Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), châu lục này phải trải qua thời gian đóng cửa trường học lâu nhất (có nơi tới 16 tháng) so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Trong khi nhiều học sinh ở các nước giàu đã quay lại trường học thì 100 triệu trẻ em ở Mỹ Latinh vẫn học từ xa toàn bộ hoặc một phần.
Hậu quả đáng báo động
Sống tại cuối con đường đất ngoài thủ đô Bogota của Colombia, 2 đứa con của bà Gloria Vásquez đã bỏ học trong đại dịch Covid-19, trong đó cô bé Ximena 8 tuổi đang tụt lại phía sau và vật lộn với các phép tính cơ bản nhất.
“1 + 1 bằng mấy?” – Vásquez hỏi con gái mình và nhận được câu trả lời bất lực: “4”. Giờ đây, người mẹ đơn thân 33 tuổi, chưa học hết lớp 5 và làm nghề dọn dẹp nhà trọ, tự nhủ rằng không thể để đứa con thứ 3 nghỉ học.
“Maicol đâu?” – bà gọi điện về nhà hỏi khi đang cọ sàn – “Nó có đang học không?”. Maicol, 13, tuổi, tất nhiên là không học bài. Chán nản với những bài tập mà giáo viên gửi qua tin nhắn, Maicol đã theo chú ruột đi kéo xe cút kít lượm đồ đồng nát bán. “Con không học được gì cả” – cậu trả lời và lại bị mẹ mắng vì đi làm thay vì đi học.
Các quan chức và chuyên gia giáo dục cho biết một hậu quả đáng báo động ở Mỹ Latinh: Khi nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch và sự kết nối với lớp học trở nên rời rạc, trẻ em ở độ tuổi tiểu học và trung học đang bỏ học với số lượng lớn để làm việc ở bất cứ đâu có thể.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính hàng triệu trẻ em Mỹ Latinh có thể đã rời khỏi hệ thống trường học. Ở Mexico, 1,8 triệu trẻ em và người trẻ tuổi đã bỏ học trong năm học này vì dịch bệnh hoặc khó khăn về kinh tế - cơ quan thống kê nước này cho biết.
Tại Ecuador, khoảng 90 nghìn học sinh tiểu học và trung học đã bỏ dở việc học hành. Con số này ở Peru là 170 nghìn. Các quan chức lo ngại thiệt hại thực sự còn cao hơn nhiều vì vô số trẻ em như Maicol, về hình thức vẫn đang theo học nhưng phải vật lộn để đuổi theo lớp. UNICEF cho biết hơn 5 triệu trẻ em ở Brazil không được tiếp cận giáo dục trong thời kỳ đại dịch – một mức độ chưa từng có trong hơn 20 năm.
Tăng khả năng tiếp cận giáo dục là một trong những thành tựu to lớn trong nửa thế kỷ qua ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, giờ đây, số lượng học sinh bỏ học ngày càng tăng, khiến cho tiến bộ mất nhiều năm khó khăn mới giành được đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Bên cạnh đó, nó khiến sự bất bình đẳng tăng lên và có thể thay đổi khu vực này trong thập kỷ tới.
Bà Emanuela Di Gropello ở WB cho biết: “Đây là một cuộc khủng hoảng mang tính thế hệ, các chính phủ cần đưa trẻ tới lớp càng nhanh càng tốt. Không còn thời gian để mất nữa”.
Đại dịch Covid-19 gây ra thiệt hại nghiêm trọng trên toàn cầu nhưng ở một số khía cạnh, châu Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề hơn và lâu hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.
Theo ước tính của The New York Times, dân số châu Mỹ Latinh chiếm chưa tới 10% dân số toàn cầu nhưng chiếm 1/3 số ca tử vong vì Covid-19 thế giới. Với tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều quốc gia ở châu lục này, virus Corona vẫn đang tàn phá nơi đây.
Hy vọng về một khởi đầu mới
Nếu các lệnh phong tỏa chống dịch không chấm dứt và trẻ em không sớm quay lại trường, “nhiều em sẽ không bao giờ có thể trở lại trường” – WB cảnh báo - “Những em quay lại được trường học cũng sẽ mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm học tập để theo chương trình”. Một số nhà phân tích lo ngại, khu vực này có thể đối mặt với một thế hệ trẻ em không được học hành chẳng khác như những nơi hứng chịu nhiều năm chiến tranh.
Trở lại với câu chuyện của Vásquez, ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, việc tốt nghiệp trung học ở khu phố mà gia đình bà Vásquez sinh sống cũng đã là thành tích không nhỏ. Bogota của Colombia là một thành phố thuộc khu vực bất bình đẳng nhất thế giới. Bạo lực và tội phạm ở đây phổ biến và với một số trẻ em, đại dịch là một chấn thương khác trong một chuỗi chấn thương dường như vô tận.
Nhiều phụ huynh trong khu phố kiếm sống bằng nghề tái chế nhựa và con cái họ cũng không có máy tính, Internet để học từ xa. Cả gia đình chỉ có một chiếc điện thoại di động khiến học sinh phải tranh giành nhau để sử dụng.
Bà Vásquez coi việc phải bỏ học từ khi 14 tuổi để giúp đỡ gia đình là điều hối tiếc lớn nhất. Giờ đây, bà phải làm thêm bằng công việc dọn dẹp nhà nghỉ suốt ngày mà mức lương kiếm được không bằng mức lương tối thiểu thông thường. Coi các con là “động lực của cuộc đời”, bà hy vọng chúng sẽ rời khu phố này, vượt qua được đại dịch và đi học tiếp để rồi tiếp tục ước mơ trở thành bác sĩ, nghệ sĩ hay một cảnh sát.
Cuối tháng 5 vừa qua, 2 con trai của bà vẫn được học chính thức nhưng chúng hầu như không theo kịp chương trình vì không có máy tính. Bà phải trả tiền để in bài tập với giá 15 xu một trang, một số bài tập dài hàng chục trang và không phải lúc nào bà cũng đủ tiền chi trả.
Cả 2 con gái của Vásquez đã bỏ học. Ximena mất chỗ ở trường ngay trước đại dịch năm ngoái vì nghỉ học – một điều không hiếm ở các trường học quá tải tại Colombia. Giờ đây, Vásquez quan tâm đến việc làm thế nào để con mình theo kịp chương trình hoặc có thể quay lại lớp học.
Các chuyên gia cảnh báo, tổn thất của giáo dục trong đại dịch sẽ chưa biết rõ cho tới khi các nước đưa trẻ em trở lại trường học. Bà Di Gropello lo ngại sẽ còn nhiều trẻ em nữa, đặc biệt là trẻ em nghèo không có máy tính hoặc kết nối Internet sẽ bỏ học khi nhận ra mình tụt hậu xa đến mức nào.
Vào giữa tháng 6, Bộ Giáo dục Colombia thông báo tất cả các trường sẽ trở lại học trực tiếp sau kỳ nghỉ tháng 7 mặc dù đất nước đang trải qua số ca tử vong hàng ngày cao kỷ lục. Nhưng khi các hiệu trưởng nỗ lực để chuẩn bị cho sự trở lại, một số người sẽ tự hỏi liệu sẽ có bao nhiêu giáo viên và học sinh xuất hiện.
Thế rồi, bà Vásquez đã nhận được tin nhắn từ giáo viên của Maicol và Emanuel. Trong vài tuần nữa, trường học của các em sẽ mở cửa trở lại. Và cuối cùng, bà cũng tìm được chỗ học cho Ximena sau khi cô bé nghỉ học hoàn toàn hơn 1 năm.
“Một khởi đầu mới” – bà Vásquez vui vẻ nói – “Tôi được biết giáo dục là tất cả, không có giáo dục thì không có gì cả. Đó là sự thật, tôi đã tận mắt chứng kiến”.