Giáo dục lòng yêu quê hương qua lịch sử địa phương

GD&TĐ - Khi nhắc đến việc GD lòng yêu nước cho HS, nhà GD Xô Viết Sukhomlinski đã viết: “Đối với mỗi con người chúng ta, Tổ quốc bắt đầu từ một cái nhỏ bé dường như không lộng lẫy lắm và không có gì nổi bật. 

Giáo dục lòng yêu quê hương qua lịch sử địa phương

Cuộc sống của mỗi chúng ta, vĩnh viễn đến hơi thở cuối cùng chứa đựng một cái gì đó duy nhất và không gì thay thế được như bầu sữa mẹ, như sự âu yếm của mẹ, như lời nói thân yêu. Đó là miền quê thân yêu của chúng ta, nơi thể hiện hình ảnh sinh động của Tổ quốc”.

Bắt đầu từ các hoạt động nhà trường

Như vậy, GD lòng yêu nước cho HS phải bắt đầu từ việc GD cho các em nhận thức được tình yêu quê hương, đất nước, ý thức XHCN gắn chặt với nhau, tạo nên sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại mới. 

Nhiệm vụ đó đòi hỏi nhà trường một mặt phải chuẩn bị tình cảm và năng lực để HS tham gia sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, mặt khác phải chú ý đến GD các em lòng yêu quê hương, yêu những con người và truyền thống tốt đẹp của địa phương có ý thức và năng lực sẵn sàng tham gia lao động sản xuất và chiến đấu để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

GD lòng yêu quê hương cho HS phổ thông được thực hiện thông qua các hoạt động của nhà trường nói chung, hoạt động giảng dạy các môn học nói riêng; trong đó việc dạy học lịch sử, hoạt động ngoài giờ lên lớp, đặc biệt là biết kết hợp giữa hoạt động ngoài giờ lên lớp với lịch sử địa phương. Đây là hoạt động có nhiều ưu thế hơn cả.

Giảng dạy lịch sử địa phương sẽ cung cấp cho HS những hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, con người ở địa phương trong lịch sử đấu tranh dựng nước và cứu nước, hiểu biết về các di tích lịch sử, di tích văn hóa, nghệ thuật và những kinh nghiệm lao động của nhân dân địa phương. Từ đó các em có nhận thức đúng đắn về cuộc sống của địa phương trong quá khứ và hiện tại. 

Trên cơ sở hiểu biết đó, xây dựng cho các em niềm tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất, lao động cần cù, thông minh sáng tạo; tự hào về những cảnh trí thiên nhiên bình dị và thơ mộng, tự hào về những phong cách sinh hoạt văn hóa mang bản sắc độc đáo của địa phương. 

Chính niềm tự hào đó làm cho các em gắn bó với mảnh đất quê hương, có ý thức bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp vốn có của địa phương một cách tự giác.

Như vậy, nghiên cứu giảng dạy lịch sử địa phương được tiến hành một cách thưòng xuyên với nội dung, phương pháp phù hợp sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, kích thích được lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc.

Các nguyên tắc cơ bản

Trong quá trình GD lòng yêu quê hương cho HS qua lịch sử địa phương, cần phải tuân theo các nguyên tắc:

GD lòng yêu quê hương phải gắn chặt với lòng yêu đất nước. Tình yêu quê hương thống nhất với tình yêu Tổ quốc. GD lòng yêu quê hương cho HS được thực hiện trên cơ sở những sự kiện trên mảnh đất, con người ở địa phương, chứ không phải là sự hô hào một cách chung chung. 

Trên cơ sở trang bị cho HS những hiểu biết về địa phương, bồi dưỡng cho các em tình cảm yêu mến, gắn bó với quê hương. Nghĩa là GD không tách rời giáo dưỡng.

GD lòng yêu hương không chỉ dừng lại ở giáo dục tình cảm mà phải hướng tình cảm vào hoạt động cách mạng, thể hiện bằng những hành động cụ thể. Có sự kết hợp lí trí và tình cảm trong GD tư tưởng.

GD lòng yêu quê hương cho HS qua dạy các tiết lịch sử địa phương phải tuân theo phân phối chương trình của bộ môn Lịch sử. Hiện nay, trong chương trình môn Lịch sử từ lớp 6 - 12 đều có qui định một số tiết dạy về lịch sử địa phương. Giáo viên nên tổ chức sưu tầm, tài liệu giảng dạy dưới dạng thông sử hoặc chuyên đề về địa phương.

Chẳng hạn ở Quảng Nam (hoặc ở địa phương nào đó) có thể dạy các bài học: Khái quát về quê hương, con người Quảng Nam qua các thời kỳ; truyền thống đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm của địa phương trước khi có đảng Cộng sản Việt Nam; Phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương khi có Đảng; Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chống đế quốc Mỹ và tay sai; nhân vật, di tích, danh lam thắng cảnh ở địa phương; nét văn hóa độc đáo, bản sắc của con người ở địa phương mình…

Giáo viên cần nghiên cứu đọc, tìm hiểu thêm nhằm bổ sung lịch sử địa phưong để làm thêm phong phú và sáng tỏ một số sự kiện của lịch sử dân tộc nhằm vun đắp cho học sinh lòng tự hào về dân tộc.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa về lịch sử địa phương như tổ chức tham quan các di tích lịch sử, nhà bảo tàng, bảo tồn, danh lam thắng cảnh, gặp gỡ các bậc lão thành cách mạng, các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương.

Điều kiện có tính quyết định đến thành - bại của việc GD tình cảm là đòi hỏi “Nhà GD phải được GD”. Nghĩa là muốn GD lòng yêu thương cho HS thì người giáo viên phải thực sự rung động với những sự kiện lịch sử oanh liệt do các thế hệ ở địa phương làm nên, đồng thời phải nhiệt tình cách mạng và lí tưởng kiên định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ