, chúng tôi kiến nghị cần mạnh dạn sửa đổi những điểm chưa phù hợp, bổ sung những cơ chế mới – từ cấp bù học phí theo thực thu, xã hội hóa học bổng, đến phân quyền cho các trường và tích hợp dữ liệu quốc gia - để chính sách đến được đúng người, đúng lúc và đúng ý nghĩa”, ông Tài nhấn mạnh.
"Các ý kiến đóng góp tại hội thảo đã đánh giá sâu sắc thêm các nội dung dự thảo Luật Giáo dục đưa ra. Ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện dự thảo", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.